5 sự kiện y tế nổi bật năm 2024

Anh Đào (Tổng hợp)
30/12/2024 - 15:12
5 sự kiện y tế nổi bật năm 2024

Năm 2024, vaccine ngừa HPV được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Ảnh minh họa

Năm 2024 có nhiều quyết sách, điều luật tác động lớn tới y tế, hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

1. Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Dược (sửa đổi). Đây là hai Luật có tác động lớn đến hoạt động khám chữa bệnh của người dân, giải quyết nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu trong quy định thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), kinh doanh mua sắm thuốc...

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Luật BHYT (sửa đổi) sẽ xóa bỏ "địa giới hành chính" theo tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT, chi trả 100% mức hưởng bảo hiểm cho người bệnh tại các cơ sở y tế thay vì phân cấp như trước, cho phép điều chuyển thuốc BHYT giữa các bệnh viện, thanh toán lại chi phí bệnh nhân mua thuốc ngoài bệnh viện khi thiếu thuốc... 

Luật mới cũng giải quyết tình trạng giấy chuyển viện, phân cấp BHYT theo hạng tồn tại nhiều năm, gây thiệt thòi và phiền phức cho bệnh nhân.

Còn Luật Dược (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 (một số quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm thuốc, giúp người dân dễ tiếp cận thuốc mới. 

Đồng thời, Luật có nhiều quy định siết và minh bạch giá thuốc, hỗ trợ dược nội địa phát triển, chống đầu cơ đội giá qua các tầng trung gian, cấm bán online thuốc kê đơn.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở, khoảng 10% tùy loại dịch vụ. Bộ Y tế đánh giá mức điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến người dân, bởi người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%.

2. Quốc hội thông qua việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đây là lần đầu tiên vấn đề cấm thuốc lá điện tử được đặt ra tại nghị trường và đạt được sự thống nhất cao từ các đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử. 

Trong khi 2 năm 2022 và 2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận gần 130 ca. Hầu hết các ca này đều ở độ tuổi rất trẻ, là học sinh, sinh viên.

3. Được ban hành vào ngày 15/8/2024, Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ một trong những yêu cầu đối với Bộ Y tế là tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số, báo cáo Chính phủ.

Bộ Y tế tiếp tục đưa ra đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho các cặp vợ chồng. 

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức sinh tại nhiều địa phương tiếp tục giảm. Đặc biệt là 21 địa phương khu vực phía Nam, nơi mà mức sinh giảm đáng báo động.

4. Trong năm 2024, Bộ Y tế và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đề xuất, lấy ý kiến về việc đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Tuy đến nay việc này chưa có kết luận nhưng sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế trong năm qua một lần nữa cho thấy các vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ đang ngày càng được quan tâm.

Năm 2024, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung (HPV) đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho phụ nữ. Bộ Y tế đã mở rộng chỉ định tiêm vaccine Gardasil 9 ngừa HPV cho người 27-45 tuổi, áp dụng từ ngày 10/5. 

Theo đó, thay vì giới hạn 9-26 tuổi như trước, Bộ Y tế cho phép người từ 27 đến 45 tuổi có thể tiêm vaccine HPV, không bắt buộc phải có sự tham vấn y khoa.

5. Năm 2024, lần đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, kỹ thuật thông tim can thiệp cho thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh được triển khai thành công ngay trong bụng mẹ, do các y, bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) phối hợp thực hiện. 

Có 5 trường hợp đã được can thiệp thành công. Kỹ thuật này đòi hỏi tay nghề cao của bác sĩ, hiện chỉ vài nơi trên thế giới thực hiện được.

Trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh đều phải chờ đến khi em bé ra đời, nuôi đến lúc nặng vài kg mới can thiệp được. Không ít trẻ đã tử vong trong bụng mẹ hoặc khi chào đời, tim đã hỏng nặng, dù can thiệp nhiều lần cũng khó trở lại bình thường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm