5 năm trôi qua, mẹ vợ tôi mới chịu nhìn mặt cháu gái

Tiểu Ngạn
05/07/2023 - 15:32
5 năm trôi qua, mẹ vợ tôi mới chịu nhìn mặt cháu gái

Hình minh họa

Con gái lớn quá nhanh khiến tôi bối rối. Nó đã biết ngước đôi mắt trong veo lên hỏi rằng “Bố ơi tại sao nhà chỉ có mỗi chúng ta?”...

Nay tôi đi xin cho con gái học để chuẩn bị vào lớp 1 các bố mẹ ạ. Đã quen cảnh gà trống nuôi con suốt 5 năm, nhưng quả thực đến giờ ngồi ngắm con ngủ tôi vẫn thấy xót. Thương mình 1 thì thương con 10, nó xinh ngoan đáng yêu như thế mà số phận thì quá trớ trêu.

Vợ tôi qua đời ngay sau khi sinh Sữa. Cô ấy chỉ kịp nhìn mặt con một lúc rồi vĩnh biệt bố con tôi mãi mãi. Tôi đau đớn lắm, không một ngày nào tôi quên khoảnh khắc vợ ra đi. Rất nhiều lần tôi nghĩ đến chuyện dại dột nhưng tiếng con khóc đã giúp tôi bừng tỉnh. Từng ngày trôi qua trong khó khăn, vậy mà con bé vẫn kiên cường ở cạnh bố.

Không có mẹ bên cạnh mà Sữa chẳng hề quấy tí nào. Dường như con bé biết có mỗi mình bố chăm lo nên nó rất ngoan và hiểu chuyện. Tôi vẫn nhớ lúc mẹ nó mới mất, cả nhà tôi náo loạn hết lên. Mẹ vợ gào khóc mắng chửi tôi ngay trong bệnh viện. Bà đổ lỗi do tôi nên con gái bà mới ra đi tức tưởi như thế. Tôi biết phụ nữ sinh đẻ là cửa tử, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mất vợ chỉ sau một đêm. Con tôi bé tí, đỏ hỏn, chỉ ọ ẹ vài tiếng vì đói trong khi người lớn xung quanh hỗn loạn như chợ vỡ.

Tôi phải đi khắp nơi xin sữa của những bà mẹ khác cho con. Ban đầu thấy ngại, nhưng càng về sau tôi càng không quan tâm đến ánh nhìn của ai nữa. Chỉ cần con bú no thì mọi thứ tôi đều hi sinh được.

Ông bà nội cũng dắt díu nhau từ quê lên phụ chăm cháu. Họ thương Sữa lắm nên cái gì cũng tỉ mẩn. Từ nước lá tắm cho đến đồ ăn thức uống mỗi bữa, ông bà đều chuẩn bị rất kỹ mới cho cháu dùng.

Khi Sữa bắt đầu ăn dặm thì bà nội đeo kính thức đêm lên mạng xem công thức làm bột với cháo. Bà bảo giờ hiện đại không giống như nuôi tôi ngày xưa. Bà muốn cháu khỏe mạnh nên cố gắng học hỏi mọi thứ để chăm sóc thay phần mẹ Sữa.

Bao nhiêu đêm tôi ngồi ôm mẹ khóc. Dù ra ngoài kiếm tiền mạnh mẽ bao nhiêu thì về nhà nhìn bố mẹ và con gái nhỏ tôi yếu lòng lắm. Vừa nhớ vợ vừa thương gia đình mình. Tôi cũng tự trách bản thân vì chuyện khiến vợ mang bầu ngoài ý muốn. Nếu nghe lời vợ để chậm thêm chút nữa, chuẩn bị tốt hơn, biết đâu vợ tôi đã không gặp sự cố…

Thoắt cái Sữa đã biết đi biết nói. Khi dịch Covid xảy ra, tôi nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự. Khi ấy tôi khủng hoảng lắm. Nghỉ việc rồi lấy đâu tiền mua bỉm mua sữa, quần áo, đồ chơi, thuốc men cho con đây? Bên ngoại vẫn giận tôi nên không hỗ trợ bất kỳ thứ gì. Chỉ có mỗi dì của Sữa âm thầm liên lạc với tôi, hỏi thăm cháu gái và ngắm cháu qua những bức ảnh tôi gửi. Biết tôi mất việc, dì tìm cách qua nhà lén đưa ít tiền và đồ dùng cho Sữa. Tôi không có tư cách để sĩ diện nên đành phải nhận hết.

Sinh nhật Sữa 4 tuổi, lần đầu tiên ông ngoại gọi cho tôi và nói muốn gửi quà cho con bé. Tôi vui vẻ mời ông đến dự tiệc tại nhà nhưng ông từ chối. Ông ngập ngừng nói rằng mẹ vợ tôi vẫn giận lắm. Bà không cho phép nhắc đến bố con tôi trong nhà. Chỉ cần ai đó hỏi con rể với cháu ngoại là bà sẽ không kiểm soát được cảm xúc.

5 năm trôi qua mẹ vợ tôi mới chịu nhìn mặt cháu gái - Ảnh 1.

Tôi rất hiểu và thông cảm cho điều đó. Tôi không dám mong mẹ vợ sẽ tha thứ cho mình, bởi bà có quyền ghét tôi đến cuối đời. Hồi yêu nhau bà đã phản đối vì nghĩ tôi không thể mang lại hạnh phúc viên mãn cho con gái bà. Song chúng tôi vẫn cố chấp ở bên nhau, rồi kết cục bây giờ tôi là người ân hận nhất. Tôi đã cố gắng rất nhiều để sống lạc quan hơn, sống vì con gái, vì nó là bảo bối duy nhất vợ để lại trên đời.

Tôi luôn mong Sữa sẽ có tất cả những gì tốt đẹp nhất nhưng thực sự con bé thiếu một gia đình trọn vẹn. Bà nội nói với tôi rằng con bé đã lớn hơn và biết nhiều thứ hơn tôi nghĩ. Khi Sữa bắt đầu đi học mẫu giáo, trò chuyện với bạn bè và những đứa trẻ khác gặp gỡ bên ngoài, nó đã biết hỏi những câu khiến tôi cứng họng không biết trả lời thế nào.

“Mẹ của con đâu hả bố?”

“Mẹ con là ai?”

“Tại sao mẹ không ở với bố con mình?”

“Tại sao ngày nào cũng là bà nội đến đón con mà không phải mẹ như bạn Tôm bạn Ốc?”

“Bố giấu mẹ con ở đâu rồi?”

“Bố gọi cho mẹ đi, con muốn gặp mẹ”

Đã có lần dỗ con bé ngủ xong tôi ra ban công khóc. Nghe thật chán phải không. Chắc các mẹ sẽ cười tôi là một ông bố bánh bèo. Nhưng thực sự nhìn con bé ngước đôi mắt ngây thơ lên và thắc mắc lý do ngôi nhà chỉ có 2 bố con và ông bà nội khiến tôi đau khổ vô cùng.

Rồi Sữa sắp sửa lên lớp 1. Dì con bé nhắn tin hỏi tôi có muốn đến đám giỗ của vợ tôi không. Bà ngoại con bé có vẻ đã nguôi ngoai. Đôi lần dì của Sữa cố ý cho bà xem những bức ảnh xinh xắn của con bé khiến bà cũng muốn ôm nó trong tay. Dì kể bà vừa ngắm ảnh Sữa vừa khóc, bà bảo nó có đôi mắt nâu long lanh của mẹ. Bà cũng suy nghĩ rất nhiều, bà thú nhận rằng trách móc tôi suốt mấy năm trời chỉ vì bà muốn tìm ai đó đổ lỗi cho mất mát không thể bù đắp trong lòng. Chẳng ai muốn mẹ Sữa ra đi đột ngột như thế, nhưng mọi thứ đã xảy ra rồi chẳng thể cứu vãn được. Có chửi mắng tôi thêm nữa thì vợ tôi cũng không sống lại được. Thời gian trôi qua rất lâu bà mới chịu chấp nhận hiện thực và muốn gặp lại con rể.

Tôi mặc đồ thật đẹp cho Sữa rồi chở con bé qua nhà ngoại. Lần đầu tiên nó gặp gỡ ông bà ngoại nên có vẻ sợ hãi, nép chặt sau lưng bố. Tôi đã giới thiệu sơ qua cho Sữa biết mọi người trong nhà, nhưng con bé vẫn tỏ ra lo lắng. Đứa trẻ này bình thường luôn tự tin hoạt bát lắm. Vậy mà lần đầu gặp ông bà ngoại nó lại bối rối đến vậy.

Tôi bế Sữa lên thắp hương cho mẹ. Con bé đã nhìn thấy nhiều bức ảnh của mẹ rồi nhưng nó vẫn ngạc nhiên khi đứng trước bàn thờ. Tới bữa cơm, nó thắc mắc tại sao bà ngoại lại khóc. Bà liền buông đũa quay sang ôm chặt lấy Sữa và khóc. Cả nhà cũng rơm rớm theo.

Vậy là con gái của chúng tôi đã có một gia đình trọn vẹn như mong ước rồi. Từ nay Sữa đã có đủ ông bà nội ngoại, chúng tôi sẽ bù đắp thay phần thiếu vắng của mẹ con bé. Tôi không phải người cha hoàn hảo nhưng chỉ cần con bé hạnh phúc thì thế nào cũng được. Thật biết ơn khi bà ngoại Sữa tha thứ cho tôi…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm