5 sự kiện y tế nổi bật năm 2016

15/12/2016 - 11:35
Em bé đầu tiên ra đời nhờ mang thai hộ; bác sĩ mổ trên gác xép cứu sống thai phụ nguy kịch; Việt Nam sản xuất được vaccine phòng Sởi-Rubella... là những sự kiện y tế nổi bật năm 2016.
Trong năm 2016, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những tồn tại. Sau đây là những sự kiện y tế tiêu tiểu và tai tiếng của y tế Việt Nam trong năm 2016, do PNVN bình chọn:
 
1. Em bé đầu tiên ra đời nhờ mang thai hộ

Lúc 7h20 ngày 22/1, em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ đã chào đời tại BV Phụ sản TƯ, bằng kỹ thuật mổ sinh. Đến nay, cả ước đã có gần 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt, trong đó hơn 30 trường hợp đã sinh con. Hiện tại, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản TƯ, BV Từ Dũ (TPHCM) và BV TƯ Huế.
em-be-mth.JPG
Bé Đinh Quỳnh Anh, em bé đầu tiên ra đời nhờ mang thai hộ tại BV Phụ sản TƯ, phát triển rất tốt
2. Mổ trên gác xép cứu bà bầu vỡ thai ngoài tử cung

Ngày 13/12, Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình nhận được điện thoại cấp cứu của bệnh nhân N.T.M (46 tuổi, TP Thái Bình). Khi xe cứu thương tới, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, da trắng bệch, bụng đau và chướng căng, mạch và huyết áp không đo được. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị vỡ khối thai chửa ngoài tử cung nên chỉ định mổ cấp cứu và gọi về trung tâm xin hỗ trợ. Tổng cộng đã có 6 chuyến xe chở các bác sĩ và nhân viên y tế của BV Phụ sản Thái Bình, BV Đa khoa Thái Bình đến cấp cứu cho bệnh nhân. 

Do bệnh nhân nằm ở gác xép tầng 3, lối di chuyển từ cầu thang lên gác xép khó khăn, chật hẹp nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật tại chỗ. Kíp mổ dùng băng cứu thương làm bàn mổ, dùng 1 bàn gỗ để đựng dụng cụ phẫu thuật, lấy đèn bàn học sinh chăng dây treo lên cao làm đèn mổ, chiếu đèn pin trên điện thoại để tăng cường ánh sáng. Sau gần 1 tiếng thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công.
mo1-3423-1481612897-1.jpg
Các bác sĩ mổ trên gác xép cứu thai phụ bị vỡ thai ngoài tử cung
Trước đó, ngày 13/3/2016, Trung tâm cũng đã mổ tại nhà cứu sống bệnh nhân Lương Thị Vân (huyện Kiến Xương, Thái Bình) bị vỡ thai ngoài tử cung. Đây cũng là 1 ca mổ hi hữu 'tác chiến' tại chỗ với bàn mổ là băng ca cấp cứu, cọc truyền, đèn soi, máy sưởi từ Trạm Y tế xã, thau chậu từ gia đình người bệnh. Các bác sĩ phải thấm máu bằng bông gạc, dùng tay thay nhau bóp bóng hỗ trợ thở cho bệnh nhân.

3. Sản xuất thành công vaccine phối hợp Sởi-Rubella

Ngày 8/11, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Bộ Y tế) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phối hợp sởi-rubella. Đây là vaccine sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.
171543_vac_xin.jpg
Vaccine Sởi-Rubella do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng từ năm 2017
4. Ghép tạng xuyên Việt

Ngày 5/6, BV Việt Đức (Hà Nội) và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thực hiện thành công 2 ca ghép tạng xuyên Việt. Trước đó, 1 bệnh nhân bị chết não do tai nạn giao thông tại TPHCM đã hiến tạng. BV Chợ Rẫy thực hiện ghép 2 quả thận, giác mạc.

Còn BV Việt Đức đã cử cán bộ vào TPHCM lấy tạng, rồi chạy đua với thời gian, thực hiện thành công ca ghép tim và gan cho bệnh nhân. Đây là ca ghép đặc biệt, bởi ngoài quãng đường di chuyển gần 2.000km còn do bệnh nhân cho tạng đã chết não ngày thứ 5. Trong khi thế giới khuyến cáo, thời gian lấy tạng tốt nhất là 13 tiếng kể từ thời điểm chết não.  
img_2146.JPG
Một bệnh nhân được ghép tạng tại BV Việt Đức
Sau sự kiện này, hàng ngàn người đã đăng ký hiến tạng. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ. Trước đó, vào năm 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đăng ký hiến tạng.

5. Lần đầu tiên dùng robot phẫu thuật nội soi cho người lớn

Ngày 10/12, BV Bình Dân (TPHCM) công bố thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot và khánh thành khu phẫu thuật bằng robot. Đây là hệ thống robot phẫu thuật đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam.
 
Robot phẫu thuật tại BV Bình Dân là hệ thống robot daVinci do Mỹ sản xuất. Đây là hệ thống Robot phẫu thuật hiện đại nhất hiện nay, cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.
acv.jpg
 Ông Nguyễn Văn Tu (64 tuổi), ở Quảng Ngãi, là bệnh nhân đầu tiên được robot phẫu thuật u đại trực tràng
Được biết, hệ thống robot phẫu thuật rất hiệu quả đối với điều trị u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật, bắc cầu động mạch vành, chỉnh sửa van tim...

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng trong năm 2016, ngành y tế vẫn còn nhiều tồn tại, điển hình nhất là vụ Bảo vệ BV Nhi TƯ chặn xe cứu thương. Đầu tháng 7/2016, trên mạng xã hội xuất hiện video clip bảo vệ BV Nhi TƯ ngăn cản xe cứu thương vận chuyển 1 bệnh nhân ở Nghệ An đang “hấp hối” khiến dư luận bức xúc. Ngay sau đó, BV Nhi TƯ đã nhận lỗi và xin lỗi người dân.

Bộ Y tế đã chỉ rõ 7 dịch vụ "chặt chém" người bệnh, gồm: Bảo vệ; dịch vụ vận chuyển, xe cứu thương; các điểm trông giữ xe; căng-tin; giặt là; dịch vụ mai táng và bảo quản tử thi. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải đấu thầu công khai, minh bạch các dịch vụ trên để người dân biết và lựa chọn những gói dịch vụ phù hợp với túi tiền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm