pnvnonline@phunuvietnam.vn
43 năm dìu con chữ cho trẻ vạn đò “qua sông”
Lớp học của o Hạnh
"Trăm sự nhờ o Hạnh"
Trước đây, gia đình o Hạnh sống ở Bến Me, thuộc phường Phú Thuận (TP Huế). Ngày mới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bến Me là xóm nghèo với trên 80% dân vạn đò. O Hạnh bồi hồi: "Lúc đó, tôi mới học xong lớp 12 thì vào Đoàn, theo các anh bộ đội dạy học cho người dân theo phong trào bình dân học vụ".
Lớp học đầu tiên là nhà kho ẩm mốc của hợp tác xã bỏ hoang bên sông với 30 học trò lớn, nhỏ. Sau một ngày mưu sinh vất vả, buổi tối người dân vạn đò lại thắp đèn dầu lên bờ học chữ. Trẻ em trở thành lao động chính nên đi học mang theo cả gàu, nón... để tát nước, đãi cát sạn, học xong tất bật đi làm.
Mưu sinh oằn lưng khiến con chữ rơi rụng. Người lớn lần lượt bỏ học, chỉ còn bọn trẻ theo học nhưng "bữa đực, bữa cái". Mỗi lần o Hạnh đến vận động, bố mẹ lại bắt các em ra đò... trốn. Những ánh mắt non dại, những gió bụi cuộc đời vương trên cơ thể lũ trẻ phải lao động sớm cứ ám ảnh, khiến o dành nhiều thời gian để gần các em hơn... Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, lớp học xóa mù chữ vẫn vang tiếng con trẻ đọc bài.
Năm 1995, xóm vạn đò ở Bến Me di dời lên khu tái định cư Kim Long (TP Huế). Cuộc sống sang trang mới nhưng chưa hết khó khăn. Người dân bao đời theo "đuôi con cá" nay chuyển sang nghề mới, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất và cả thiếu chữ nên mưu sinh càng gian nan. Lúc này, họ mới nhận ra, không có chữ làm việc gì cũng khó.
Lớn tuổi mới lập gia đình, chồng o Hạnh cũng là một "ngư phủ" nên đồng cảm và chia sẻ với việc làm của vợ. Trong ký ức của nhiều người, căn nhà mái tôn, phên bằng cót quét phân trâu của o Hạnh thật khó quên. Thiếu thốn đủ thứ, đèn dầu cũng không đủ thắp, bàn ghế tạm bợ nhưng tiếng đánh vần vẫn vang lên hàng đêm. "Lúc ấy, bọn em phải đi bán vé số, bán đậu phộng nên đi học không đúng giờ khiến cô phải ngồi đợi. Mỗi khi em đi học, mẹ đều cho 1.000 đồng để trả góp học phí. Song, o Hạnh không lấy tiền, còn tìm các nguồn để hỗ trợ", chị Nguyễn Thị Mận, giờ là chủ một quầy may ở phường Kim Long, nhớ lại.
Năm 2000, Trường tiểu học Kim Long cho mượn cơ sở để o Hạnh tiếp tục kéo dài việc dạy chữ. Chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ nhưng khổ nỗi nhiều em lớn tuổi nên mặc cảm, số khác không theo kịp chương trình đành bỏ học. Thế là, bà con chủ động đến gõ cửa: "Trăm sự nhờ o Hạnh". Lúc lớp học đông, o Hạnh vận động em dâu và cháu trong nhà ra dạy.
Cái lạ của bọn trẻ làng chài, không lý giải được, là toàn viết chữ ngược. Viết xong, lại lật ngược trang giấy lên để đọc. Có đứa biết đọc lại không biết viết và ngược lại. Thế nên, lớp học không có kỳ nghỉ hè. Nghỉ dài ngày, con chữ sẽ "trôi", thậm chí các em còn theo đò và bỏ học luôn.
O Hạnh tâm sự: "Các em vào đời sớm nên khá ngỗ nghịch nhưng dễ tổn thương. Phải hiểu tâm tính mới uốn nắn và dạy dỗ hiệu quả". Tôi hiểu nỗi nhọc nhằn vất vả của o Hạnh khi lớp học lúc nào cũng có trên 30 em từ 9 đến 18 tuổi - độ tuổi "khó bảo" nhất.
Khi bọn trẻ bắt đầu có ít "vốn liếng chữ nghĩa" thì o Hạnh mới tá hỏa, phát hiện các em không có giấy khai sinh. Vậy là, o lại phải đi làm giấy khai sinh để các em để đủ điều kiện vào học ở trường chính quy. Có em mới học xong chương trình lớp 3 nhưng o thấy sức học tốt thì làm hồ sơ để các em vào học lớp ban ngày. Xóa mù chữ cho các em đã mừng, học hết lớp 5, sang học tiếp trung học cơ sở lại mừng hơn.
Nối dài con chữ
Mấy ai ngờ, hơn 40 năm hành trình chở con chữ cho trẻ ở khu tái định cư, gian nan vẫn cứ kéo dài. Giai đoạn khó khăn nhất lại chính là thời điểm hiện nay, do mải mê kiếm sống, cộng thêm, sức hút của các trò chơi điện tử khiến nhiều em không mặn mà với con chữ.
Bất cứ thời điểm nào, hễ nghe thông tin có trẻ nghỉ học, bỏ học, o Hạnh lại lặn lội đi tìm. O bảo: "Vẫn biết là họ làm ăn kinh doanh nhưng tôi cũng nhỏ to với các quán internet để họ không cho các em đang còn đi học đến chơi game. Hơn nữa, mỗi lần thấy tôi đi tìm, các em cảm thấy áy náy nên không còn lêu lổng". Nắm được điểm yếu của các em là sức học yếu nên không chú tâm học hành, o Hạnh kèm cặp từng em một để các em không còn sợ con chữ nữa.
Giờ đây, cứ đến 19 giờ, Nhà văn hóa cộng đồng của phường Kim Long lại sáng đèn. Hơn 30 đứa trẻ ngồi theo từng nhóm, từ lớp 1 đến lớp 5. Cái lạ của lớp học này không có tiếng trống, tiếng chuông báo hiệu nhưng hễ đến giờ học các em lại chạy ù vào lớp, ngồi im phăng phắc nghe cô giáo giảng bài.
Em Nguyễn Thị Thùy Trang, theo học lớp o Hạnh, kể: "Mẹ buôn bán cá ở chợ, ba đạp xích lô, nhà có 6 anh chị nên em phải làm phụ giúp mẹ. Nhiều khi mệt quá muốn nghỉ học nhưng cô Hạnh động viên, gắng kiếm thêm ít chữ để có thể tính toán khi vào đời". Bà giáo già ngồi nghe bọn trẻ kể về những ngày tháng theo bố mẹ kiếm sống, lặng lẽ buồn. Nhiều em trong lớp học vẫn phải làm đủ việc để mưu sinh, chỉ khi đến lớp o Hạnh, mọi xô bồ mới đứng ngoài khung cửa.
Mỗi lần thay sách giáo khoa hay đổi mới chương trình là o Hạnh lại xin đi học để nâng cao trình độ; kể cả những câu lạc bộ dạy kỹ năng sống, o cũng đăng ký tham gia. "Nếu mình không học thì sẽ không bám sát chương trình. Học trò mình nhiều em là lao động đường phố nên lắm hiểm nguy rình rập, hiểu và làm bạn với các em cũng là cách giúp chúng vượt qua những rủi ro, cạm bẫy", o Hạnh chia sẻ.
Điều o Hạnh âu lo là khi mình già yếu sẽ khó khăn để duy trì lớp học. Bao người xin "thử việc" rồi nhanh chóng ra đi. Họ không quen được với mùi áo quần, mồ hôi khi suốt ngày các em từ các chợ, các ngả đường kiếm sống rồi vào thẳng lớp học. Lương bổng cũng không nhiều, mỗi tiết học được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Huế hỗ trợ 15.000 đồng, vị chi một tháng chỉ chừng 600 -700.000 đồng.
Đến với nghề là duyên, theo đuổi được nghề là nghiệp nên ngoài 60 tuổi, o Hạnh vẫn chưa tính đến chuyện "nghỉ hưu". Nỗ lực ấy đã được ghi nhận khi năm 2015, o Hạnh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Con cái làng vạn đò nay đã biết chữ. Chuyện kể về o giáo Hạnh như trong cổ tích mà có thật.