pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 điều cần làm nếu bạn nằm trong diện tự cách ly tại nhà
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo các nhóm đối tượng thuộc diện nghi ngờ mắc bệnh, có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với Covid-19, người trở về từ vùng dịch hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động cách ly, khai báo y tế với địa phương và tuân thủ việc theo dõi sức khỏe tại nhà. Thời gian theo dõi là 14 ngày kể từ sau thời điểm tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc trở về từ vùng dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương trên cả nước đang nỗ lực khoanh vùng và cách ly các nhóm đối tượng nghi nghiễm Covid-19 nhằm kiểm soát nguy cơ dịch bệnh lan rộng, do vậy toàn dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và với cộng đồng.
Nếu bạn thuộc diện tự cách ly tại nhà, cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế và phối hợp với cán bộ y tế địa phương nhằm thực hiện việc cách ly có hiệu quả.
1. Đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày
Người nghi nhiễm bệnh và đang cách ly cần chủ động đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày và gửi cho người phụ trách y tế, chú ý theo dõi nếu sốt trên 37,5 độ kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, ho.
2. Theo dõi các dấu hiệu trên cơ thể
Bệnh viêm đường hô hấp do virus nCoV gây ra có triệu chứng tương đồng với bệnh cúm thông thường. Do vậy người trong diện cách ly cần theo dõi các triệu chứng mệt mỏi, sổ mũi, ho nhiều, đau họng, buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Tuy nhiên, nếu cơ thể không có các triệu chứng trên, người cách ly vẫn nên tiếp tục theo dõi sức khỏe cho đến hết thời gian ủ bệnh là 14 ngày.
Với nhóm tiếp xúc nguy cơ thấp cũng nên ở nhà, hạn chế đi lại và không sử dụng các phương tiện công cộng, không đến các trung tâm vui chơi giải trí, nơi tụ tập đông người. Nếu ra ngoài, cần mang khẩu trang đúng cách và hạn chế tiếp xúc với người khác.
3. Thông báo cho cán bộ y tế
Thông báo thường xuyên tình hình sức khỏe cho cán bộ y tế. Khi có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần ở phòng riêng, đeo khẩu trang và tuyệt đối không tiếp xúc với người khác, nhất là với người thân, gọi điện thoại ngay cho nhân viên y tế đang phụ trách theo dõi để được hỗ trợ.
Nếu cần khám bệnh, người đang cách ly không nên tự đi đến các cơ sở khám chữa. Nếu đi, cần thông báo cho tài xế, người trực tiếp thăm khám cho bạn về tiền sử dịch tễ. Không đi khám ở nhiều cơ sở y tế khác nhau, điều này có thể làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh diện rộng.
4. Vệ sinh cá nhân
Trong 14 ngày cách ly, người cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, tuyệt đối không ăn chung, sử dụng chung đồ cá nhân với người khác.
Các thiết bị, đồ dùng thường xuyên sử dụng như điện thoại, máy tính, sạc, tai nghe, chăn, gối... cũng cần được khử trùng và giặt riêng.
Đặc biệt lưu ý với những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, nhất là những người có tiền sử mắc bệnh mãn tính... phải tuyệt đối cách ly hoàn toàn, ở nhà, không đi học hoặc đi làm, tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với người khác.
Xử phạt nặng nếu trốn cách ly
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 chia bệnh truyền nhiễm thành 03 nhóm A, B, C. Trong đó, nhóm A được đánh giá là có mức độ nguy hiểm cao nhất. Covid-19 đã được Bộ Y tế đánh giá là nguy hiểm và bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A tại quyết định 219/QĐ-BYT.
Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, đồng thời bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Xử lý hình sự với người trốn khỏi nơi cách ly
Nếu hành vi bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến hậu quả là làm lây lan dịch Covid-19 ra xã hội thì người trốn khỏi nơi cách ly còn bị đối mặt với án phạt tù lên đến 12 năm.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự, người có hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người mà kết quả là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu hành vi này làm chết người thì mức phạt lên đến 10 năm, chết từ 02 người trở lên thì mức phạt là 10 - 12 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.