Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc.
Bởi vậy, trước lúc đi xa Người không chỉ để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn, một sự nghiệp lớn mà Người còn để lại bản Di chúc lịch sử. Mặc dù Người viết rằng: “để lại mấy lời” và “chỉ nói tóm tắt vài việc thôi” nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Những dòng đầu tiên của bản Di chúc lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đặt bút viết vào ngày 10/5/1965. Khi đó Người đã bước sang tuổi 75 - tuổi "xưa nay hiếm" như cách nói của nhà thơ Đỗ Phủ (đời Đường - Trung Quốc).
Chọn một ngày đẹp trời trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, khi sức khỏe còn rất tốt và trí tuệ minh mẫn, Người đã viết những lời căn dặn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Từ ngày 10 đến 14/5/1965, mỗi ngày Người dành khoảng 1 tiếng để viết và hoàn thành bản Di chúc gồm 3 trang, do Người tự đánh máy, gồm cả phần đầu, phần giữa và phần cuối và Người ký tên vào đó.
Nhà nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, phân tích: “Bản Di chúc của Bác Hồ được viết trong 5 năm vào lúc Người mạnh khỏe, sáng suốt và minh mẫn. 5 năm ấy, Bác để lại có 10 trang viết nhưng trong 10 trang ấy chúng ta đọc lại có thể thấy rằng Bác không quên một ai và không quên một việc gì. Cho nên Di chúc chúng ta đều thống nhất đánh giá đây là một bản tổng kết thực tiễn, định hướng tương lai và là một cẩm nang cho Đảng ta trong quá trình tiếp tục tiến lên phía trước".
Những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đồng thời thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Đó là tư tưởng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; Thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Kiên định mục tiêu đi lên xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Thị Chín, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng: Trong bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên là nói về Đảng. Đó cũng là vấn đề Người trăn trở trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Quán triệt tư tưởng của Người, vấn đề đoàn kết trong Đảng luôn được Đảng ta quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Đó là một bằng chứng mạnh mẽ khẳng định giá trị thực tiễn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bằng chính tấm gương sáng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và tình đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng. Người yêu cầu, “Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt Đảng. Đảng cầm quyền có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới- xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Doãn Thị Chín cho biết.
Một tư tưởng nổi bật trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng trọng dân, thân dân. Thực hiện di nguyện của Bác, Đảng đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: để đất nước phát triển bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên thì Đảng càng phải thấm nhuần tư tưởng trọng dân, thân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phải luôn luôn xác định mục tiêu, ý chí và nhiệm vụ chính trị của Đảng là phục vụ nhân dân:“Quan trọng nhất lúc này là chăm lo đời sống nhân dân, bởi vì đấy là tiền đề vật chất để tiến tới việc giáo dục tư tưởng chính trị. Thứ hai, làm sao như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: chăm lo không chỉ dân sinh mà còn dân trí, dân quyền. Có hiểu dân, hành động vì dân thì dân mới tin theo. Cho nên có lần Bác tổng kết: bí quyết thành công của cách mạng là ở chỗ là làm cho dân tin tưởng, dân giác ngộ, dân yêu mến, dân ủng hộ thì dân sẽ bảo vệ. cho nên phải lấy sức mạnh từ trong lòng dân. Đấy chính là thành trì vững chắc của cách mạng”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng. Ở đó, Người đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Nhưng bao trùm lên toàn bộ nội dung Di chúc là hai chữ “Đảng” và “Dân”. Đây cũng chính là mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời của Người. Đó là bằng chứng mạnh mẽ khẳng định giá trị lịch sử vô giá, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của một Văn kiện lịch sử.