pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 biểu hiện cho thấy cha mẹ bao bọc con quá mức
Bao bọc con quá mức là khi bố mẹ luôn có xu hướng cố bảo vệ con tránh khỏi tất cả những thử thách của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trẻ cần phải đối mặt với những khó khăn, tự rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Bố mẹ không sống cả đời cùng con cái, càng giúp con tự lập sớm sẽ càng giúp bé tự tin trong tương lai.
Trong cuộc sống, chúng ta từng chứng kiến nhiều đứa trẻ dù đã lớn những vẫn chưa thể tự lập, có thể là do bố mẹ đã bao bọc con quá mức. Dưới đây là 5 biểu hiện khiến không ít phụ huynh nhận ra mình đang dạy con sai cách.
1. Bênh con chằm chặp
Ngoài việc khen ngợi con quá nhiều, cha mẹ yêu thương con quá mức thường hay mắc lỗi bênh con chằm chặp. Không ít những ông bố, bà mẹ lao vào đánh bạn cùng lớp của con, vì cho rằng chúng bắt nạt con mình. Chỉ cần con về "tâu": "Bạn A đánh con, bạn B cấu..." là người lớn sửng cồ, không cần biết đúng sai. Tuy nhiên có không ít trường hợp, con bạn và đứa trẻ học cùng lớp đều thuộc hạng "một chín một mười". Lúc nào cũng nghĩ "con tôi ở nhà ngoan lắm" rồi quy kết mọi đứa trẻ khác là sai khi mâu thuẫn với con mình, vô tình người lớn sẽ làm hư con.
2. Liên tục gọi điện giám sát trẻ
Cha mẹ thường xuyên gọi điện thoại cho giáo viên của con để cập nhật tình hình của chúng ở lớp. Con không thể sang nhà bạn chơi mà không nhận điện thoại của phụ huynh mỗi giờ. Con chơi gì, với ai cũng phải báo cáo cho bố mẹ thường xuyên. Cha mẹ bắt con tường trình các hoạt động trong ngày...
Cách quan tâm con như thế này sẽ làm hại con nhiều hơn là yêu con. Bởi điều đó cho thấy phụ huynh đang không có lòng tin ở con mình. Việc suốt ngày hỏi con đi đâu, làm gì, chơi với ai... sẽ khiến chúng cảm thấy ngột ngạt. Con cần tình thương hơn chứ không cần sự giám sát như 1 tội phạm. Cách yêu thương này của cha mẹ dễ khiến trẻ trở nên dối trá. Chúng sẽ không thực sự thành thật tâm sự về những người bạn, những mối quan hệ mới của chúng.
3. Chạy điểm, chọn trường cho con
Ai cũng muốn con được học ở trường tốt nhất, có thành tích cao nhất. Chính vì vậy có nhiều ông bố bà mẹ nai lưng ra làm chỉ để chạy điểm, chọn trường cho con.
Xin hãy tôn trọng mong muốn của con. Đừng vì trường chuyên lớp chọn hay vì tiếng tăm của trường mà ép con phải theo quan điểm cá nhân của cha mẹ. Điểm số chưa phải là toàn bộ, do vậy đừng vội lo lắng khi con bị điểm thấp, điều quan trọng hơn cả là hãy xem bé xử lý việc này như thế nào, có rút kinh nghiệm và chăm chỉ học hành hơn không.
Trẻ em cần được phát triển 5 kỹ năng cần thiết: khả năng phục hồi, tự điều chỉnh, linh hoạt, tôn trọng và trách nhiệm. Vì vậy, dù yêu con đến mấy, cha mẹ cũng nên để con tự lập.
4. Làm hết việc nhà cho con
Nhiều cha mẹ nhận hết công việc nhà vì thương con học hành vất vả, chỉ muốn trẻ chuyên tâm vào việc học, thương con sức khỏe yếu, sợ chúng bẩn quần áo. Tuy nhiên, sự quan tâm này của bố mẹ vô tình sẽ biến con thành 1 đứa lười biếng, ỉ lại, sống dựa dẫm vào người khác. Làm việc nhà sẽ giúp trẻ có những trải nghiệm và khả năng tự giải quyết nhiều vấn để của mình trong cuộc sống. Trẻ sẽ có trách nghiệm hơn, mai mốt con ra ngoài xã hội sẽ không bị bỡ ngỡ.
5. Cha mẹ an ủi con quá mức
Khi con bị té ngã, hoặc gặp vấn đề gì đó trong cuộc sống, chúng sẽ khóc vì đau đớn, hoặc khó chịu. Là cha mẹ, không ai cảm thấy vui vẻ khi con đang buồn cả. Người lớn muốn khắc phục cảm giác tổn thương, đau đớn đó của con bằng cách an ủi chúng. Tuy nhiên nếu thái quá, cha mẹ sẽ biến con thành đứa trẻ hư, suốt ngày chỉ biết ăn vạ.
Phụ huynh có thể ôm con, an ủi con và chỉ cho chúng việc phải làm. Tuy nhiên đừng dỗ dành con quá đà bằng việc mua 1 thứ gì đó ví dụ như que kem, trò chơi, gói bim bim... Như vậy con sẽ hiểu rằng chỉ cần mình khóc là sẽ có được mọi thứ. Chúng sẽ không còn cố gắng trở thành đứa trẻ ngoan, biết vâng lời nữa.