5 năm nội chiến và sự im lặng đáng sợ của bé gái Syria

12/12/2016 - 20:57
Cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt 5 năm qua đã khiến các bé gái Syria bị ám ảnh, không thể cất lời, ngay cả khi đã được đưa đến nơi an toàn.

Ánh mắt vô hồn của cô gái bé nhỏ Sayda Al-Yousif là bằng chứng rõ ràng nhất về những ảnh hưởng của các cuộc bạo lực mà cô bé phải chịu đựng suốt 5 năm đầu đời. Cuộc nội chiến không chỉ tàn phá quê hương em, thành phố Aleppo, mà còn vùi dập cả tâm hồn trẻ thơ của em.

5-nam-noi-chien-va-su-im-lang-dang-so-cua-be-gai-syria.jpg
Rất nhiều bé gái Syria bị chấn thương tâm lý nặng dẫn đến việc không thể nói.

In đậm trong tâm trí cô gái bé nhỏ không phải là những hình ảnh vui đùa bên cha mẹ, bạn bè, người thân mà trái lại, đó là những hình ảnh của các bộ phận cơ thể người đầy máu rải rác trên khắp đường phố ngay ngoài cửa nhà em, là những tiếng trống ngực dồn dập mỗi khi máy bay bay qua, là những tiếng bom đạn ngày đêm không dứt.

Việc phải chứng kiến những cảnh đổ máu diễn ra ngay từ khi mới lọt lòng khiến Sayda không thể nói một lời, ngay cả khi em đã chuyển tới thủ đô Cairo, Ai Cập, cách gần 1.000 dặm với vùng chiến sự.

Nhìn vào ánh mắt vô hồn của con, cô Reem, 24 tuổi, hiểu rõ những nỗi ám ảnh mà bé phải chịu đựng: “Khi chúng tôi rời khỏi nhà, đi ra phố, đó luôn là một tấm thảm đầy màu đỏ của máu, các bộ phận cơ thể người vương vãi ở khắp mọi nơi. Những quả bom khiến cho những mẩu chân tay văng đầy. Sayda đã bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý bởi những gì bé nhìn thấy. Trong một tuần đầu sau khi chúng tôi đến Ai Cập, bé chẳng nói gì dù chỉ một lời, chúng tôi đã nghĩ bé bị câm”.

5-nam-noi-chien-va-su-im-lang-dang-so-cua-be-gai-syria-1.jpg
Trẻ em Syria bị tổn thương nặng nề.

Trong suốt những năm đầu đời của mình, bé Sayda dành phần lớn thời gian trong tầng hầm của ngôi nhà hai tầng để lẩn trốn khủng bố và các vụ nổ bom. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, ngôi nhà của em đã bị một cuộc không kích san phẳng. Vì vậy, mẹ em, cô Reem, đã quyết định đưa Sayda và em trai của Sayda rời khỏi nhà để xin tị nạn tại Cairo.

Trên thực tế, bé Sayda chỉ là 1 trong số 53.000 em bé Syria đăng ký tị nạn tại Ai Cập, một quốc gia phía Bắc châu Phi, nơi cũng bị ảnh hưởng bởi sự nghèo đói, bạo lực từ trường học tới đường phố, nhưng ít nhất là họ có thể đấu tranh để tồn tại, thay vì chết oan uổng trong bom đạn.

Hiện tại, Sayda đang nhận được sự giúp đỡ tâm lý từ UNICEF ​​và ECHO - một tổ chức nhân đạo của EU.

5-nam-noi-chien-va-su-im-lang-dang-so-cua-be-gai-syria-2.jpg
Có 53.000 bé trai và bé gái Syria đăng ký tị nạn tại Ai Cập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm