4 thời điểm nên khám phụ khoa để tránh hối không kịp

08/10/2017 - 07:09
Khám phụ khoa định kỳ, sẽ giúp ngăn ngừa và phát hiện các loại bệnh cũng như viêm nhiễm ở giai đoạn đầu, giúp điều trị tốt hơn. Vậy với chị em, khi nào nên khám phụ khoa?
Các bệnh phụ khoa chị em thường mắc là viêm nhiễm đường sinh sản do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Khi bị viêm nhiễm phụ khoa, thường có các triệu chứng như âm hộ - âm đạo ra huyết trắng nhiều, có mùi hôi... tạo cảm giác ngứa ngáy, nóng rát ở bộ phận sinh dục và có thể kèm theo đau đớn khi giao hợp.

Viêm nhiễm phụ khoa dù không gây tử vong tức thời nhưng gây xáo trộn sinh hoạt cá nhân, ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bệnh, khó khăn trong việc chấp nhận quan hệ tình dục giữa vợ chồng, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
 
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể để lại những di chứng như hẹp, tắc vòi trứng, gây vô sinh, thai ngoài tử cung, ung thư đường sinh sản...

Để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chị em cần khám phụ khoa định kỳ. Theo các chuyên gia, chị em cần đi khám phụ khoa trong các thời điểm sau:

Trước khi lập gia đình

Khám phụ khoa thời điểm đó chị em sẽ biết cơ quan sản có mắc bệnh viêm nhiễm không hoặc có gặp vấn đề gì không? Những bộ phận sinh sản nằm sâu bên trong như tử cung, buồng trứng, nếu viêm nhiễm, chỉ bác sĩ phụ khoa mới có thể phát hiện được.

ti-xung.jpg
Chị em nên khám phụ khoa định kỳ để được phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm và ung thư "vùng kín" giai đoạn sớm

Trước khi mang thai

Phần lớn chị em chỉ đi khám khi đã trễ kinh, hoặc que thử có hai vạch. Tức là đi khám thai, thay vì khám phụ khoa khi chuẩn bị mang thai. Trong khi đó, để bảo đảm sức khỏe tối ưu cho cả thai phụ và thai nhi, việc đi khám và tầm soát sức khỏe tổng quát trước khi mang thai vô cùng quan trọng. Những bệnh phụ khoa như viêm nhiễm âm đạo, nấm, mụn... sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Đặc biệt, đối với một số bệnh như như HIV, viêm gan B, việc phát hiện sớm để điều trị rất quan trọng.
 
Khi lần “yêu” đầu tiên trục trặc

Nếu chị em bị đau, chảy máu ở lần “yêu” đầu tiên thì có thể do màng trinh bị rách. Tuy nhiên, nếu cơn đau rất dữ dội, kéo dài đến vài ngày khiến chị em sợ “yêu” hoặc máu chảy nhiều đến bất thường và kéo dài thì cần đến gặp bác sĩ phụ khoa để tìm ra lý do. Mặc dù hiếm, song trường hợp cơ quan sinh dục có bất thường, như “đường vào” quá hẹp, màng trinh quá dày, thậm chí bạn bị chứng co thắt âm đạo khi “yêu” vẫn có thể xảy ra.

Khi “vùng kín” bạn có vấn đề

Đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, hay đau rát, ra máu giữa chu kỳ, huyết trắng có màu lạ, mùi hôi. Lời khuyên từ bác sĩ phụ khoa là chị em nên đi khám ngay khi có bất kỳ biểu hiện nào “lạ” ở “vùng nhạy cảm”. Cảm giác ngứa có thể do nấm, viêm nhiễm. Cảm giác đau rát có thể do các bệnh lây qua đường tình dục.

Ngoài ra, ra máu bất thường có thể là dấu hiệu của căn bệnh đáng sợ như ung thư. Các viêm nhiễm, bệnh có thể dẫn đến vô sinh, ung thư, thậm chí tử vong nếu bạn không chữa trị kịp thời. Cho dù có chữa trị được, thì điều trị muộn sẽ khiến bạn tốn nhiều thời gian, tiền bạc hơn, chưa kể tới cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng không ít.

Khám phụ khoa là khám những gì?

Theo bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, khám phụ khoa tổng quát gồm tham vấn với bác sĩ, khám bên ngoài, khám âm đạo, tử cung chỉ tốn từ 5 đến 10 phút. Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu chị em làm thêm các xét nghiệm (dịch âm đạo, nước tiểu, máu, tế bào cổ tử cung) khi thấy dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lây qua đường tình dục, ung thư…

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm dịch âm đạo, máu thường có ngay sau 30 phút đến vài tiếng tùy theo nơi làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung có sau vài ngày.

Chị em cũng nên làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (PAP smear) để phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung từ năm 21 tuổi hoặc 3 năm sau khi có lần quan hệ đầu tiên. Mỗi năm sau đó xét nghiệm một lần để phát hiện bệnh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm