pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 KHOẢNH KHẮC của cha mẹ sẽ theo con suốt đời, số 4 tuyệt đối nên tránh
Khi nói đến những khoảnh khắc quan trọng của trẻ em, chúng ta thường nghĩ về lúc con nói chuyện lần đầu tiên, đi những bước chân đầu tiên, vào trường học đầu tiên, lễ tốt nghiệp đầu tiên... Trong thực tế, mỗi khi một đứa trẻ mất bình tĩnh, mỗi khi thất bại, mỗi khi bị từ chối... mới là những thời điểm quan trọng nhất. Và cách cha mẹ đối xử với con cái của họ trong những khoảnh khắc này ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của chúng về sau.
Tạp chí Time đã xuất bản một chủ đề đặc biệt có ý nghĩa: "Trẻ em có thể nhớ gì về cha mẹ khi chúng lớn lên?". Có 5 khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời những đứa trẻ sẽ truyền cảm hứng cho vô số bậc cha mẹ để suy nghĩ lại cách giáo dục của mình.
01. Làm cho trẻ cảm thấy một khoảnh khắc an toàn
Trẻ em có vô số những điều sợ hãi và căng thẳng, chẳng hạn như không dám ngủ một mình, sợ sấm sét, lúc nhìn thấy người lạ... Lúc này, một số cha mẹ có thể nói: "Có gì mà sợ, con trai phải dũng cảm lên"; "Con có thấy những đứa trẻ khác mạnh mẽ thế nào không? Nếu con cứ như vậy, lớn lên chẳng làm được gì"...
Những phản ứng này của cha mẹ sẽ không làm cho đứa trẻ trở nên dũng cảm, ngược lại càng khiến con cảm thấy cô đơn, bất lực, có một cảm giác bị bỏ rơi, dẫn đến cảm giác an toàn bên trong thiếu thốn nghiêm trọng.
Nhà tâm lý học Maslow phát hiện ra rằng những người thiếu cảm giác an toàn thường cảm thấy cô đơn, bị lãng quên và bị bỏ rơi; Đồng thời, đối với người khác sẽ có thái độ không tin tưởng, ghen tuông, thù địch; Nghiêm trọng hơn, sẽ có xu hướng bi quan, quá tự trách mình, v.v.
Vì vậy, chúng ta phải dùng tình yêu và sự bao dung của cha mẹ để con có một cảm giác an toàn bên trong.
Khi con mệt mỏi và đói, cha mẹ cho con sự ấm áp và thực phẩm; Khi trẻ sợ hãi, buồn bã hoặc cô đơn, gặp khó khăn, cha mẹ cần an ủi và đồng hành với chúng thay vì chèn ép và chế giễu. Theo thời gian, đứa trẻ sẽ hình thành suy nghĩ rằng cha mẹ có thể tin tưởng, "cha mẹ yêu mình, sẽ giúp mình, mình không cô đơn".
Khi cha mẹ cung cấp cho con cái đủ sự hỗ trợ và khuyến khích, không mắng, không đả kích, đứa trẻ sẽ được tự do khám phá thế giới, thử những điều mới, không phải lo lắng về thất bại, để từ đó có sức mạnh bền vững. Những đứa trẻ như vậy cũng có thể có các mối quan hệ xã hội lành mạnh sau này.
02. Khoảnh khắc cha mẹ "buông" mọi thứ, dành thời gian cho con
Khi bạn buông chiếc điện thoại xuống, đi ra ngoài chơi bóng đá với con, nhảy tấm bạt lò xo... tất cả những điều tưởng như rất đơn giản này sẽ luôn luôn được khắc sâu trong trái tim của đứa trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ luôn tự nhủ, mỗi lần trở về nhà sau giờ làm việc sẽ dành thời gian cho con cái mình. Thế nhưng sau đó, họ ăn vội vàng bữa cơm, dọn dẹp nhà cửa, đắm chìm vào chiếc điện thoại và thế giới của riêng mình, mặc con cái học hay chơi.
Một khảo sát tại Anh cho thấy, 78% cha mẹ cảm thấy có lỗi với con, bởi các lý do: dành không đủ thời gian cho con, thường xuyên cáu gắt, mất quá nhiều giờ cho các thiết bị di động...
Thực tế, trong việc dành thời gian cho con, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Theo nhà xã hội học Kei Nomaguchi, công tác tại đại học Bowling Green State, Mỹ, nếu dành cho con 2-3 giờ mỗi ngày nhưng cha mẹ liên tục cáu gắt, bị phân tâm bởi công việc, điện thoại... thì thời gian đó thậm chí còn có tác động tiêu cực hơn đến sự phát triển của trẻ.
Thời gian "chất lượng cao" 20 phút có ý nghĩa hơn là "giám sát" trẻ em trong 2 giờ! Đây là thời gian rất có giá trị nếu cha mẹ dành 100% cho con, không vướng bận điện thoại, công việc, chân thành, tích cực tham gia hoạt động mà con muốn, như đọc sách, nói chuyện, chơi trò nhập vai...
03. Khoảnh khắc ở bên nửa kia
Trẻ em sẽ nhớ rất nhiều chi tiết của thời gian với cha mẹ, cho dù đó là thân mật và ngọt ngào hoặc tranh cãi. Trong tất cả các mối quan hệ gia đình, mối quan hệ vợ chồng là ưu tiên hàng đầu. Mô hình hòa hợp giữa cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.
Một tổ chức nghiên cứu tâm lý trẻ em đã tiến hành một cuộc khảo sát tình trạng tâm lý của hơn 3.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, một trong số đó là "điều bạn sợ nhất ở cha mẹ là gì". Câu trả lời nhiều nhất là: "Tôi sợ nhất cha mẹ tức giận, sợ họ cãi nhau".
Có một câu trả lời được viết rất cụ thể: "Tôi sợ nhất là cha tức giận, ông tức giận trông hung dữ! Ông khiến mẹ tức giận khóc, tôi sợ tới mức giống như một con chuột nhỏ, tim đập thình thịch, cơm cũng không ăn được...".
Nhiều bố mẹ nghĩ đứa trẻ vẫn còn nhỏ, không hiểu bất cứ điều gì, tranh chấp vợ chồng chúng không quan tâm, nhưng trên thực tế, trẻ em rất nhạy cảm, có thể nhanh chóng nhận ra những cảm xúc tiêu cực được truyền đạt bởi cha mẹ.
Vợ chồng cãi nhau không ngớt, con cái cảm thấy áp lực, sợ hãi. Các cặp vợ chồng tôn trọng như khách, đứa trẻ cảm thấy ấm áp và an toàn.
Các cặp vợ chồng quan tâm đến nhau, con cái của họ học được cách chăm sóc người khác. Các cặp vợ chồng bao dung lẫn nhau, con cái học cách thông cảm cho người khác. Các cặp vợ chồng khen ngợi lẫn nhau, trẻ em học cách đánh giá cao người khác.
Một mối quan hệ vợ chồng hài hòa đòi hỏi cả hai bên phải hợp tác cùng nhau. Đối với vợ/chồng, cần học cách ít đổ lỗi, khen ngợi và khoan dung hơn. Sống trong một bầu không khí gia đình ấm áp và yêu thương từ khi còn nhỏ, trẻ em thường tự tin và lạc quan.
04. Khoảnh khắc chỉ trích trẻ
Sự khẳng định hoặc chỉ trích của bạn về đứa trẻ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Trái tim của đứa trẻ giống như xi măng ẩm, ấn tượng ban đầu sẽ củng cố suốt đời.
Khi đứa trẻ làm điều gì đó sai trái, một số bậc cha mẹ thường cằn nhằn: Con quá ngu ngốc; Nói bao nhiêu lần, vẫn không làm được; Mẹ rất thất vọng... Nếu một đứa trẻ luôn nhận về những phán xét như vậy, chúng sẽ nghi ngờ bản thân, trở nên tự ti và nhạy cảm. Trẻ sẽ làm mọi thứ rập khuôn, không dám thử, không dám phạm sai lầm để tránh những lời chỉ trích liên tục của cha mẹ.
Nếu một đứa trẻ có thể nhận được phản hồi tích cực từ cha mẹ bất cứ điều gì mình làm, kết quả là một cái gì đó khác.
Đứa trẻ đã phạm sai lầm, cha mẹ khôn ngoan sẽ nói: "Không quan trọng, chúng ta hãy xem chỗ nào có vấn đề, hãy suy nghĩ làm thế nào để giải quyết. Nếu con cần giúp đỡ, mẹ có thể giúp con".
Đứa trẻ giành được vị trí đầu tiên trong nhóm trong cuộc thi thể thao, người mẹ khôn ngoan sẽ nói: "Lần này con chắc chắn đã cố gắng rất nhiều. Đạt giải nhất rất tốt, nhưng cho dù sau này con không về nhất, mẹ vẫn sẽ yêu con. Trong lòng mẹ, con luôn là số 1".
Người lớn thích khen, trẻ con lại càng thích. Nắm được bí quyết này, các ông bố bà mẹ sẽ có trong tay công cụ hữu hiệu để "cảm hóa" con cái mình.
05. Những khoảnh khắc truyền thống vốn có của gia đình
Trong "Hoàng tử nhỏ", có một lời giải thích về nghi thức vô cùng cảm động. Hoàng tử nhỏ đến thăm con cáo vào ngày hôm sau, khi đã thuần hóa nó.
Con cáo nói: "Tốt nhất là nên quay lại vào cùng giờ giấc. Chẳng hạn, nếu bạn đến lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ mình đã bắt đầu thấy hạnh phúc. Thời giờ càng trôi qua mình lại càng hạnh phúc hơn. Cho tới bốn giờ, mình sẽ trở nên bồn chồn và lo lắng: Mình sẽ khám phá ra cái giá của hạnh phúc! Nhưng nếu bạn đến bất kì lúc nào, mình sẽ không biết giờ giấc để sửa soạn trái tim… Cần phải có nghi thức".
- "Nghi thức là gì?". Hoàng tử nhỏ hỏi.
- Đó cũng là thứ bị lãng quên lâu lắm rồi. Nó là cái làm cho một ngày khác hẳn mọi ngày, một giờ khác hẳn mọi giờ. Ví dụ, những người thợ săn có một nghi thức: Họ nhảy múa với các cô gái trong làng vào ngày thứ năm. Do đó thứ năm là ngày tuyệt vời! Mình sẽ dạo chơi được tới tận vườn nho. Nếu những người thợ săn nhảy múa bất kì lúc nào, mọi ngày đều sẽ giống nhau cả, và mình sẽ chẳng còn mấy khi được nghỉ ngơi.
Trong một gia đình có "nghi thức", trẻ em có cảm giác hạnh phúc hơn.
Những khoảnh khắc truyền thống của gia đình không nhất thiết phải là một lễ hội lớn, nhưng tập trung vào từng chút một trong cuộc sống. Nó có thể là một cái ôm, một nụ hôn mỗi ngày trước khi đi ngủ, cắm trại công viên vào cuối tuần, ngày ngày cùng gia đình đọc sách, một kỳ nghỉ bên bờ biển trang phục nhẹ, có thể làm cho trẻ nhớ những khoảnh khắc đẹp suốt năm tháng sau này.