pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 kiểu người độc hại chớ nên kết thân, tránh càng xa càng tốt
“Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn gặp nhiều nhất.”
Bạn bè có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người và họ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tính cách của chúng ta. Kết giao với đúng người tạo nên sự khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ. Thời gian và năng lượng của mỗi người là hữu hạn, đừng để những người độc hại đánh mất sự tự tin, ảnh hưởng xấu đến bạn. Vậy nên, hãy lựa chọn bạn bè và kết thân một cách thông minh để có được các mối quan hệ lành mạnh và tích cực.
Người hay ngồi lê đôi mách
Những người này có mặt ở khắp mọi nơi. Họ khiến bạn dễ cảm thấy rằng mình đang được hòa nhập với tập thể, trải mọi nỗi lòng. Tuy nhiên những người này lại đi thu thập câu chuyện của bạn rồi biến chúng thành câu chuyện phiếm với người khác.
Khi một người muốn nói với bạn về một người thứ ba không có mặt ở đó, đây không phải là việc tốt gì cả. Người đó hoàn toàn có thể sẽ làm như vậy với bạn, đem những bí mật của bạn đi kể với người khác sau lưng.
Tại công sở, đây là loại người sẽ cùng bạn vào góc nào đó giờ nghỉ trưa rồi "mồi" để bạn bắt đầu nói xấu về thái độ làm việc của một đồng nghiệp khác. Khi những người này cảm thấy họ có thể tiếp cận bạn, họ thường có xu hướng lặp lại điều này. Còn những người khác thì sao? Họ sẽ xếp bạn vào cùng kiểu người thích ngồi lê đôi mách với ai kia.
Hãy nghĩ lại mà xem, bạn có nhận được gì từ những cuộc trò chuyện như vậy không? Hoàn toàn không, thậm chí là còn nhận về những tổn thương từ câu chuyện "buôn dưa lê bán dưa chuột". Không ai thích cảm giác có người đang nói xấu sau lưng mình cả phải không.
Người thích thao túng
Một kẻ thích thao túng người khác biết mình muốn gì và sẽ sử dụng bạn để đạt được điều đó. Họ sẽ không quan tâm đến cảm xúc hay suy nghĩ của bạn. Càng dành nhiều thời gian bên những người này, bạn sẽ càng giảm đi quyền tự chủ. Bạn sẽ dễ làm theo những điều họ muốn thay vì đặt bản thân bạn lên trên.
Với kẻ thao túng, mọi hành động đều có mục đích riêng của nó. Họ sẽ làm mọi cách, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích. Có rất nhiều hình thức để thao túng, cách cổ điển nhất là thông qua lòng thương hại của đối phương.
Ví dụ như trong mối quan hệ nọ, người bạn gái luôn thích kiểm soát và chì chiết bạn trai mình. Mỗi lúc anh muốn thoát ra khỏi mối quan hệ này, cô bạn gái lại thao túng anh ta ở lại bằng cách giả bệnh nặng để khiến anh thương hại cô.
Người thích phán xét
Người thích phán xét không bao giờ đặt mình vào vị trí của người khác. Điều họ quan tâm duy nhất chính là điều bạn đã làm hay không làm. Bất kể bạn làm gì, nghĩ gì nay nói gì, người này sẽ luôn chỉ trích bạn.
Càng dành thời gian nhiều bên những người thích phán xét người khác, bạn sẽ càng tăng thêm những năng lực tiêu cực mà thôi.
Một người doanh nhân nọ hết mực yêu vợ. Thật không may, vợ anh lại là một ví dụ hoàn hảo cho hình mẫu “người phán xử”. Bình thường, vì đặc thù công việc nên anh hay phải đi công tác xa nhà. Người vợ luôn đổ lỗi và tức giận vì anh xa nhà quá lâu, bất chấp đó là yêu cầu công việc. Bất chấp tất cả mọi việc đều là lo cho cuộc sống của gia đình, giúp cô không phải lo nghĩ gì nhưng người vợ vẫn đắm chìm trong việc bới lông tìm vết để đánh giá chồng mình.
Người thích làm quá
Người thích làm quá thường hay việc bé xé ra to. Họ không cần biết bạn đã làm gì để xử lý vấn đề hay sửa những lỗi lầm mà chỉ chăm chăm vào những sai sót đó. Họ chỉ trích và làm như thể mọi thứ sắp đến ngày tận thế.
Tưởng tượng rằng bạn sắp có bài thuyết trình lớn trong nhóm. Bạn được giao nhiệm vụ thực hiện một phần trong đó. Đột nhiên có một thành viên trong gia đình bạn ốm và phải đi bệnh viện. Điều này khiến bạn làm trễ hạn nộp phần bài của mình cho nhóm. Mọi người trong nhóm đều thông cảm cho tình cảnh khó khăn vì dù sao vẫn còn hơn một tuần nữa mới tới ngày thuyết trình chính thức.
Tuy nhiên, kẻ thích làm quá lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng bạn làm chậm tiến độ của cả nhóm, thậm chí sẽ còn nhắc lại chuyện khó chịu này rất lâu sau khi kết thúc bài thuyết trình.
Người thích bộc lộ cảm xúc thái quá
Bộc lộ cảm xúc của bản thân là điều hoàn toàn bình thường song với những người hay thích bộc lộ cảm xúc thái quá, bạn sẽ rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Họ luôn thích nói về cảm xúc cá nhân, nói rằng cuộc sống quanh họ thật tệ nhưng không bao giờ hành động để cải thiện tình hình đó. Họ đến với bạn mỗi khi có tâm trạng và mang theo những vấn đề cá nhân cần giải quyết. Đó có thể là người sếp khắt khe, xấu tính hay cô đồng nghiệp thích buôn chuyện, hay bới móc. Tuy nhiên họ luôn ca thán và chỉ dừng ở đó. Bất kỳ lời đề nghị nào bạn đưa ra nhằm cải thiện tình hình đều bị khước từ. “Tôi không thể…” và “Tôi đã thử cách đó rồi…” là những câu nói mặc định của họ.
Nếu bạn tiếp xúc lâu với người thích thể hiện cảm xúc thái quá, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ dễ trở nên giống như họ, bị cuốn vào cuộc tranh luận cảm xúc và mất đi khả năng giải quyết vấn đề. Có thể sẽ khó khăn để bạn chấm dứt mối quan hệ với những người đó hay đơn giản là chỉ giữ mối quan hệ xã giao song đây là điều nên làm, tránh để họ ảnh hưởng tiêu cực đến mình.