pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 công nghệ y khoa, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và gia đình của năm 2025
Ảnh minh họa
1. Y học siêu cá nhân hóa
Khái niệm "y học siêu cá nhân hóa" mang tính cách mạng. Nó liên quan đến việc điều chỉnh các phương pháp điều trị y tế dựa trên cấu tạo di truyền, lối sống và môi trường. Cách tiếp cận này ngược với mô hình áp dụng cho tất cả nhưng lại chính xác và hiệu quả hơn.
Ví dụ, xét nghiệm di truyền cho phép bác sĩ hiểu cách bệnh nhân chuyển hóa thuốc, giúp kê đơn, giảm thiểu tác dụng phụ và tối đa hiệu quả điều trị.
Tiên phong là công nghệ sinh học CRISPR và chỉnh sửa gene. CRISPR được định hướng trở thành nền tảng công nghệ sinh học năm 2025.
Công cụ chỉnh sửa gene này cho phép các nhà khoa học thực hiện sửa đổi chính xác DNA, mang lại tiềm năng chữa khỏi các bệnh di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm, xơ nang hay ung thư.
Tuy nhiên, chỉnh sửa gene đi kèm với những lo ngại về mặt đạo đức, như tạo ra "em bé" và việc sử dụng CRISPR không phải vì mục đích điều trị.
2. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám và điều trị bệnh
Các nền tảng hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích dữ liệu y tế nhằm phát hiện bệnh sớm, cá nhân hóa kế hoạch điều trị và giảm lỗi chẩn đoán. Vào năm 2025, AI sẽ có tác động sâu rộng tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Ví dụ, nền tảng DeepMind của Google đang được đào tạo trên các tập dữ liệu khổng lồ, để dự đoán bệnh Alzheimer với độ chính xác lên tới 92%.
Cùng với AI là công nghệ đeo được và công nghệ vạn vật kết nối internet (IoT) trong chăm sóc sức khỏe. Các thiết bị như máy theo dõi sức khỏe và đồng hồ thông minh thu thập dữ liệu thời gian thực về nhiều chỉ số sức khỏe khác nhau, bao gồm nhịp tim, kiểu ngủ hay mức độ hoạt động.
Đến năm 2025, những thiết bị này sẽ trở nên tinh vi hơn, cung cấp thông tin sâu hơn về sức khỏe của người dùng.
3. Quản lý thời kỳ mãn kinh, đau bụng kinh
Năm 2025 sẽ xuất hiện các giải pháp quản lý mãn kinh, tận dụng nền tảng sức khỏe kỹ thuật số, thiết bị đeo được và ứng dụng di động. Điều này giúp phụ nữ theo dõi và quản lý các triệu chứng như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ và biến động nội tiết tố.
Các giải pháp như liệu pháp laser, liệu pháp hormone và các phương pháp tiếp cận tích hợp, kết hợp các thay đổi lối sống, dinh dưỡng giúp phụ nữ hiểu hơn về cơ chế mãn kinh, thúc đẩy việc tự chăm sóc.
Tiêu biểu có sản phẩm quản lý chuột rút trong kỳ kinh nguyệt của Công ty Myoovi Kit (Anh), sử dụng công nghệ TENS để ngăn chặn các tín hiệu thần kinh đau đến não hay bộ đồ liền thân sử dụng nhiệt để giảm đau bụng kinh và đau lưng của hãng Body Moody (Séc).
Sản phẩm cung cấp một giải pháp thay thế không dùng thuốc, giúp giảm đau bụng kinh, cho phép phụ nữ duy trì các hoạt động hàng ngày mà không cảm thấy khó chịu.
4. Sản phẩm nâng cao sức khỏe tình dục
Các sản phẩm như máy rung, chất bôi trơn, máy tập sàn chậu và các nguồn tài liệu giáo dục giúp mọi người khám phá và nâng cao sức khỏe tình dục. Các sản phẩm này kết hợp công nghệ như thiết bị kết nối ứng dụng để theo dõi và phân tích hoạt động tình dục, đưa ra khuyến nghị được cá nhân hóa.
Bên cạnh đó còn có các nền tảng kỹ thuật số để cung cấp hướng dẫn vệ sinh, biện pháp tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đặc biệt, có dụng cụ xét nghiệm DNA cho những người sống sót sau bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, cũng như dụng cụ xét nghiệm tại nhà cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
5. Tự động hóa khả năng sinh sản
Công nghệ tự động hóa khả năng sinh sản giúp cải thiện sức khỏe sinh sản và hỗ trợ các cặp đôi trong hành trình sinh sản bằng cách tối ưu hóa việc theo dõi và dự đoán khả năng sinh sản.
Ví dụ, cung cấp dự báo chính xác thời điểm rụng trứng, thời điểm dễ thụ thai, cải thiện cơ hội thụ thai và giúp kế hoạch hóa gia đình hiệu quả hơn. Ngoài ra, các khởi nghiệp còn phát triển các ứng dụng tránh thai không chứa hormone, hỗ trợ nhu cầu của phụ nữ.
6. Công nghệ an toàn sức khỏe cho phụ nữ
Năm 2025, các công ty khởi nghiệp sẽ cho ra đời các công nghệ, thiết bị làm tăng sự an toàn cho sức khỏe phụ nữ, như thiết bị đeo trên người và nền tảng kết nối cho phép theo dõi thời gian thực, cảnh báo khẩn cấp.
Các công nghệ này kết hợp các tính năng như theo dõi GPS, tín hiệu báo động và khả năng ghi âm hoặc video để tăng cường an toàn cá nhân. Chúng cũng tích hợp với các dịch vụ hỗ trợ và thực thi pháp luật tại địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
Tiêu biểu có ứng dụng hỗ trợ AI của khởi nghiệp Epowar (Anh) để tăng cường an toàn cho phụ nữ trong các chuyến đi.
Hay ứng dụng có tên Peer-to-Peer (P2P) Personal Safety App (An toàn cá nhân ngang hàng- P2P) của khởi nghiệp Safely (Australia), cho phép người dùng kích hoạt chế độ cảnh báo và gửi cảnh báo đến người giám hộ được chỉ định trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, ứng dụng này còn cung cấp các bản cập nhật GPS, lưu vào "đám mây" để sử dụng làm bằng chứng nếu cần.