“Bùa may mắn” từ Trứng cuộn
Với người Nhật, món Trứng cuộn giống như cuộn giấy người xưa thường dùng viết chữ. Thay vì chiên trứng như mọi ngày, bạn hãy cuộn lại như cuộn giấy để chúc con học thật giỏi!
Nguyên liệu: 2 quả trứng, 20ml Mirin - rượu ngọt của Nhật (có thể thay bằng 1 muỗng cà phê đường), 20ml nước dùng Dashi, dầu ăn
Thực hiện: Trứng cuộn sẽ đẹp nhất khi bạn dùng chảo hình chữ nhật. Để làm món trứng chiên thành công thì điều quan trọng là chảo phải nóng đúng nhiệt độ. Cách thử đơn giản là đổ một ít hỗn hợp trứng vào chảo, nếu nó phát ra tiếng xèo xèo và trứng nhanh chóng chín thì chảo đã đủ nóng. Nếu không có tiếng gì thì tức là chảo chưa nóng và trứng sẽ vẫn dính lấy chảo, không cuộn lại được.
Món này hơi ngọt, không có vị mặn như trứng chiên thông thường, không cần ăn kèm với cơm. Có thể để lạnh và dùng như món ngọt, mềm và mát.
Cỏ 4 lá chúc thi tốt
Với cuộn trứng làm theo cách trên, chỉ cần sáng tạo một chút, bạn sẽ có món quà động viên con trong mùa thi.
Cá chép vượt vũ môn
Hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng từ lâu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, ý chí vượt qua khó khăn để đạt được thành công trong những cuộc thi đầy cam go. Bạn có thể tạo hình cá chép từ trứng cuộn để động viên con trong mùa thi. Nếu muốn, bạn hãy đổi gia vị ngọt thành mặn theo khẩu vị thông thường của để ăn kèm với cơm.
Tonkasu
Trong tiếng Nhật, từ “katsu” có nghĩa là chiến thắng, vì vậy trong các kỳ thi quan trọng, món Cốt lết chiên xù Tonkatsu thường được các bà mẹ Nhật Bản làm cho con với lời chúc thành công.
Nguyên liệu: 1 miếng sườn cốt lết, 1 quả trứng, 3 muỗng canh bột mì, 3 muỗng canh bột chiên xù. Dầu ăn, muối, tiêu
Thực hiện: Xịt một chút nước vào bột chiên xù, để nguyên khoảng 5 phút. Cắt bỏ phần mỡ thừa và khía vài đường chỗ gân viền thịt để tránh việc miếng thịt bị cong lại khi chiên. Dùng búa dần thịt để dần cho miếng thịt mềm và có độ dày đồng đều. Rắc muối tiêu đều lên 2 mặt thịt, ướp 30-60 phút.
Đánh tan trứng với 1/2 thìa dầu ăn (Với việc thêm dầu ăn vào trứng, ở bước sau, bạn sẽ thấy bột chiên xù bám vào miếng thịt mà không bị rơi ra khi chiên).
Nhúng miếng thịt qua đĩa bột mì, đĩa trứng và đĩa bột chiên xù. Sau khi rũ bỏ hết bột chiên xù còn bám trên miếng thịt, bạn dùng 2 tay ấn nhẹ 2 mặt thịt, giúp chỗ bột còn lại bám chắc hơn vào thịt, chúng sẽ không bị rơi ra khi chiên.
Bắc chảo lên bếp (chảo sâu lòng), chảo nóng thì đổ vào nhiều dầu, khi dầu nóng già thì thả thịt vào chiên. Chiên ngập dầu cho tới khi lớp bột chiên xù bên ngoài có màu vàng nâu thì bạn vớt ra, để ráo dầu hoặc cho ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm dầu.