4 nguyên tắc nằm lòng khi thuê 'đồng nát' dọn nhà

05/01/2017 - 11:57
Không tốn thời gian chờ đợi và mất phí giới thiệu cho các trung tâm cung cấp dịch vụ giúp việc, bạn chỉ cần đứng trước cửa nhà, đợi 1 chị 'đồng nát' đi qua, gọi vào dọn dẹp nhà cửa. Dù tiện, song thuê 'dọn nhà nghiệp dư' như thế này cũng có những bất lợi.
Tiện, rẻ nhưng bất cập

Vào dịp cuối năm, bên cạnh nghề chính là thu mua giấy vụn, chai lọ, đồ dùng cũ…, các chị 'đồng nát' còn có thêm “nghề tay trái” là vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Vào ngày thường, giá dọn nhà dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/giờ. Vào những ngày cận Tết, đặc biệt là sau 23 tháng Chạp, giá dọn nhà sẽ tăng lên, dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/giờ. Bên cạnh tiền công dọn nhà còn có giấy vụn, đồ dùng cũ… được chủ nhà cho hoặc bán rẻ... do vậy không ít chị kiếm khá tiền với 'nghề tay trái' này vào mỗi dịp Tết.
dong-nat.jpg
 Ảnh minh họa
Họ thường có 2-3 người đi cùng nhau để làm việc cho nhanh. Với người thuê dọn nhà, mức giá này rẻ hơn giá thuê người tại trung tâm khoảng 10.000 - 15.000 đồng, song không phải lúc nào dịch vụ thuê 'đồng nát' dọn nhà này cũng thu được kết quả như ý.

Đồ đạc 'không cánh mà bay'

Nhà cửa đồ đạc lộn xộn, sàn nhà đã 2 tuần chưa lau, công ty cung cấp người giúp việc hẹn phải vài ba hôm nữa mới có người đến dọn dẹp, nhưng chị Thu Quỳnh (phố Vĩnh Phúc, Hà Nội) nhất định không thuê 'đồng nát' vào dọn nhà như mấy gia đình cùng khu chung cư.

Bởi lẽ vào dịp cận kết năm ngoái, gia đình chị Quỳnh đã có bài học kinh nghiệm khó quên với 'đồng nát' dọn nhà. Vừa sinh em bé, vừa bận chăm sóc cô con gái đầu lòng mới 4 tuổi, không có thời gian dọn nhà, nên chị Quỳnh đành gọi tạm một chị 'đồng nát' quê Hà Nam đi qua đường vào dọn nhà. Công việc không quá phức tạp, chỉ là dọn dẹp phòng khách, bếp, thu gom giấy báo, đồ chơi cũ, sắp xếp lại nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ. Chị 'đồng nát' vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ.

Lúc đầu, chị Quỳnh cũng theo sát để yêu cầu dọn dẹp như ý mình. Thấy chị 'đồng nát' nhanh nhẹn, lại bận cho con ăn, nên chị Quỳnh để 'đồng nát' tự làm việc và thanh toán 100.000 đồng cho 3 tiếng dọn nhà. Khi chị 'đồng nát' đi rồi, vào kiểm tra tủ bếp, chị Quỳnh tá hỏa khi 2 chai rượu ngoại để dành đi biếu Tết đã 'không cánh mà bay'. Xem lại camera trong nhà, mới thấy chị 'đồng nát' vừa làm, vừa giấu mấy chai rượu vào trong bao đựng rác mà chị Quỳnh không để ý. Từ lần ấy, dù bận thế nào, chị Quỳnh cũng kiên quyết không nhờ người lạ vào dọn nhà.

Hỏng cả bộ vòi phòng tắm đắt tiền

Không bị mất của như chị Quỳnh nhưng bà Lan (Q.Tây Hồ, Hà Nội) lại gặp không ít bực bội với cô 'đồng nát' kiêm dọn nhà nghiệp dư. Không biết sử dụng các loại chất tẩy rửa trong nhà tắm, cô ta đổ hết lọ nước tẩy javel vào mấy chiếc vòi nước inox để làm sạch, nên bộ vòi phòng tắm đắt tiền trở nên loang lổ, xấu xí. Không những thế, vì tính tiền theo giờ, nên cô 'đồng nát' cứ nhẩn nha làm để kéo dài thời gian, báo hại bà Lan vừa phải trông nhà, không đi sắm Tết được, vừa phải lao vào dọn cùng để xong việc cho nhanh.

Còn rất nhiều “tai nạn” nở khóc dở cười khi thuê đồng nát vào dọn nhà như: không biết cách sử dụng máy móc trong nhà, làm hỏng, vỡ đồ, kể lể xin xỏ đồ cũ… Nhưng vì cần người dọn dẹp nhà vào những ngày bận rộn nhất trong năm, nên rất nhiều người vẫn đành phải thuê họ.

4 nguyên tắc nằm lòng

Theo chị Kim Oanh, quản lý một công ty cung cấp dịch vụ giúp việc tại Hà Nội, nếu bạn đang có ý định sử dụng dịch vụ "đồng nát kiêm dọn nhà" nghiệp dư thì nên lưu ý một vài điểm sau, để tránh tiền mất mà vẫn không hài lòng:

- Trả tiền theo khối lượng công việc cụ thể thay vì trả tiền theo giờ (30.000 đến 60.000 đồng/giờ tùy theo thời điểm) vì họ sẽ cố tình làm việc kéo dài để được nhiều tiền hơn. Bạn hãy khoán theo khối lượng công việc để trả tiền.

- Giám sát và chỉ bảo thật kỹ: Dọn nhà không phải là việc chính của những người mua 'đồng nát', nên nhiều người không biết sắp xếp công việc hiệu quả, cũng như không sử dụng thành thạo các dụng cụ lau nhà, lau kính, hay các chất tẩy rửa… Vì vậy, cần chỉ dẫn thật kỹ và đứng cạnh để quan sát, nhắc nhở họ.

- Không để người lau dọn vào phòng riêng, có tài sản giá trị của gia đình: Họ là những người lạ, thường di chuyển từ nơi này sang nơi khác, khó có thể tìm hiểu kỹ thân nhân của họ, vì vậy, để đảm bảo an toàn, không nên để họ vào dọn dẹp trong phòng riêng, phòng để tiền bạc hay giấy tờ quan trọng của gia đình. Nếu thấy nghi ngờ, nên kiểm tra lại các túi đựng rác, túi đựng giấy vụn… trước khi họ mang ra khỏi nhà.

- Nên trò chuyện hỏi han một chút về tên tuổi, quê quán, xin số điện thoại để liên hệ nếu cần thiết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm