pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 vấn đề xương khớp đáng "báo động" do sử dụng máy tính thường xuyên
Máy tính, nhất là máy tính xách tay cùng với thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng đã trở nên thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Ngồi nhiều giờ ở bàn làm việc không chỉ mệt mỏi, vì làm việc quá sức có thể dẫn đến kiệt sức, mà còn có thể tàn phá cơ thể. Mọi người, từ người lớn tới trẻ nhỏ khi sử dụng máy tính thường xuyên có thể gặp phải nhiều vấn đề liên quan tới xương khớp như thoái hóa, chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại,...
Dưới đây là một số vấn đề xương khớp có thể gặp do sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử thường xuyên:
1. Thoái hóa đốt sống cổ
Không chỉ phổ biến ở người lớn tuổi mà thoái hóa đốt sống cổ đang dần phổ biến hơn ở người trẻ độ tuổi 30, những người có thói quen ngồi làm việc hàng giờ trước máy tính và ít vận động dẫn tới các tổn thương liên quan tới đốt sống cổ.
Điều này được giải thích là do khi làm việc, vùng cổ và vùng gáy không thường xuyên được cử động hoặc chỉ giữ nguyên ở một tư thế hay ngồi sai tư thế (tay đặt trên bàn làm việc/máy tính quá cao hoặc quá thấp; cúi đầu hoặc duỗi cổ về phía trước, điều này tạo ra sức căng lên cơ và dây chằng cổ). Theo thời gian có thể gây ra thoái hóa các khớp, đĩa đệm và cấu trúc xung quanh cột sống cổ.
Triệu chứng: Trong thời gian đầu bị bệnh thì hầu hết sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ thường gặp bao gồm đau mỏi, khó khăn khi vận động vùng cổ (cứng cổ), thậm chí là các cơn đau buốt ngay cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ có thể lan tỏa từ vùng cổ sang tai, đầu, bả vai và cánh tay ở một hoặc cả hai bên kèm theo cảm giác tê ran do dây thần kinh bị chèn ép.
2. Hội chứng Text Neck
Text neck hay còn được gọi là chứng đau cơ cổ, đây là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng đau nhức, cứng khớp và thậm chí là chấn thương do cúi đầu xuống để nhìn vào thiết bị điện tử thường xuyên trong thời gian dài.
Vì đầu người trung bình nặng từ 10 đến 12 pound (tương đương từ 5 đến 6kg), nên việc cúi đầu về phía trước để nhìn màn hình sẽ làm tăng trọng lượng thực tế lên cổ, dẫn tới đau đớn và căng thẳng do dây thần kinh bị chèn ép kèm theo căng cơ và thậm chí là lệch cột sống cổ. Theo Times of India, sự căng thẳng đè lên cổ khi nhắn tin hoặc xem trên các thiết bị cầm tay trong thời gian dài tương đương với việc bạn phải vác một đứa trẻ 8 tuổi trên vai trong 2 - 4 giờ.
Triệu chứng: Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà triệu chứng Text Neck ở mỗi người sẽ có sự khác biệt. Những người mắc phải tình trạng này thường cảm thấy đau nhói và âm ỉ ở cổ và vai; nhức đầu; đau mỏi ở phần lưng trên; hội chứng khớp thái dương hàm; ngứa ra hoặc tê ở bên tay; viêm gân chóp xoay;...
3. Chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại (Repetitive Strain Injury - RSI)
Chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại (chấn thương căng cơ lặp đi lặp lại) là sự tích tụ dần dần các tổn thương cơ, gân và dây thần kinh ở cổ tay, bàn tay, cẳng tay, khuỷu tay, cổ và vai do các chuyển động lặp đi lặp lại - thường gặp ở người thường xuyên sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử duy trì một tư thế trong thời gian dài.
Điển hình của tình trạng này là hội chứng ống cổ tay, viêm bao hoạt dịch, viêm gân cổ tay quay, chấn thương khuỷu tay.
Hay nói cách khác, các động tác lặp lại nhiều lần như gõ phím, sử dụng chuột máy tính hay giữ tư thế ngồi cố định trong thời gian dài có thể tạo ra sức ép liên tục lên cùng một nhóm cơ hoặc dây chằng, dẫn đến viêm, đau và tổn thương theo thời gian.
Triệu chứng: Người bị RSI thường gặp các triệu chứng như cơn đau đớn khó chịu từ nhẹ tới nghiêm trọng; cứng khớp và sưng khớp; tê hoặc ngứa ran; nhạy cảm với nóng/lạnh; yếu cơ;...
4. Loãng xương cột sống
Ngồi máy tính thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương vì liên quan tới việc thiếu hoạt động thể chất, điều này rất quan trọng trong việc duy trì mật độ xương khỏe mạnh. Hoạt động thể chất, đặc biệt là các bài tập mang trọng lượng như đi bộ hay chạy, thúc đẩy quá trình tái tạo xương, giúp xương chắc khỏe hơn. Khi ngồi lâu mà không vận động, cơ thể không nhận được kích thích này, dẫn đến mất mật độ xương dần dần và tăng nguy cơ loãng xương.
Hơn nữa, khi duy trì ngồi ở tư thế xấu trong thời gian dài có thể gây áp lực không đều lên cột sống, đẩy nhanh quá trình giảm/mất mật độ xương ở cột sống và làm tăng nguy cơ loãng xương, khiến xương yếu hơn và dễ gãy hơn hoặc biến dạng cột sống.
Triệu chứng: Loãng xương khiến một người dễ bị đau lưng; giảm chiều cao; biến dạng cột sống gây gù (còng) lưng; dễ bị gãy xương dù chỉ là một chấn thương rất nhẹ.
5. Đau lưng dưới và thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Ngồi trong thời gian dài, đặc biệt là ở tư thế khom lưng hoặc lưng không được hỗ trợ đúng cách về mặt công thái học có thể gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng đau lưng dưới và nguy cơ thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm: Đau nhức tay hoặc chân đột ngột sau đó lan rộng hơn ra vùng vai gáy và chân tay. Cơn đau do thoát vị đĩa đệm thường âm ỉ vài ngày tới vài tuần, vài tháng hoặc cũng có thể là cơn đau nhói dữ dội, đau tăng lên khi vận động và giảm nhẹ khi nghỉ ngơi. Ngoài đau đớn thì người bị thoát vị đĩa đệm cũng có thể bị tê bì tay chân, yếu cơ, thậm chí là teo cơ, liệt chi nếu không được can thiệp sớm.
Bạn cần làm gì?
Trước tiên, khi phát hiện có những triệu chứng cơ khớp bất thường, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp với bản thân. Nhiều người thường lựa chọn thuốc giảm đau không kê đơn tại nhà nhưng nếu lạm dụng trong thời gian dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh cơ xương khớp do sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài, hãy đảm bảo thực hiện theo quy tắc 20 - 20 - 20; có nghĩa là cứ mỗi 20 phút, hãy rời mắt khỏi màn hình và nhìn vào một vật cách xa khoảng 20 feet (tương đương 6,1 mét) trong ít nhất 20 giây.
Đồng thời điều chỉnh sao cho bản thân có cách ngồi máy tính đúng tư thế hay sử dụng điện thoại ở tư thế phù hợp. Theo đó, không nên ngồi vắt chéo chân; ghế ngồi và đầu gối nên uốn cong xuống dưới 1 góc hơn 90 độ một chút; lựa chọn ghế có độ sâu vừa phải, không quá võng có thể dẫn tới căng cơ và đau lưng; khi đánh máy nên để cánh tay gập 1 góc 90 độ và không nên tì tay vào bàn phím; đặt mắt đúng vị trí ngang với màn hình, màn hình máy tính nên cách mắt khoảng 50 cm.
Cuối cùng, cứ sau khoảng 2 giờ làm việc hãy đứng lên vươn vai và đi lại quanh bàn làm việc để giúp quá trình lưu thông máu được diễn ra tốt hơn.