40 năm chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam: Ký ức Tây Ninh

06/01/2019 - 22:09
40 năm đã trôi qua nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam vẫn là ký ức không thể nào quên đối với những người lính tham gia các trận đánh.
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp. Từ tháng 5 đến tháng 12/1975, bọn Pol Pot đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh.
 
Điển hình là ngày 22/6/1975, một tiểu đoàn Pol Pot đánh sang khu vực Long Khánh, huyện Bến Cầu; ngày 26/6/1975, một đại đội quân Pol Pot chia thành 3 mũi đánh qua khu vực Gò Cao, bắt dân, đốt nhà, gài mìn, cải dạng thành thường dân sang lấn chiếm hơn 132 ha đất. Sang năm 1976, Pol Pot gây ra gần 200 vụ khiêu khích, đặt mìn giết 20 người dân, hàng trăm trâu bò.
 
Đỉnh điểm đêm 24 rạng sáng 25/9/1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn với bộ binh chủ lực, lính đặc nhiệm, quân địa phương đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên; tiến hành tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta. Riêng xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hại hoàn toàn.
 
40namgiaiphongcampuchia2_ehaa_nuvl.jpg
Chiến dịch biên giới Tây Nam. (Ảnh tư liệu)

 

Từ cuối năm 1976 đến đầu năm 1977, chính quyền Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu ráo riết tổ chức các tổ, toán vũ trang xâm nhập vào đất ta, tăng cường các hoạt động trinh sát thu thập tin tức và các hoạt động quân sự, chuẩn bị chiến tranh. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh ra lệnh sơ tán người già, trẻ em khỏi các khu vực trọng điểm, đồng thời điều động lực lượng tăng cường cho các điểm xung yếu và triển khai thêm 17 chốt chiến đấu.
 
Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Chính uỷ Công an vũ trang nhân dân Tây Ninh, tiền thân của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ngày nay, dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng ông vẫn nhớ rất rõ những diễn biến của cuộc chiến 7 ngày đêm tại Đồn Biên phòng Phước Tân. Ông kể: Vào ngày 17/11/1977, được Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng báo tin địch sẽ đánh vào đồn Phước Tân với lực lượng khoảng một trung đoàn.
 
vov_phuoc_tan_1_qotc.jpg
Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Chính uỷ Công an vũ trang nhân dân Tây Ninh

 

Sau khi báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và truyền đạt cho Trung đoàn 16, ông trực tiếp lên đồn Phước Tân phổ biến tình hình và giao nhiệm vụ. Đến 12 giờ đêm, địch tấn công vào đồn, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu hết sức anh dũng và sau 7 ngày đêm mới giành thắng lợi. 
 
Đại tá Nguyễn Hoàng Sa nhớ lại: "Chúng tôi quyết chiến đấu bảo vệ đồn đến cùng nhưng 16 đồng chí hy sinh. 3 đêm sau đại đội cơ động mới tổ chức vào lấy xác anh em. Sau khi Đại đội cơ động vào thì để lại một tiểu đội bổ sung và giữ đồn đến 7 ngày đêm". 
 
Ông Phan Huy Hoàn, đại úy, Chính trị viên Đồn Phước Tân hồi đó là người trực tiếp chiến đấu cùng đồng đội liên tục suốt 7 ngày đêm bảo vệ Đồn Phước Tân nay đã gần 70 tuổi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông ở lại luôn mảnh đất Châu Thành này, sớm chiều hương khói cho các đồng đội đã hy sinh. Ông Hoàn nhớ lại: cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Phước Tân sau 7 ngày đêm chiến đấu bền bỉ đã đánh trả 2 trung đoàn địch có pháo lớn yểm trợ... Tuy nhiên, cuộc chiến diễn ra ác liệt, hầm hào công sự ngập nước, nên có tới 50% quân số của đồn hy sinh. Mặc dù vậy, cán bộ chiến sĩ vẫn hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trong 7 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ trong đồn đã đẩy lùi 38 đợt tiến công của địch, tiêu diệt 264 tên, riêng chốt Gò Mô tiêu diệt 99 tên.
 
vov_pham_huy_hoang_pghl.jpg
Đại úy Phan Huy Hoàn, nguyên Chính trị viên Đồn Phước Tân.

 

Ngoài Phước Tân, chỉ trong một đêm, khuya 25/9/1977, Khmer Đỏ đã điều động lực lượng quân sự lớn, có pháo binh yểm trợ, đồng loạt tấn công vào các Đồn Biên phòng Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú, Long Phước cùng các khu dân cư trong nội địa tỉnh Tây Ninh. Chúng chia cắt, ngăn chặn sự chi viện từ tuyến sau và vây ép các đơn vị với ý đồ tiêu diệt các đồn, chốt biên phòng.
 
Đồng thời, chúng đốt phá nhà cửa, trường học, cướp của, tàn sát đồng bào ta rất dã man. Mặc dù vậy, cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công quy mô của chúng, tiêu diệt hàng trăm tên phản động, thu giữ nhiều vũ khí, giữ vững đồn, trạm biên phòng.
 
Ngày 2/12/1978, sau một thời gian chuẩn bị, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Theo yêu cầu chi viện của mặt trận, các lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh có sự phối hợp của Quân đoàn 4 tiến công đánh thắng 3 sư đoàn quân Pol Pot trên tuyến biên giới thuộc huyện Châu Thành. Chiến thắng này mở đầu cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng Campuchia tháng 1 năm 1979.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm