pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 cách lập ngân sách giúp ai cũng có thể tiết kiệm hiệu quả
Ahren Tiller, người sáng lập và luật sư giám sát tại Trung tâm Luật Phá sản cho biết: “Ngân sách gia đình rất quan trọng. Nó giúp bạn lập kế hoạch sử dụng những đồng tiền của mình trong hiện tại và tương lai. Mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau nên việc xây dựng ngân sách cũng cần phù hợp với bản thân và gia đình để đặt ra các ưu tiên về chi tiêu theo cách hiệu quả nhất có thể.”
Tất cả chúng ta đều có những nhu cầu khác nhau, tính cách khác nhau, thói quen khác nhau, điểm mạnh cũng như điểm yếu khác nhau. Và dù bạn là ai, luôn có phương pháp lập ngân sách phù hợp với bạn. Hãy tạo cho mình một ngân sách phù hợp với bản thân và lối sống để xây dựng sự giàu có.
Tạo thói quen theo dõi, chú ý
Trước khi tìm hiểu về các chiến lược lập ngân sách khác nhau với từng đối tượng phù hợp, bạn cần có những thay đổi trong tư duy tài chính. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ gắn bó được với bất kỳ loại ngân sách nào.
“Chiến lược lập ngân sách hiệu quả nhất chỉ đơn giản là khi bạn nhận thức được vấn đề. Rất nhiều người trong chúng ta không nhận thức được tiền của mình đi đâu. Chúng ta biết những gì mình kiếm được trước thuế nhưng không phải ai cũng nhận thức được những gì mình mang về nhà. Nền tảng tốt nhất cho ngân sách chỉ đơn giản là bạn biết mình có bao nhiêu, chi tiêu thế nào, còn lại ra sao”, Greg Wilson, chuyên gia phân tích tài chính cho biết .
Lập ngân sách Thủ công: Dành cho người mới bắt đầu
Giờ đây, có cả tá ứng dụng giúp bạn liên kết các tài khoản của mình, theo dõi đăng ký hàng tháng và chia nhỏ các danh mục chi tiêu của bạn thành những biểu đồ hình tròn dễ nhìn. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ theo dõi thu nhập và chi tiêu của mình trước đây thì một cuốn sổ với cây bút có thể là cách đơn giản và gần gũi nhất để bạn làm quen với tình hình tài chính của mình.
Jacqueline Gilchrist, người sáng lập MomMoneyMap.com cho biết: “Nếu bạn là người mới bắt đầu lập ngân sách thì chiến lược lập ngân sách hiệu quả là bắt đầu theo dõi tiền đến và tiền đi của mình.
Bạn có thể sử dụng bảng tính hoặc đơn giản là viết ra giấy, kiểm đếm xem tháng trước bạn thu nhập được bao nhiêu (tiền lương, tiền thưởng…) và những khoản tiền đã chi ra (thanh toán hoá đơn điện nước, tiền ăn, chi phí đi lại...) Bạn cần tạo thói quen theo dõi và biết những đồng tiền của mình đang đi đâu, còn bao nhiêu hay đã bội chi bao nhiêu.
Nếu là người mới bắt đầu, việc thực hiện quy trình theo cách thủ công như này là cách dễ nhất cho bạn. Khi đã quen dần và hiểu rõ về tình hình tài chính của mình, bạn có thể tăng thêm sự phức tạp bằng các ứng dụng hoặc các kỹ thuật lập ngân sách khác."
Phong bì tiền mặt: Dành cho những người gặp khó khăn khi đặt giới hạn
Nếu tiền của bạn luôn “biến mất” trước khi bạn biết nó ở đó bởi việc quẹt thẻ tín dụng hay các ví điện tử khác thiếu kiểm soát, cách lập ngân sách bằng phong bì tiền mặt có thể phù hợp với bạn.
Julie Ramhold, chuyên gia phân tích người tiêu dùng của DealNews.com cho biết: “Bạn cần một chút công tác thiết lập ban đầu song về cơ bản là hàng tháng, tiền mặt sẽ được chia vào các phong bì khác nhau đại diện cho các danh mục chi tiêu khác nhau.
Bạn chỉ được phép tiêu trong số tiền mặt của mỗi phong bì đó cho các danh mục tương ứng. Sẽ không có chuyện bội chi bởi khi tiền trong phong bì hết sạch, bạn không thể chi thêm bất cứ đồng nào cho danh mục đó trong tháng”.
Tất nhiên, phương pháp lập ngân sách này cũng có những hạn chế nhất định khi chỉ giao dịch bằng tiền mặt. Bạn sẽ phải mang theo các phong bì tiền mặt hoặc cất chúng ở nơi an toàn tại nhà. Đối với nhiều người, việc giữ nhiều tiền mặt có thể gây ra sự phiền thoái.
Tuy nhiên, đây là phương pháp lập ngân sách tuyệt vời cho những ai đang cố gắng kiềm chế chi tiêu và xóa nợ. Nó đặt ra giới hạn cho từng danh mục chi tiêu, giúp bạn thiểu rủi ro bội chi cũng như tăng nợ thẻ tín dụng.
50/30/20: Phương pháp dành cho người muốn ngân sách đơn giản
Nếu bạn không phải người thích kiểm từng đồng và giữ lại mọi hoá đơn, phương pháp lập ngân sách 50/30/20 có thể phù hợp với bạn. Phương pháp này về cơ bản không bắt bạn phải phân tích nhiều.
“Đây là một mô hình ngân sách khá cổ điển. Theo đó, bạn sẽ dành 50% thu nhập của mình để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, hóa đơn điện nước và thực phẩm. 30% thu nhập được dành cho các chi phí vui vẻ như như ăn uống, đi du lịch, sở thích… và 20% thu nhập là để tiết kiệm. Cũng có người thực hiện hoán đổi 2 khoản 30% và 20%; dành 30% thu nhập để tiết kiệm và 20% thu nhập cho giải trí. Đây là phương pháp lập ngân sách tốt cho những người thích xem xét tình hình tài chính một cách tổng thể thay vì đi sâu vào từng danh mục nhỏ”, Ramhold nói.
Ngân sách dựa trên con số 0: Dành cho người thích quản lý tiền
Một phương pháp lập ngân sách khác có thể phù hợp với bạn chính là lập ngân sách dựa trên con số 0. Đây là phương pháp phù hợp với những người tỉ mỉ, thích sự chi tiết.
“Đây là một cách lập ngân sách rất hữu ích. Về cơ bản, bạn sẽ phân bổ từng đồng tiền của mình vào danh mục chi tiêu như hóa đơn điện nước, giải trí, tiết kiệm hưu trí.... Số còn lại trong một danh mục có thể được chuyển sang danh mục khác nếu cần (hoặc muốn). Mục đích là đạt đến con số 0, phân bổ hết những gì bạn có, mỗi đồng tiền đều được định sẵn nơi đến. Phương pháp này thực sự phù hợp cho những người có khả năng kiểm soát tốt và muốn ngân sách thật chi tiết”, Ramhold nói.
Ngân sách ưu tiên tiết kiệm hàng đầu: Dành cho người ưu tiên tiết kiệm, nhận thức rõ chi tiêu
Phương pháp này còn được gọi là “thanh toán cho bản thân trước”. Chiến lược này ưu tiên việc kiếm tiền lên hàng đầu.
“Việc bạn cần làm là chọn số tiền mình sẽ tiết kiệm mỗi tháng và đây là con số khó khăn duy nhất mà bạn cần đặt ra. Bạn sẽ gửi vào tài khoản tiết kiệm số tiền này ngay khi có thu nhập phát sinh. Phần còn lại bạn có thể chi tiêu theo cách mình muốn hoặc cần.
Đây là cách tiếp cận thực sự hữu ích và trái ngược với phương pháp lập ngân sách dựa trên con số 0. Cách này phù hợp với những người đã nắm rõ về việc chi tiêu hợp lý và chỉ cần đảm bảo rằng bản thân có thể tiết kiệm một số tiền cụ thể. Phương pháp lập ngân sách này cũng có thể phù hợp với những người trẻ tuổi chưa có nhiều gánh nặng tài chính", Ramhold nói.