pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 điều sản phụ cần tránh khi chuẩn bị lên bàn đẻ
Đi sinh con ở bệnh viện hoàn toàn không phải đơn giản là xách đồ đến, đợi đẻ xong rồi về mà không cần phải liên quan đến ai. Bởi về cơ bản, sản phụ sẽ phải hợp tác với các y bác sĩ, phải thông cảm cho nhau và chỉ khi đó mới đảm bảo cho quá trình vượt cạn diễn ra suôn sẻ.
Thế nhưng theo tâm sự của các bác sĩ sản khoa, họ gặp rất nhiều bà mẹ đi đẻ kiểu “trời ơi đất hỡi” và gây khó chịu trong suốt thời gian đỡ đẻ, theo dõi thăm khám. Dù vì tính chất công việc, các bác sĩ vẫn sẽ nỗ lực hết sức để giúp sản phụ, nhưng ấn tượng mà các mẹ để lại cho bác sĩ lại không tốt chút nào.
Dưới đây là 4 tuýp sản phụ như thế, mẹ nên biết để điều chỉnh hành vi, mối quan hệ với bác sĩ khi đi sinh con:
Lót tay bằng “phong bì”
Có nhiều mẹ thường chuẩn bị sẵn sàng “phong bì”, chỉ cần có bác sĩ hay y tá nào liên quan đến ca sinh nở của mình là sẽ cố gắng “lót tay” để nhằm được hưởng đặc ân. Tuy nhiên, các y bác sĩ lại hoàn toàn không thích hành động này vì nhiều lý do.
Thứ nhất, bệnh viện nghiêm cấm hành vi này. Vậy nên việc “lót tay” nếu bị phát giác sẽ đe dọa đến sự nghiệp của bác sĩ, y tá. Thứ hai, hành động này cũng khiến các bác sĩ ngại và giữ khoảng cách với sản phụ. Thứ ba, bác sĩ luôn cố gắng hết sức khi vào phòng sinh, điều này liên quan đến chuyên môn, đạo đức của nghề y. Đây là điều bác sĩ sẽ làm mà không liên quan gì đến tiền bạc.
Liên tục hỏi về chuyên môn của bác sĩ
Bệnh viện không phải là nơi dễ dàng để nhận bất kỳ một ai chưa có đủ chuyên môn vào làm việc. Khoa Sản lại càng vậy, những bác sĩ sản khoa luôn phải trải qua quá trình học tập và đào tạo gắt gao trước khi được tự tay đỡ đẻ. Cũng chỉ những bệnh viện có bề dày kinh nghiệm mới được cho phép hoạt động công khai.
Nhưng lại có một số mẹ dường như coi thường các bác sĩ trẻ và cho rằng người trẻ thì chưa có kinh nghiệm, không muốn phụ trách ca sinh của mình. Các sản phụ này sẽ liên tục hỏi: “Sao bác sĩ này trẻ thế, có bác sĩ nào già và dày dặn hơn không?”. Cách hỏi như vậy thể hiện thái độ không tôn trọng cũng như không tin tưởng vào bác sĩ của sản phụ.
Không hợp tác
Trước khi vào phòng sinh, nhiều sản phụ vì xem nhiều quá các bộ phim truyền hình hay tiếp nhận những thông tin không đúng, nghe nhiều lời đồn đại nên có suy nghĩ sai lệch. Họ cho rằng nhiều quyết định của bác sĩ sẽ gây ra nguy hại cho họ nên không thể tuân theo.
Vì vậy khi vào phòng sinh hay nằm trên bàn đẻ, họ rất dè chừng khi nghe bác sĩ nói và góp ý. Nhiều mẹ không ngừng thắc mắc hoặc thậm chí là từ chối hướng dẫn của bác sĩ. Chính điều này mang lại rất nhiều mâu thuẫn, trì hoãn cho quá trình sinh nở và đôi khi khiến bác sĩ bất lực nếu gặp tình huống nguy nan, bị đe dọa an toàn tính mạng của mẹ và bé.
Tôn trọng thái độ và những thắc mắc của sản phụ, bác sĩ sản khoa sẽ cố gắng giữ bình tĩnh. Nhưng việc này vẫn ảnh hưởng không ít đến tâm trạng của bác sĩ và có thể ảnh hưởng đến khả năng đánh giá tình trạng của sản phụ.
Che giấu sự thật
Trước khi sinh, bác sĩ sẽ hỏi mẹ bầu một số thông tin cơ bản, giúp đưa ra kế hoạch vượt cạn tốt nhất. Ví dụ: “Đứa trẻ đầu tiên sinh thường hay sinh mổ? Mẹ từng nạo phá thai bao nhiêu lần?”… Tuy nhiên một số mẹ lại che giấu sự thật và không chịu nói sự thật. Điều này dẫn đến những thay đổi trong kế hoạch của bác sĩ, mang lại nhiều khó khăn cho công việc của họ.
Năng lực chuyên môn, tâm trạng, thái độ của bác sĩ đều sẽ ảnh hưởng đến việc sinh nở. Vì vậy nếu gặp phải 4 kiểu phụ nữ như trên, ngay cả bác sĩ điềm tĩnh nhất có thể cũng rơi vào tâm trạng thất thường.
Cụ thể mẹ bầu cần có thái độ đúng đắn như thế nào khi bước vào khoa Sản?
Tin tưởng bác sĩ và tích cực hợp tác
Trong phòng sinh, chỉ có bác sĩ sản khoa mới có thể giúp mẹ sinh con thuận lợi. Họ đều là những người có kinh nghiệm đỡ đẻ dày dặn nhất nên các mẹ phải tin tưởng vào sự chuyên nghiệp và tích cực hợp tác với họ. Các bác sĩ sẽ luôn đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mẹ và thai nhi dựa trên tình huống thực tế. Mẹ nên cố gắng hết sức để giúp các bác sĩ hoàn thành công việc và mẹ sinh con suôn sẻ.
Tôn trọng tư chất của bác sĩ
Với những bác sĩ có chuyên môn giỏi và đạo đức nghề nghiệp, việc đưa “phong bì” và dặn dò nhờ vả sẽ thể hiện sự thiếu tôn trọng bác sĩ. Bởi các bác sĩ sản khoa luôn biết nhiệm vụ của mình là làm hết sức để đỡ đẻ thành công hay xử lý các vấn đề bất thường xảy ra. Họ không làm vì “phong bì”.
Vậy nên việc đưa “phong bì” không những không tôn trọng bác sĩ mà còn tạo áp lực và ảnh hưởng đến cảm xúc của bác sĩ. Khi vào phòng sinh, việc tích cực hợp tác với bác sĩ đã là món quà và sự giúp đỡ tốt nhất mà sản phụ có thể làm cho bác sĩ.
Trung thực
Khi các bác sĩ hỏi về những thông tin cơ bản là để có thể chuẩn bị cho ca sinh nở thuận lợi hơn, lên kế hoạch đỡ đẻ phù hợp nhất với thể trạng của người mẹ và lường trước các tình huống có thể xảy ra để chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, đừng trả lời theo cách nói lái đi hay nói dối, che giấu thông tin mà hãy trả lời trung thực.
Việc nói dối không chỉ khó khăn cho người mẹ trong quá trình sinh con mà còn với cả bác sĩ. Vì vậy cần tôn trọng và thấu hiểu bác sĩ hơn, hợp tác để dành cho nhau trạng thái cảm xúc tốt nhất. Ca sinh nở nhờ thế mới có thể diễn ra suôn sẻ.