pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 quận trung tâm của Hà Nội được sáp nhập phường, xã thế nào?
Nhiều phường ở Hà Nội có diện tích nhỏ nhưng dân số đông. Ảnh minh họa
Cụ thể, phương án sáp nhập của thành phố như sau:
Quận Đống Đa: sáp nhập phường Khâm Thiên và Trung Phụng; một phần phường Ngã Tư Sở nhập vào Khương Thượng và một phần nhập vào Thịnh Quang; một phần phường Trung Tự vào Phương Liên và một phần vào Kim Liên.
Quận Hai Bà Trưng: phường Đồng Nhân và Đống Mác thành đơn vị hành chính mới. Một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa, còn lại sáp vào phường Thanh Nhàn. Phường Quỳnh Lôi được sáp nhập vào Bạch Mai.
Tại quận Thanh Xuân, 4 phường được đề xuất sáp nhập thành 2 phường: Thanh Xuân Bắc với Thanh Xuân Nam, Hạ Đình với Kim Giang.
Quận Hà Đông, thành phố dự kiến sáp nhập 3 phường Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung thành đơn vị hành chính mới.
Tại quận Long Biên, 3 phường được sáp nhập để giảm còn 2 phường. Trong đó, một phần diện tích phường Sài Đồng dự kiến sáp nhập vào Phúc Đồng và phần còn lại vào phường Phúc Lợi...
Thành phố cho hay phần lớn phường sau khi sáp nhập vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, nhưng do các yếu tố đặc thù nên không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cho biết có những đơn vị hành chính dù diện tích nhỏ, dân số lớn nên thuộc diện phải sắp xếp, nhưng không được thực hiện trong 2 năm tới. Cụ thể như quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên 5,35km2 nhưng dân số hơn 212.000 người; quận Đống Đa có diện tích 9,94km2 nhưng dân số là 325.000 người…
Với thị xã Sơn Tây, phương án sáp nhập 3 phường vào 1 gồm: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung.
Tại các huyện, Ứng Hòa có số xã giảm lớn nhất khi nhập 14 xã thành 5 xã (giảm 9); Thường Tín, Đan Phượng và Quốc Oai cùng giảm 4 xã. Thị xã Sơn Tây giảm 2 phường do nhập phường Lê Lợi, phường Ngô Quyền và phường Quang Trung thành một phường mới.
Sau khi sắp xếp, thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 12 quận, một thị xã) và dự kiến có 509 đơn vị hành chính cấp xã (321 xã, 168 phường, 20 thị trấn).
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết sau khi sắp xếp, thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn.
Dự kiến phương án này sẽ được trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 3. Sau đó, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.