pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 kiểu gia đình thành công trong việc nuôi dạy con
Ảnh minh họa
Cha mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của cha mẹ đều tác động trực tiếp đến con cái. Đây là mối liên hệ gắn bó mật thiết giúp trẻ hình thành tính cách, thói quen cũng như định hướng phát triển tương lai.
Dưới đây là 5 kiểu gia đình có cách nuôi dạy con khoa học:
1. Gia đình biết cách quản lý cảm xúc
Theo khảo sát, 90% các bậc cha mẹ có tâm lý lo lắng trong quá trình nuôi dạy con cái. Họ luôn đặt câu hỏi: "Làm thế nào để giao tiếp với con tốt hơn?", "Điều gì xảy ra nếu không có nhiều thời gian dành cho con?", "Phải làm cách nào nếu điểm thi của con không tốt?",…
Nếu con cái bị cha mẹ tác động trong thời gian dài bằng những lời nói và cử chỉ quan tâm có phần quá mức sẽ ảnh hưởng đến tinh thần. Chúng trở nên dễ nổi nóng, mất bình tĩnh, nhạy cảm. Chúng sẽ xa cách cha mẹ, không muốn chia sẻ chuyện trường lớp.
Vì thế, trong việc nuôi dạy con cái, các bậc cha mẹ nên học cách kiểm soát cảm xúc, duy trì sự vui vẻ, lạc quan. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến những đứa trẻ, khiến chúng trở nên hòa đồng, nhiệt tình, cởi mở hơn. Và trẻ sẽ sẵn sàng chia sẻ mọi tâm sự, bí mật cho cha mẹ lắng nghe.
2. Gia đình luôn nói những lời tốt đẹp
Mark Zuckerberg – người sáng lập mạng xã hội Facebook từng chia sẻ về cách giáo dục con. Cụ thể, Mark đã liệt kê 11 hành vi xấu của trẻ, 8 điều trong số đó là do cha mẹ có những lời nói không tốt. Chẳng hạn như: Nếu con bỏ cuộc khi vấp ngã là do hồi nhỏ bị cha mẹ chỉ trích quá nhiều. Hay con không tôn trọng cảm xúc người khác là do cha mẹ thường xuyên ra lệnh và không tôn trọng cảm xúc của con.
Trên thực tế, có vô số những cha mẹ như vậy. Họ rõ ràng muốn giúp con sửa sai nhưng chẳng bao giờ đoái hoài đến suy nghĩ và sĩ diện của con. Thậm chí, họ còn khiển trách con trước đông người. Điều này khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Khi lớn lên, chúng sẽ trở nên ít nói, mặc cảm, luôn cảm thấy thiếu an toàn.
Cha mẹ là người gần gũi với con nhất. Vì thế, khi con gặp khó khăn, thách thức, cha mẹ hãy luôn ở bên động viên bằng những lời tích cực, lạc quan. Điều này vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ mà cha mẹ cần lưu ý.
3. Gia đình biết cách trao những trải nghiệm
Làm cha mẹ, ai cũng đều lo lắng cho tương lai của con mình. Khi con còn nhỏ, họ lo việc ăn uống, chăm bẵm. Khi con lớn hơn, họ lại sốt sắng chuyện học tập, thi cử của con. Nhiều phụ huynh còn quan tâm và sắp xếp đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc đời con. Chẳng hạn như: Con phải học trường đại học A, chuyên ngành B; con phải tham gia những lớp năng khiếu này mới tốt cho tương lai,…
Một trong những đặc điểm nổi bật của quá trình lớn lên của mỗi người là tính thực tiễn. Cha mẹ nên để con tự trải nghiệm cuộc sống để có được những bài học đắt giá. Trải nghiệm càng nhiều càng tốt, đừng bao bọc con quá mức.
Nếu cha mẹ hết lần này đến lần khác can thiệp vào cuộc sống của con cái, chăm lo mọi thứ để con phát triển theo ý mình. Điều này không chỉ tước đi quyền tự trưởng thành của trẻ mà còn khiến trẻ cảm thấy không vui vẻ, hạnh phúc. Chúng cảm thấy ngột ngạt, bất lực vì luôn chịu sự ép buộc từ cha mẹ.
4. Gia đình yêu quý sách
Theo nhiều khảo sát công bố, những gia đình có cha mẹ hay ngồi đọc sách, đọc báo lúc rảnh rỗi thì con thường đạt thành tích học tập xuất sắc hơn. Một gia đình nọ có những đứa con rất thích đọc sách. Chúng không chỉ đọc truyện cổ tích, truyện tranh mà còn đọc nhiều sách học thuật về các lĩnh vực như: Khoa học, Sinh học, Văn học, Thiên văn học,….
Bí quyết của gia đình này rất đơn giản, đó là vào những lúc rảnh rỗi, cha mẹ sẽ cùng nhau quây quần tại phòng khách để đọc sách. Mỗi người đọc một cuốn theo sở thích và đắm chìm vào thế giới riêng của mình. Đây là cách giáo dục con rất hay, mọi thứ đều đến một cách tự nhiên. Cha mẹ yêu đọc sách nên vô tình đã truyền sở thích và hình thành thói quen tốt cho con. Trẻ vui vẻ thực hiện mà không có sự phản kháng. Đối với chúng, việc đọc sách đến một cách tự nhiên, giống như việc ăn uống, đi ngủ, đi học, chơi đùa.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh yêu cầu con đọc sách nhưng lại không hứng thú với sách. Họ thường giải trí bằng cách nghe nhạc, chơi game, xem TV,… Điều này ảnh hưởng đến thái độ học tập của con. Cha mẹ là người thầy đầu tiên và là người gắn bó lâu dài nhất với con, mọi lời nói và việc làm đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng con cái.
5. Gia đình hạnh phúc
Trước hết cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp mới có thể xây dựng được mối quan hệ cha mẹ - con cái khăng khít. Tình cảm vợ chồng là huyết mạch của một gia đình.
Có câu nói như sau: "Tình yêu tốt nhất mà người cha dành cho con là người mẹ chăm sóc con tốt. Tình yêu tốt nhất của người mẹ dành cho con là việc người cha biết tôn trọng con mình".
Sự dịu dàng, hiền hậu của tình mẫu tử sẽ tự nhiên lan tỏa nếu các bà mẹ được các ông bố chăm sóc tốt. Khi người mẹ ca ngợi sự vĩ đại, hy sinh của người cha, cha sẽ nghiễm nhiên trở thành người hùng trong lòng con, là tấm gương sáng để con noi theo và học tập.
Mối quan hệ gia đình hòa thuận như vậy sẽ hình thành nên không khí sum vầy, vui vẻ, hạnh phúc. Những người lớn lên trong gia đình kiểu này luôn lạc quan, tự tin, tin tưởng vào tình yêu và bày tỏ cảm xúc rất tự nhiên. Bởi họ hiểu rằng, tình yêu xuất phát từ trái tim chân thành, không cần suy nghĩ nhiều.
Ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong những cuộc cãi vã không ngừng của cha mẹ sẽ trở nên bất an, lo lắng, mặc cảm. Vì thế, cha mẹ cần lưu ý giữ mối quan hệ tốt, tuyệt đối không to tiếng trước mặt các con.