45 năm giải phóng miền Nam: Tình yêu Tổ quốc soi đường cho người lính lái xe Trường Sơn

Nguyễn Thị Việt Hằng
30/04/2020 - 10:45
45 năm giải phóng miền Nam: Tình yêu Tổ quốc soi đường cho người lính lái xe Trường Sơn

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Anh Ngần- Nguyễn Thị Hòa

Những ngày tháng tư lịch sử này, ký ức về cuộc trường chinh "xẻ dọc Trường Sơn" lại ùa về với người cựu chiến binh. Trong những năm tháng gian khổ ở chiến trường, ông đã gặp được người bạn đời tri kỉ của mình. Một người được mệnh danh "Con chim đại bàng chọc thủng Trường Sơn" còn người kia là nữ y sĩ của Binh trạm 16.

Tình yêu Tổ quốc soi đường

Ngày 31/5/1965 chàng trai 19 tuổi Nguyễn Anh Ngần (thôn Tăng Quang, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xung phong vào bộ đội với mong muốn được cống hiến sức mình cho đất nước. Sau mấy tháng huấn luyện ở Hà Nội, ông được lệnh hành quân vào Nam, đóng ở Lệ Thủy, Quảng Bình, thuộc Tiểu đoàn 734, Binh trạm 12.

Những năm 1968- 1975, chiến trường Trường Sơn ác liệt, máy bay địch gầm rú ném bom rải thảm. Khi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng những điều đó không thể làm nhụt chí những người lính lái xe kiên cường, quả cảm. Họ vẫn băng băng đi lên phía trước, bất chấp hiểm nguy. Bởi trong trái tim của những người lính lái xe ấy có ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc soi đường. "Có lần, đoàn xe đang chạy trên cao điểm thì bị máy bay địch tập kích, đồng đội hi sinh nhiều lắm! Những người còn sống lau vội nước mắt chôn cất đồng đội của mình nơi bìa rừng... hẹn một ngày đất nước hòa bình sẽ tìm lại. Lớp trước ngã xuống, tiếp động lực cho lớp sau tiếp tục xông lên chiến đấu", ông Ngần nhớ lại.

10 năm ở chiến trường Trường Sơn điều kiện thiếu thốn gian khổ là thế nhưng ông và các đồng đội không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, phải chuyển được quân trang, lương thực... phục vụ chiến đấu. Ông bảo, cuộc sống nơi chiến trường rất vui, bom đạn như thế nhưng ở khoảng lặng của cuộc chiến, các chiến sĩ vẫn sinh hoạt thường xuyên. Hôm thì sinh hoạt văn nghệ, cả đơn vị cùng hát những bài hành khúc không chỉ để bớt căng thẳng mà còn để củng cố thêm tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho các chiến sĩ. Hôm thì cả tiểu đội ngồi kể cho nhau nghe về gia đình, về ước mơ khi đất nước thống nhất dưới ngọn đèn ống bơ bị chụp lại để địch không phát hiện được.

Những năm tháng khói lửa ác liệt đã tôi luyện chàng lính trẻ Nguyễn Anh Ngần trở thành một thiếu tá quân đội nhân Việt Nam anh dũng, kiên cường. Ông Ngần đã được Đảng và Quân đội ghi nhận bằng những huân huy chương: Tại Đại Hội "Lái xe giỏi toàn quân" tháng 2/1968 ông được tặng Huy hiệu Bác Hồ, sau đó là Huân chương chiến công hạng 2, Chiến sĩ quyết thắng và được mệnh danh là "Con chim đại bàng chọc thủng Trường Sơn"...

Chuyện tình của người lính Trường Sơn bên phà Long Đại - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hòa khi còn là y tá ở Trường Sơn

Hãy sống có ước mơ, lý tưởng

Cũng trong những năm tháng gian khổ ở chiến trường ông đã gặp được người bạn đời tri kỉ của mình là bà Nguyễn Thị Hòa, y sĩ của bệnh xá Binh trạm 16 (Quảng Bình-Quảng Trị). Bà Nguyễn Thị Hòa khi ấy là y sĩ của Binh trạm 16. Cuộc gặp gỡ tình cờ của hai người đồng hương tại phà Long Đại (Quảng Bình) đã tạo nên một chuyện tình đẹp trong chiến trường. 

Ông Ngần tươi cười kể: "Giữa năm 1971, ông đi họp quân chính ở Binh trạm 16, bà đi phát thuốc cho cán bộ, thương binh. Nghe đồng chí binh trạm trưởng giới thiệu là có một cô y sĩ đồng hương Hà Bắc đang công tác tại binh trạm, ông tìm đến gặp. Ông là lính lái xe, bà là y tá dũng cảm nơi chiến trường khói lửa. Tình đồng đội, đồng chí rồi chuyển thành tình yêu một cách rất tự nhiên". Chiến trường ác liệt, ông lại là lính lái xe nên có khi 5, 6 tháng hai người mới được gặp nhau một lần, tình yêu của lính được gửi qua những cánh thư giữa rừng Trường Sơn trong những đêm không ngủ. Bà Hòa kể, có lần binh trạm bị máy bay địch ném bom, nhiều đồng đội ngã xuống nhưng các y bác sĩ vẫn quyết bảo vệ cho bằng được trạm để kịp thời cứu chữa thương binh. Ngay trong lúc hiểm nguy ấy bà nhận được thư của ông do một đồng chí lái xe chuyển đến. Cầm lá thư nhàu nát, nét chữ nhòa đi vì bom đạn bà đã bật khóc. Trong bức thư ấy không chỉ có nỗi nhớ mà còn là những lời động viên nhau vững niềm tin vượt qua gian khổ để rồi càng tin tưởng và yêu nhau nhiều hơn.

Chiến trường ác liệt như thế nhưng sự mộng thơ, lãng mạn của tuổi trẻ không vì thế mà mất đi. Bà cho tôi xem một xấp thư ố vàng vì thời gian, nét chữ không còn nhìn rõ. Bà xúc động nói: "Những bức thư không chỉ là tình yêu da diết, khát vọng được đoàn tụ mà còn thể hiện ý chí quật cường, đấu tranh vì hòa bình của Tổ quốc!".

Sau hai năm yêu nhau, ngày 20/5/1973 ông bà được nghỉ phép về quê tổ chức đám cưới. Đại diện của đơn vị là đồng chí đại đội trưởng. Đám cưới của lính có gì đâu vậy mà vui, mà nhớ, mà hạnh phúc đến thế. Ông cười bảo: "Hành trang của hai vợ chồng lính chỉ có hai chiếc ba lô, những lá thư, bó hoa rừng thế mà đã thấy mình may mắn hơn đồng đội rồi!". Cưới nhau được mấy hôm, hai ông bà lại trở về đơn vị, lại tiếp tục chiến đấu, người này là điểm tựa tinh thần của người kia vượt qua bom đạn.

Cuối năm 1973, bà Hòa phục viên công tác tại bệnh viện huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) còn ông Ngần vẫn ở lại chiến trường. Hòa bình lập lại, rời chiến trường Trường Sơn, đơn vị ông chuyển sang làm kinh tế. Năm 1979, chiến tranh Biên giới phía Bắc, ông cùng đồng đội lại tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc ở Vị Xuyên, Hà Giang. "Khi đất nước cần mình, mình phải lên đường. Đó không chỉ là sứ mệnh, trách nhiệm mà còn là tinh thần sẵn có trong mỗi người lính". Mãi đến năm 1989, khi ông được về nghỉ hưu theo chế độ, hai vợ chồng mới thật sự được sống gần nhau.

Bác cũng giống như bao người khác thôi, khi đất nước có chiến tranh thì mình lên đường nhập ngũ, tiếng gọi của Tổ quốc khi ấy thiêng liêng lắm".

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Ngần, thôn Tăng Quang, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Ông Ngần tâm sự cho đến ngày hôm nay ông thấy mình hạnh phúc nhất là được sống, được cống hiến sức lực của mình cho quê hương đất nước. Ông may mắn khi có một gia đình mà vợ là đồng đội, đồng chí cùng vào sinh ra tử trong chiến trường, có các con, các cháu ngoan ngoãn và thành đạt. Nói đến đây giọng ông nghẹn lại, đôi mắt ngân ngấn: "Nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại ở chiến trường chưa được về quê mẹ, trăn trở, day dứt lắm!".

Mỗi năm, ông cùng đồng đội cũ quyên góp giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông bảo: "Những cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa người còn, người mất. Người có mái ấm gia đình hạnh phúc, người bỏ lại tuổi thanh xuân, ước mơ hạnh phúc lại núi rừng Trường Sơn nhưng tất cả vẫn mang trong mình tình đồng đội keo sơn, bền chặt. Mình được trở về là nhờ các đồng đội đã anh dũng ngã xuống. Bởi vậy, còn có chút sức khỏe, tôi còn cùng anh em giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn như tâm nguyện của những đồng đội đã hi sinh vì Tổ quốc!".

Khi được hỏi: "Ông có muốn gửi gắm điều gì đến thế hệ trẻ hôm nay?", ông nhìn vào những tấm hình của đồng đội, nhìn sâu vào mắt người bạn tri kỉ của mình đang ngồi bên cạnh rồi trả lời: "Đừng sống hoài sống phí mà hãy sống có ích, có lí tưởng, có ước mơ để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh. Hãy biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có, bởi cái giá của hòa bình được đổi bằng xương máu của bao người ngã xuống".


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm