pnvnonline@phunuvietnam.vn
47 triệu phụ nữ sẽ không thể tiếp cận phương pháp tránh thai hiện đại
Già hóa dân số - Xu hướng đáng báo động
Thế giới đang trải qua những biến động lớn về nhân khẩu học và không quốc gia nào miễn dịch với hệ quả của điều này. Nhật Bản được coi là một quốc gia "siêu già" với 28% dân số trên 65 tuổi. Dân số Nhật Bản hiện khoảng 126 triệu. Dự đoán, đến năm 2065, dân số nước này giảm xuống còn khoảng 88 triệu. Nhật Bản hiện chưa thống kê chính xác về số người chết cô độc, những người qua đời nhiều ngày hay nhiều tuần, thậm chí có người chết 3 năm mà không ai hay biết. Ước tính, có khoảng 30.000 người cao tuổi ở Nhật từ giã cõi đời trong cô độc mỗi năm.
Già hóa dân số cũng đang gia tăng nhanh nhất ở các nước đang phát triển, bao gồm các nước có nhóm dân số trẻ đông đảo. Hiện nay, có 7 trong số 15 nước có hơn 10 triệu người già là các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hiện dân số thế giới là 7,8 tỷ người. Tới năm 2060, thế giới sẽ có khoảng 10 tỷ người, so với 7,7 tỷ người hiện nay và nhiều người trong số này sẽ sống lâu hơn. Kết quả là, số người già trên mỗi 100 người trong độ tuổi lao động được dự báo sẽ tăng gấp ba lần, từ 20 vào năm 1980 lên 58 vào năm 2060.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), trên toàn cầu, phụ nữ chiếm đa số trong dân số cao tuổi. Hiện nay trên thế giới, cứ 100 phụ nữ từ 60 tuổi trở lên thì chỉ có 84 nam giới. Cứ 100 phụ nữ từ 80 tuổi trở lên thì chỉ có 61 nam giới. Trong rất nhiều trường hợp, phụ nữ cao tuổi thường hay bị phân biệt đối xử hơn, như hạn chế trong tiếp cận công ăn việc làm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dễ bị lạm dụng, bị từ chối quyền cá nhân và quyền thừa kế tài sản, thiếu thu nhập tối thiểu cơ bản và an sinh xã hội. Già hóa dân số được cho là gây bất lợi cho kinh tế toàn cầu bởi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ít hơn, còn lượng người già nhiều hơn đẩy chi phí chăm sóc y tế lên cao. Theo dự báo, tới năm 2050, cứ 4 người tại châu Âu và Bắc Mỹ thì có một người trên 65 tuổi.
Trong thời gian gần đây, cuộc chiến với Covid-19 trong các viện dưỡng lão trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết. Tại Anh và Tây Ban Nha, quân đội phát hiện nhiều thi thể người già bị bỏ mặc đến chết trong một số viện dưỡng lão. Ở Pháp, gần 1/3 tổng số ca tử vong do Covid-19, tương đương 3.237 người, là các cụ già trong trại dưỡng lão. Tại Italy, người dân kêu gọi Quốc hội tiến hành điều tra cái chết của hàng nghìn người cao tuổi trong các viện dưỡng lão. Tại Mỹ, một cơ sở dưỡng lão tại hạt Kings, bang Washington trở thành "ổ dịch", thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Viện này có 40 người già tử vong vì nhiễm bệnh và là nguồn lây truyền virus tới nhiều cơ sở khác trong khu vực…
Bùng nổ sinh con mùa Covid-19
Lệnh cách ly xã hội chống Covid-19 được áp dụng ở nhiều nước cùng với hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục không được quan tâm đến. Nghiên cứu gần đây của UNFPA nhấn mạnh rằng nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn, 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình UNFPA tại cấp cơ sở có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp cắt bỏ bộ phân sinh dục nữ và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020 - 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được.
Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay, UNFPA chọn chủ đề "Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại". Các văn phòng UNFPA được khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch. UNFPA nhấn mạnh đến các cách thức để bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được, đảm bảo nội dung về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia. UNFPA khuyến khích việc tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 như đã trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh Nairobi.