Hà Nội: Hòn đảo nhiệt đô thị
Hà Nội trong tuần qua đã trở thành tâm điểm nắng nóng của miền Bắc vì thành phố này bị ảnh hưởng của hiệu ứng hòn đảo nhiệt đô thị.
Trong đợt nắng nóng vừa qua, Hà Nội cùng với Hòa Bình và Ninh Bình là 3 điểm nóng nhất. Xét về điều kiện tự nhiên, Hà Nội là đồng bằng, có sông Hồng và hệ thống ao hồ nên sẽ mát hơn, còn Hòa Bình, Ninh Bình có khá nhiều núi đá vôi, hấp thụ khí nóng nên lẽ ra phải nóng hơn. Tuy nhiên, Hà Nội lại trở thành tâm nóng của miền Bắc mà không phải Hòa Bình hay Ninh Bình.
Lý do Hà Nội trở thành tâm nóng của miền Bắc vì thành phố này đã bị ảnh hưởng của hiệu ứng hòn đảo nhiệt đô thị. Tạm hiểu là khu vực nội đô của Hà Nội được coi như một hòn đảo nhiệt độ, nóng hơn hẳn so với vùng nông thôn xung quanh vì hiệu ứng này mỗi đợt nóng, nhiệt độ không chỉ cao mà nắng nóng còn kéo dài cả ngày cả đêm, khiến người dân suy nhược.
Theo các chuyên gia, trời nắng nóng khiến chỉ số tia UV cao, có thể gây hại đối với cơ thể. Tuy nhiên, Ngay cả khi trời không nắng, thì tia UV luôn có mặt ở các thời điểm trong ngày: sáng, chiều, tối, thậm chí khi nhiều mây, hay có mưa.
Tia UV nguy hiểm thế nào?
Theo các bác sĩ, tia UV có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống như: tổng hợp vitamin D, chống còi xương, phòng ngừa ung thư ruột kết; chữa một số bệnh ngoài da… Tuy nhiên, bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời cũng rất nguy hại khi con người ở ngoài trời lâu, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao (thường từ 10 – 15 giờ hàng ngày), có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể…
Tia UV luôn có mặt ở các thời điểm trong ngày: sáng, chiều, tối, thậm chí khi nhiều mây, hay có mưa. Tuy nhiên, cường độ mạnh nhất của loại tia này từ 10-15 giờ mỗi ngày.
Theo trang CNN, tia UV có 3 loại: A, B, C, trong đó bức xạ có bước sóng từ 315 -380nm thuộc loại A, bức xạ có bước sóng 280 - 315nm thuộc loại B, bức xạ từ 100 -280nm thuộc loại C.
Tia UV loại A có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da, trong khi đó tia loại B có thể gây say nắng, tổn thương hoặc làm đen da. Thông thường, con người tiếp xúc phần lớn với tia loại A (khoảng 90%), tiếp đó là tia loại B (khoảng 10%). Nguy hiểm nhất là tia UV loại C có thể gây ung thư da, tuy nhiên đây là tia cực tím yếu, hầu như không qua được tầng ozon để xuống trái đất.
Việc tiếp xúc quá nhiều với tia UV đều ảnh hưởng tới da, nhất là những người có da nhợt nhạt, tóc màu sáng, người có tiền sử ung thư da hoặc có người trong gia đình từng bị ung thư da.
Thang đánh giá tia UV hay còn gọi là chỉ số UV (UV index) được sử dụng tại Mỹ dựa trên sự tích hợp các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, khi cơ thể con người tiếp xúc với tia UV trong thời gian ngắn có thể gây đau đớn, nặng có thể gây bỏng nhiệt, lâu dần sẽ gây ung thư da và tử vong.
Chỉ số UV được đánh giá theo thang điểm từ 0 (mức thấp nhất) đến 11 (là mức cao nhất). Theo WHO, chỉ số tia UV cao nhất là 11 với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút.
Dưới đây là một số biện pháp giúp hạn chế ảnh hưởng của tia UV với cơ thể:
1. Tránh ra ngoài khi trời nắng gắt
Tia UV nằm trong ánh sáng mặt trời. Khi nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia UV, từ sáng đến chiều tối, khi trời nắng gắt hay có mây, mưa. Tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 14, 15 giờ chiều. Vì vậy, không nên ra ngoài trời khi nắng gắt, đặc biệt trong khung giờ này trên. Nên tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát.
2. Mặc trang phục chống nắng màu sậm
Trước hết, cần đội nón có vành rộng hơn 2,5cm và có khả năng phủ được 2/3 khuôn mặt. Trong trường hợp đi bộ, có thể che dù để hạn chế tác động của ánh sáng. Kế đó là đeo khẩu trang, ngoài tác dụng chống khói bụi còn giúp tránh được phần lớn tia cực tím.
Nên chọn khẩu trang phủ kín mặt có màu đen, màu sậm, sẽ có tác dụng chống nắng 90%. Khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%.
Còn khẩu trang y tế thường quá mỏng, màu xanh và sáng màu, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng, chống tia UV, chỉ có thể cản bụi. Nên dùng khẩu trang vải dầy, dệt chéo.
Bên cạnh đó có thể trang bị thêm quần áo dài, hay áo khoác, nhất là khi phải di chuyển xa.
3. Bôi kem chống nắng
Theo trang Cancer.org, kem chống nắng thường có các nhân tố bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời (viết tắt là: SPF), có khả năng chống lại tia UV.
Chỉ số SPF càng cao, thời gian bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da. Nếu bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài, tốt nhất bạn nên chọn loại phổ rộng (Broad Spectrum) để bảo vệ làn da khỏi tia UV.
Cần lưu ý bôi kem chống nắng từ 20-30 phút trước khi ra ngoài trời. Kem chống nắng chỉ có tác dụng 2-3 tiếng, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem. Đặc biệt, cần bôi lại kem chống nắng sau mỗi 30-60 phút khi hoạt động mạnh, ra nhiều mồ hôi hoặc ở dưới nước.
Nếu để kem chống nắng trên da quá lâu mà không thoa lại sẽ càng dễ gây bắt nắng.
Đặc biệt, phụ nữ đang có thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng kem chống nắng, chú ý các khuyến cáo của từng loại kem và nên hỏi ý kiến của các chuyên gia khi sử dụng.
4. Kính chống nắng
Theo trang Wiki How, mắt người cũng là một trong những bộ phận nhạy cảm và dễ tổn thương với tia UV nếu không được bảo vệ đúng cách. Do đó, nếu phải đi ngoài trời nắng gắt, nhất là khi đi xa, bạn nên đeo kính có khả năng chống cả tia UV loại A và loại B.
Trước khi mua kính, cần kiểm tra kính có ghi chỉ số chống tia UV hay không, nếu có thì xem tỉ lệ khoảng bao nhiêu phần trăm theo tiêu chuẩn UV ANSI để cân nhắc lựa chọn.
Đồng thời, kính chống nắng nên có kích thước lớn, che được toàn bộ vùng mắt, vừa giúp cản tia UV vừa giúp bảo vệ mắt khỏi gió, bụi.
5. Uống đủ nước
Ngoài những cách bảo vệ da từ bên ngoài, bạn nên uống đủ nước giúp da khỏe hơn từ bên trong. Làn da có đủ độ ẩm là một trong những cách chống nắng hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể và tăng khả năng chống nắng cho làn da, đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng.