1. Khi cha mẹ cãi nhau: Một cuộc điều tra của các nhà nghiên cứu tâm lý nhi đồng đối với 3.000 trẻ. Một câu hỏi được đặt ra với các em là “Các em sợ nhất điều gì ở cha mẹ mình?”. Câu trả lời nhiều nhất là “Em sợ nhất cha mẹ cáu giận và cãi nhau”.
Có một câu trả lời rất sinh động của một em nhỏ: “Em sợ nhất khi ba em nổi cáu, lúc đó mẹ và em đều khóc, em co dúm lại như một con chuột, cơm chan nước mắt”.
2. Cha mẹ nổi cáu: Con trẻ hay nghịch ngợm, hiếu động. Cha mẹ sau một ngày làm việc mệt mỏi vất vả khó khống chế tình cảm nên dễ nổi cáu, đánh mắng con. Khi cha mẹ nổi cáu sẽ làm cho con trẻ sợ hãi.
Con trẻ có tâm hồn rất mẫn cảm. Nếu cha mẹ nổi cáu nhất định sẽ ảnh hưởng đến tình cảm và hành vi của con trẻ. Nhưng nhiều khi con trẻ cũng không hiểu là tại sao cha mẹ lại tức giận.
Trong cuộc sống tốt nhất là cha mẹ không nên tức giận trước mặt con. Nếu cha mẹ không kiềm chế được lỡ có tức giận thì sau đó nên giải thích rõ ràng nguyên nhân vì sao cha mẹ lại nổi cáu như thế? Đồng thời thông qua hành động để con trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ dành cho mình.
3. Cha mẹ đối xử không công bằng: Nếu cha mẹ có yêu đứa này hơn đứa kia hay đối xử không công bằng giữa các con thì hành vi và lời nói của cha mẹ sẽ ăn sâu vào tiềm thức trẻ từ nhỏ đến khi lớn lên.
Sự thiên vị của cha mẹ sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm lý của con, dẫn đến những vấn đề về hành vi từ tuổi nhi đồng, thiếu niên đến khi trưởng thành.
Những đứa trẻ không được yêu quý bằng anh chị em khác trong nhà sẽ trở nên lầm lì, ít nói, có thái độ bàng quan, không quan tâm đến người xung quanh, thậm chí còn oán hận cha mẹ đã đối xử không công bằng.
4. Cha mẹ thất hứa, nói dối: Người lớn nhiều khi nói ra không suy nghĩ kỹ hay nhiều bậc phụ huynh ra điều kiện nếu con đạt được thành tích tốt thì sẽ có thưởng. Nhưng khi con phấn đấu hoàn thành yêu cầu của cha mẹ thì cha mẹ lại không giữ lời hứa. Đó là hiện tượng thường xảy ra trong các gia đình.
Con trẻ chán nhất là cha mẹ coi nhẹ lời hứa của mình. Thất hứa đồng thời với đánh mất uy tín, người lớn nói mà không thực hiện không chỉ làm mất uy tín trong mắt con trẻ mà còn ảnh hưởng đến hình tượng tự thân của trẻ.
Việc cha mẹ không giữ lời hứa sẽ tạo thành thói quen xấu “thất tín” và con trẻ sẽ học theo. Sau này khi trưởng thành, thói quen thất tín sẽ làm mất đi nhiều cơ hội và bạn bè của trẻ.
Cha mẹ không nên vì mục đích trước mắt của mình mà tùy tiện đáp ứng yêu cầu của con, đến khi không thực hiện được yêu cầu của trẻ sẽ làm con thất vọng.