6 chữ cha mẹ thường xuyên nói chỉ gây hại cho con

Hiểu Đan
04/08/2023 - 22:28
6 chữ cha mẹ thường xuyên nói chỉ gây hại cho con
Là cha mẹ, chúng ta thường nhượng bộ để chiều lòng con, nhưng về lâu dài, điều này chỉ gây hại cho con.

Một cư dân mạng ở Trung Quốc mới đây chia sẻ: "Mấy hôm trước đi thang máy, tôi thấy cặp vợ chồng trẻ, người vợ đang mang bầu khoảng 6, 7 tháng. Sau đó, có bà mẹ và đứa trẻ bước vào. Đứa trẻ khoảng 5 tuổi, vừa vào trong, nó đã nhìn chằm chằm vào bụng của người phụ nữ mang thai và không kìm được, sờ tay vào một chút.

"Đứa bé trong bụng dì không thích bị chạm vào", bà bầu cười nói. Không ngờ, đứa trẻ vẫn vừa cười rồi đấm vào bụng chị. Người chồng đứng bên cạnh, vừa cầm tay đứa trẻ, vừa tức giận mắng vài câu.

Mẹ của cậu bé đang nghịch điện thoại vội vàng bảo vệ con mình: "Ôi, nó còn là một đứa trẻ, có gì mà cãi nhau với nó?". Cửa thang máy mở ra, bà vội vàng dắt con đi, không quên ngoái lại: "Không phải chỉ là mang thai thôi sao, thật là đạo đức giả". Những người còn lại trong thang máy lắc đầu thở dài".

Ai cũng cho rằng, với những bậc cha mẹ như vậy, không biết đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai.

Cha mẹ thường xuyên nói 6 chữ này chẳng khác nào gián tiếp hủy hoại đời con - Ảnh 1.

01. "Nó chỉ là một đứa trẻ"

Khi con cái gây chuyện, luôn có cha mẹ lấy câu nói này làm lá chắn. Trong mắt một số bậc phụ huynh, bất kỳ hành vi nào của con cái đều dễ thương và vô hại, thậm chí bắt nạt những đứa trẻ khác cũng là "giao tiếp bình thường giữa những đứa trẻ".

Trên máy bay, trong nhà hàng thường bắt gặp những đứa trẻ ngỗ nghịch la hét, nhảy lung tung, đá vào ghế người khác... Bản chất trẻ em là hay nghịch ngợm, có những hành vi này là điều bình thường, nhưng trước sự "hoạt bát" quá mức của con cái, một số bậc cha mẹ sẽ không bao giờ kỷ luật, thậm chí nhắc nhở con mình.

Con là một đứa trẻ, nhưng bạn là một người lớn. Nếu trẻ không biết gì, chẳng lẽ ngay cả cha mẹ cũng như vậy?

Một đứa trẻ lớn lên trở thành người như thế nào phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của cha mẹ. Sự hướng dẫn đúng đắn sẽ hình thành nhân cách tốt, đồng thời giúp trẻ có lời nói và lối cư xử chuẩn mực.

Nhiều bậc cha mẹ vì yêu thương, nuông chiều nên sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm con gây ra với lý do "con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện". Tuy nhiên, đây là cách gián tiếp hủy hoại đứa trẻ, khiến trẻ lớn lên có thể trở thành người không có phép tắc.

Khi con mắc lỗi, cha mẹ đã không dạy dỗ, thậm chí còn dung túng cho lỗi lầm đó nên sau này con sẽ không khá hơn.

Từng có chuyện 4 đứa trẻ dưới 10 tuổi cào xe ô tô ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Và chỉ trong 5 phút, 54 ô tô đã bị hư hỏng, chi phí bảo dưỡng vượt quá 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng). 

Hay có 3 đứa trẻ cùng vào thang máy, đứa trẻ 5 tuổi đã nhốt em bé 2 tuổi lại rồi bấm lên tầng 18. Cô bé hoảng sợ nhảy qua hành lang và rơi xuống sân, không qua khỏi...

Hầu hết những đứa trẻ gây rắc rối này đều có những bậc cha mẹ không kỷ luật con cái đúng cách.

Chúng ta có thể theo con cái khi chúng còn nhỏ, nhưng 10 năm nữa thì sao? Đi học rồi ra xã hội thì sao? Sẽ không có ai đi theo và giải quyết những rắc rối mà chúng gây ra cả. Nếu không hướng dẫn đúng đắn cho con cái khi chúng còn nhỏ, xã hội sẽ kỷ luật chúng thay cho chúng ta.

Không phải cuối cùng chính những đứa trẻ phải trả giá cho những sai lầm của chúng sao?

02. Trẻ thành công bắt đầu với kỷ luật tự giác

Cha mẹ là giáo viên đầu tiên và là tấm gương của trẻ. Thành tích của đứa trẻ phản ánh sự giáo dục của gia đình, và hành vi của đứa trẻ phản ánh thói quen, hành vi của cha mẹ.

Để ngăn ngừa tình trạng này, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần nghiêm khắc nhưng vẫn có sự khéo léo trong việc chỉ ra lỗi sai. Hãy phân tích cho trẻ hiểu trẻ sai ở đâu, cách khắc phục ra sao, thậm chí áp dụng hình thức kỷ luật nếu lỗi sai nghiêm trọng. Trẻ cần phải nhận thức rõ lỗi lầm của mình mới có thể tiến bộ được.

Đa số trẻ nhỏ thường nghịch ngợm, hiếu động, chưa phân biệt được điều gì nên và không nên. Vì thế, trẻ cần được cha mẹ uốn nắn sớm bằng cách đặt ra các quy tắc. Những quy định, quy tắc sẽ giúp trẻ trở thành người sống kỷ luật. Đây cũng là yếu tố giúp trẻ sớm thành công trong tương lai.

Tốt hơn hết là cha mẹ nên tạo cho con một sự ảnh hưởng tích cực qua hành động hàng ngày.

Nếu bạn thường nói to ở nơi công cộng, trẻ sẽ không biết tôn trọng là gì. Nếu bạn dễ mất kiểm soát cảm xúc, con bạn sẽ khó thể hiện cảm xúc của mình một cách hợp lý. Nếu bạn thường nuông chiều con, trẻ sẽ không biết thế nào là hành vi phù hợp.

Chúng ta có thể nói với các con: Bố mẹ yêu con rất nhiều, dù con có mắc sai lầm, bố mẹ sẽ mãi yêu con. Nhưng chúng ta cũng cần nói để cho con biết rằng: Con còn nhỏ nhưng không có nghĩa là lúc nào con cũng có thể mắc sai lầm. Thế giới không xoay quanh con, chúng ta phải là người biết tôn trọng người khác thì mới được người khác tôn trọng.

Chìa khóa thành công của một người không nằm ở chỉ số IQ mà là ở tính cách và lối hành xử.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm