pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 đồ dùng trong nhà cần được vệ sinh sạch sẽ sau khi hết cảm lạnh
Khi bạn bị cảm lạnh, một số đồ gia dụng có thể trở thành nơi sinh sản của vi trùng gây bệnh. Vì thế mà sau khi bạn khỏi bệnh, có một số vật dụng đáng được chú ý để vệ sinh đầu tiên giúp giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho các thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt, cảm lạnh có thể kéo dài khả năng lây nhiễm tới hai tuần.
1. Ga trải giường và gối
Sau khi bạn khỏi bệnh, hãy đảm bảo ga giường và gối của bạn đều được giặt sạch sẽ - và nếu có thể hãy sử dụng nhiệt độ giặt ở mức cao > 71 độ trong ít nhất 25 phút và phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy máy diệt khuẩn. Phòng ngủ có thể nhanh chóng trở thành một "ổ chứa" vi khuẩn ngay khi bạn bắt đầu bị bệnh nên khu vực này nên là nơi bắt đầu việc dọn dẹp.
Nếu đệm của bạn bị bẩn, hãy làm sạch từng vùng bằng máy hút bụi và phun dung dịch khử khuẩn sau đó để đệm được hong khô trong ngày trước khi bọc lại với ga trải giường.
2. Giặt khăn
Tương tự như ga giường và vỏ gối thì các loại khăn như khăn tắm, khăn mặt cũng có thể chứa "tàn dư" của vi trùng gây cảm lạnh và có nguy cơ lây truyền sang các thành viên khác trong gia đình.
Tốt nhất là bạn nên giặt bằng nước nóng hoặc thay khăn tắm vài ngày tới một tuần một lần khi bị bệnh vì chúng bám dịch cơ thể mang mầm bệnh và điều này cũng nên làm ngay cả khi bạn khỏe mạnh.
3. Dụng cụ ăn uống
Mặc dù việc sử dụng lại một chiếc cốc để uống trà trong ngày hoặc cả tuần không gây ra nhiều bất tiện nhưng vẫn có những rủi ro với các thành viên khác trong gia đình sau khi bạn khỏi bệnh. Đặc biệt là khi gia đình bạn không có thói quen sử dụng riêng cốc.
Tốt hơn hết là bạn nên vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, đũa, cốc, chén,... bằng nước nóng nhất và dung dịch tẩy rửa chuyên dụng (và đừng quên sấy khô) ngay cả khi đang bị bệnh và đã khỏi bệnh. Đồng thời nên có thói quen sử dụng riêng cốc uống nước hay các loại dao dĩa, đũa với người khác để tránh và hạn chế lây lan mầm bệnh.
4. Các thiết bị điện tử
Rất có thể điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, các loại điều khiển mà bạn sử dụng khi nằm trên giường lúc bị ốm đều bám dính các vi trùng gây bệnh cảm lạnh. Nếu có thể vệ sinh các thiết bị này hàng ngày thì điều đó hoàn toàn tốt.
Theo Health, một nghiên cứu năm 2022 cho thấy điện thoại của một người hiếm khi được làm sạch đúng cách và trở thành nơi chứa các mầm bệnh lây nhiễm như cúm, cảm lạnh, COVID-19, tiêu chảy,...
Bạn có thể vệ sinh các thiết bị điện tử bằng khăn khử trùng hoặc các dung dịch khử trùng chuyên dùng cho thiết bị điện tử.
5. Các bề mặt
Đừng quên lau sạch các bề mặt mà bạn chạm vào thường xuyên khi đang bị cảm lạnh chẳng hạn như bồn rửa mặt, bồn tắm, tay nắm cửa, bàn ăn, công tắc điện,... Tất cả những khu vực này đều cần được khử trùng bằng dung dịch khử trùng để tiêu diệt các loại virus còn sót lại có thể dẫn tới lây lan nếu chẳng may ai đó chạm vào.
Nhiều người cho rằng virus gây cảm lạnh không bám lâu trên các bề mặt, nhưng thực tế, những virus gây bệnh cảm thông thường có thể tồn tại trên các bề mặt tới một tuần. Chính vì thế mà bạn cần lau sạch các bề mặt, sử dụng chất tẩy rửa để làm sạch và cuối cùng là khử trùng chúng để an toàn nhất.
Ngoài những đồ dùng kể trên cần được làm sạch đầu tiên sau khi bạn khỏi bệnh cảm lạnh thì theo Health, một bước bổ sung bạn nên thực hiện khi trong nhà có người bị bệnh và vừa khỏi bệnh đó là mở cửa thông thoáng và bật các thiết bị lọc không khí nếu có. Đừng quên mỗi vật dụng sẽ có những cách vệ sinh và khử trùng khác nhau dựa vào từng loại virus.
Chẳng hạn như nếu bạn nhiễm cảm lạnh do norovirus thì cần sử dụng thuốc tẩy hoặc khử trùng tỉ mỉ trên từng bề mặt hay nếu nhiễm cảm lạnh do RSV thì cần khử trùng các bề mặt do bệnh lây lan qua tiếp xúc/chạm vào,...
Với trẻ nhỏ sau khi khỏi bệnh cảm lạnh, các món đồ chơi của trẻ cũng cần được làm sạch đúng cách để tránh lây lan bệnh cho các thành viên khác. Một vài khu vực và đồ dùng khác cũng cần được làm sạch như thùng rác, bếp, bàn chải đánh răng, đồ dùng cá nhân như kính, quần áo mặc khi bị ốm,...