pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 vết thương lòng thời thơ ấu trở thành vết hằn sâu khi trưởng thành
Quá khứ tạo nên hiện tại, và chính những gì chúng ta trải qua trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta khi trưởng thành.
Có những vết thương đến từ thời thơ ấu vẫn âm thầm đi theo chúng ta cho đến hiện tại, và nó đôi khi trở thành một vết hằn sâu tâm lý mà chính bản thân chúng ta đôi khi không thể nhận ra được. Hơn nữa, những vết thương tâm lý này còn có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta tương tác với các mối quan hệ và cách chúng ta đối mặt với nghịch cảnh.
1. Bị bỏ rơi
Cô đơn chính là điều tồi tệ nhất với bất kỳ ai từng bị bỏ rơi khi còn nhỏ. Những người sợ cô đơn dễ có xu hướng từ bỏ người bạn đời hay những dự án của họ trước vì họ sợ mình sẽ là người bị bỏ rơi.
Những người từng bị bỏ rơi trong thời thơ ấu phải luôn cố gắng chống chọi với nỗi cô đơn và những rào cản vô hình của họ với sự tiếp xúc cơ thể với người khác. Đồng thời, người bị bỏ rơi vào thời thơ ấu thường không cảm thấy an toàn và gắn bó với bất kỳ ai. Họ có xu hướng sẽ luôn là người rời đi trước khi bị rời bỏ vì những ám ảnh tâm lý thời thơ ấu.
2. Bị từ chối
Bị từ chối khi còn nhỏ là một vết thương lòng rất sâu và có thể kéo dài. Cảm giác bị từ chối mang đến sự xấu hổ, tủi thân. Và nếu vết thương này đi theo chúng ta đến trưởng thành thì chúng ta có thể trở thành những người tự ti, sợ nói ra những gì mình muốn.
Khi bị cha mẹ, gia đình hay bất cứ ai thân thiết từ chối vào thời thơ ấu, điều này nảy sinh nhiều suy nghĩ về sự từ chối và sự vô giá trị. Những người trải qua trải nghiệm đau đớn này đều cảm thấy không nhận được tình yêu và sự thấu hiểu từ người khác, và họ sẽ tự cô lập bản thân mình.
Những người này lớn lên có xu hướng trở thành một người cô độc, khó đoán.
3. Bị xúc phạm hoặc chê bai
Bằng cách liên tục bị chê xấu, vụng về, béo… cũng như nói ra những vấn đề của trẻ con trước mặt người khác đã phá hủy lòng tự trọng của một đứa trẻ.
Vết thương lòng này sẽ đi theo đứa trẻ đến khi trưởng thành, và chúng có thể trở nên độc tài, ích kỷ như một cơ chế phòng vệ cho bản thân. Thậm chí, những người từng liên tục bị xúc phạm hay chê bai ngày còn nhỏ có thể có xu hướng xúc phạm người khác như một cách bảo vệ chính mình.
4. Bị phản bội
Khi một đứa trẻ bị phản bội, chủ yếu là do cha mẹ không thực hiện lời hứa, sẽ tạo nên tâm lý sợ hãi khi tin tưởng người khác. Từ việc thiếu niềm tin có thể chuyển hóa thành sự ghen tỵ và những cảm giác tiêu cực khác, vì đứa trẻ có thể sẽ có cảm giác bản thân không xứng đáng.
Những người bị phản bội hay bị thất hứa thường xuyên khi còn nhỏ có thể lớn lên sẽ trở thành những người thích kiểm soát. Họ sẽ luôn muốn mọi thứ theo ý mình và không thực sự tin tưởng người khác hoàn toàn.
5. Bị đối xử bất công
Những đứa trẻ lớn lên với sự bất công thường là có cha mẹ hoặc người đỡ đầu lạnh lùng và độc đoán. Trong thời thơ ấu, nếu thường xuyên bị đối xử bất công thì những người này lớn lên sẽ trở thành những người cứng nhắc, luôn cố tỏ ra quan trọng và cố gắng nắm nhiều quyền lực nhất.
Những người phải chịu sự bất công trong thời thơ ấu có một thái độ cực đoan với trật tự và sự hoàn hảo. Bên cạnh đó, những người này thường có xu hướng bất mãn với mọi thứ khi trưởng thành.