5 kiến nghị của Hội LHPNVN nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành TƯ (khóa XII)

Lan Hương. Ảnh: Lê Tường - Vũ Hoa
30/08/2022 - 20:55
5 kiến nghị của Hội LHPNVN nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành TƯ (khóa XII)

Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị

Chiều 30/8, tại Hà Nội, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" của Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XII).

Các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam; Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì Hội nghị.

5 kiến nghị của Hội LHPNVN nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành TƯ (khóa XII) - Ảnh 1.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị


Báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TƯ, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, nêu rõ: Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo tập trung củng cố tổ chức bộ máy, rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng ban, đơn vị để tránh chồng chéo; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên, tiết kiệm ngân sách nhà nước, góp phần chung vào công cuộc cải cách chính sách tiền lương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tham gia quản lý Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

5 kiến nghị của Hội LHPNVN nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành TƯ (khóa XII) - Ảnh 3.

Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Tôn Ngọc Hạnh báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và 19

Qua đánh giá bước đầu, cơ quan TƯ Hội đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn các đầu mối theo hướng giảm tối đa cấp trung gian, cấp phó, giảm lãnh đạo cấp phòng ở các ban phong trào, giải thể 8 phòng trong Ban, đã tiến hành sát nhập Ban Kế hoạch - Tài chính vào Văn phòng để giảm 1 đầu mối ban, đơn vị, giảm 1 trưởng ban và giảm 10% biên chế so với năm 2015, thực hiện được mục tiêu của Đề án, khắc phục tối đa tình trạng trùng lắp, chồng chéo.

Trong tổng số 6 đơn vị sự nghiệp công lập của TƯ Hội, có 4 đơn vị đã thực hiện giảm đầu mối, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, trong đó 3 đơn vị duy trì mức tự chủ chi thường xuyên đảm bảo 100%.

Đối với các cấp Hội địa phương: Đến tháng 7/2022, 63/63 tỉnh, thành đều đã thực hiện tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách cấp tỉnh theo Quy định số 212-QĐ/TW. Hầu hết các tỉnh thực hiện mô hình 3-4 ban (giảm ít nhất được 1 đầu mối, đa số giảm từ 2 đầu mối trở lên). Biên chế của Hội LHPN các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm liên tục qua các năm gần đây, cơ bản bảo đảm lộ trình theo quy định.

Số lượng đơn vị cấp huyện đã giảm 8 đơn vị. Hầu hết các tỉnh đều thực hiện củng cố kiện toàn bộ máy bên trong theo hướng tinh giản biên chế, số biên chế của Hội LHPN cấp huyện giảm 10,36% so với năm 2017. 

Số đơn vị cấp cơ sở giảm mạnh sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính theo tiêu chí mới: từ 11.162 cơ sở năm 2017 giảm còn 10.603 cơ sở (giảm 559 cơ sở), 104.141 chi hội giảm còn 88.859 chi hội (giảm 15.282 chi hội).

5 kiến nghị của Hội LHPNVN nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành TƯ (khóa XII) - Ảnh 4.

Đồng chí Ngọ Văn Khuyến Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương, phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc, các bài học kinh nghiệm, đồng thời nêu 5 kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, cụ thể:

1.  Đề xuất Bộ Chính trị tiếp tục quan tâm có chính sách đặc thù để thu hút nhân tài về công tác tại khối cơ quan Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội; tiếp tục phân cấp, giao quyền chủ động, chịu trách nhiệm trong sắp xếp, tổ chức đầu mối trực thuộc trong tổng biên chế được giao của các cơ quan Trung ương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát của Ban Tổ chức Trung ương.

2. Đề xuất Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn bố trí, sắp xếp vị trí việc làm và ngạch công chức cơ quan TƯ Hội đối với một số công chức đảm nhận công việc đặc thù (đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, tài sản); Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý bộ máy, biên chế thống nhất trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công việc và góp phần tinh gọn bộ máy.

3. Đề xuất với Chính phủ: Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách cụ thể, phù hợp đối với số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bị tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt đối với những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

4. Đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP để TƯ Hội có căn cứ rà soát, hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công do Hội LHPN Việt Nam quản lý để xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành làm căn cứ để giao dịch vụ sự nghiệp công cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Hội.

5. Đề nghị các tỉnh, thành ủy có chỉ đạo thống nhất về việc quan tâm sắp xếp, phân công đối tượng Phó chủ tịch Hội LHPN chuyên trách cấp xã; đồng thời bố trí chi hội trưởng phụ nữ đảm nhận một số công việc như cộng tác viên dân số, tổ trưởng tổ vay vốn... để động viên cán bộ Hội ở cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN, nêu rõ tầm quan trọng của Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19. Đó là các Nghị quyết thể hiện quyết tâm cao của TƯ Đảng trong việc lãnh đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.

Là một thành tố trong hệ thống chính trị, Đảng Đoàn Hội LHPN Việt Nam đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc cụ thể hóa và triển khai thực hiện hai Nghị quyết trong Cơ quan TƯ Hội và các đơn vị sự nghiệp công lập của TƯ Hội.

Thực hiện chủ trương của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội đã có nhiều giải pháp để triển khai, tổ chức thực hiện, đã ban hành 6 kế hoạch, quyết định, thông báo, đề án… nhằm cụ thể hóa Nghị quyết phù hợp với thực tiễn, đặc thù, điều kiện, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức Hội. Một số hoạt động đã được thực hiện rất hiệu quả như: Rà soát, điều chuyển nhiệm vụ của giữa các ban, đơn vị để khắc phục sự chồng chéo; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức nhằm giảm chi thường xuyên, tiết kiệm ngân sách nhà nước; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động - những người chịu tác động trực tiếp của quá trình đổi mới để có chính sách đảm bảo quyền lợi phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận trong cơ quan; Coi trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện…

Để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết số 18 và 19 trong thời gian tới, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng với tâm thế tốt nhất, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ: "Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", từ đó không bàn lùi, không thoái thác, không dễ làm khó bỏ. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải quyết tâm rất cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; tìm giải pháp tháo gỡ để thực hiện thành công Nghị quyết. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm