Cô gái đạt học bổng "khủng" Trần Thị Diệu Liên và mẹ. (Ảnh Internet) |
Con gái của người mẹ lao công nhận học bổng 7 tỉ đồng vào ĐH Harvard
Trần Thị Diệu Liên - cô gái sinh năm 1997 - cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, đã xuất sắc nhận được học bổng 7 tỷ đồng của trường ĐH danh tiếng Harvard (Mỹ). Nữ sinh 19 tuổi này khiến nhiều người nể phục bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ là lao công và cha làm biển quảng cáo.
Diệu Liên chia sẻ: “Mình không áp lực cũng chưa bao giờ tự ti về xuất phát điểm của mình. Những khó khăn trong quá khứ là yếu tố đã hình thành nên nhân cách và thành công của mình ngày hôm nay. Cách mình vượt qua những khó khăn trong học tập, cách chinh phục những tri thức mới cũng là cách mà mình đang học. Về điều kiện, vật chất, có thể ví dụ như thế này: Việc học tập cũng như tập thể dục, đa số mọi người cứ nghĩ là phải đến trung tâm thể thao hay phòng tập gym với đầy đủ máy móc hiện đại thì mới tốt. Thật ra chúng ta vẫn có thể tập thể dục bằng cách chạy bộ, nhảy dây hay chạy xe đạp... Học cũng như vậy, có điều kiện thì tốt hơn, nhưng nếu mình thật sự muốn làm điều gì đó thì trong điều kiện nào cũng có thể thực hiện được”.
Cô gái vàng Vật lý Đinh Thị Hương Thảo. (Ảnh Internet) |
Nữ sinh 2 năm liền đạt HCV Olympic Vật lý quốc tế
Đinh Thị Hương Thảo (lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) ghi thêm dấu ấn khi liên tiếp trong 2 năm có Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế. Hương Thảo còn nhận giải thưởng đặc biệt của cuộc thi cho nữ sinh xuất sắc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm ngoái, khi còn học lớp 11, Hương Thảo cũng đã “rinh” về chiếc huy chương Vàng cùng giải Đặc biệt dành cho thí sinh nữ có thành tích cao nhất. Thời điểm đó, Thảo cũng nổi bật khi là thành viên nữ duy nhất của đoàn Việt Nam.
Cô gái dân tộc Mông được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh. (Ảnh Internet) |
Cô gái người Mông được Forbes Vietnam vinh danh
Cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Su được tạp chí Forbes Việt Nam chọn vào danh sách “30 under 30”. Tẩn Thị Su là người thành lập Sapa O’Chau (Cảm ơn Sapa) - cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sapa) theo mô hình du lịch cộng đồng.
Sau hơn 8 năm hoạt động, Sapa O’Chau (O’Chau trong tiếng Mông là “Cảm ơn”) đã mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sapa như một cách tạo nguồn thu bền vững với doanh thu lên đến hàng tỉ đồng
Điều đáng nói là Tẩn Thị Su trước đây chỉ là cô bé bán hàng rong cho khách du lịch, lớn lên trong gia đình nghèo khó và chỉ học hết lớp 3. Giờ đây. Su đã trở thành bà chủ của ngôi nhà du lịch ở Sapa, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Tẩn Thị Su cũng thành lập trường học tên Sapa O’Chau để dạy các em nhỏ người dân tộc, đào tạo kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch. Đội ngũ “giáo viên” của Sapa O’Chau chủ yếu là những du khách nước ngoài đến Sapa kết hợp làm tình nguyện nên thời gian làm việc ngắn hạn và không ổn định.
Nam Phương (bìa phải) cùng bà con khánh thành cây cầu Khang Linh. (Ảnh Internet) |
Nữ sinh Oxford xây cầu cho người nghèo
Đinh Thị Nam Phương (23 tuổi, tốt nghiệp cao học ĐH Oxford, Anh), đồng sáng lập Nam Phương Foundation (Quỹ kiến tạo nhịp cầu). Quỹ thành lập từ năm 2013, đồng thời là quỹ từ thiện đầu tiên được lập bởi học sinh, được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập vào tháng 9/2013.
Khi đó, dù đang đi học và theo học cùng lúc hai trường nhưng Nam Phương vẫn cố gắng cân đối thời gian để dành cho Quỹ. Cô và các cộng sự luôn tranh thủ kêu gọi tài trợ để có tiền xây cầu giúp bà con.
Tính đến thời điểm tháng 9/2016, chương trình Kiến tạo nhịp cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng được 10 công trình: Cầu Khang Linh (Cái Bè, Tiền Giang), cầu Nguyễn Văn Tiếp B, cầu Lợi Trinh, cầu Một Thước, cầu Sình Chanh 1, cầu Sình Chanh 2, cầu Ngọc Hoàng, cầu Tân Hậu, cầu TĐ 7-15 và cầu Kênh Thủy Tân... ở miền Tây với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng.
Quỹ kiến tạo nhịp cầu được thực hiện trên mô hình cộng hưởng. Theo đó, quỹ Nam Phương sẽ hỗ trợ đa số kinh phí xây dựng cầu (thường ở mức 60-70%) và địa phương có trách nhiệm huy động phần còn lại, nhằm khuyến khích địa phương, người dân có trách nhiệm hơn với thành quả được hưởng.
Nhờ có Thanh Tâm, bé Yến Nhi đã khỏe mạnh và tăng cân khá tốt. (Ảnh Intenrnet) |
Cô gái cứu và nhận nuôi bé 14 tháng nặng 3,5 kg
Thanh Tâm là một trong những cô gái nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng bởi đã cứu bé Yến Nhi 14 tháng tuổi, bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 3,5 kg tại bản Cát Cát, Sapa, Lào Cai.
Tâm kể, cô từng đi từ thiện rất nhiều nhưng chưa gặp trường hợp nào như bé Yến Nhi. Nhiều hoàn cảnh nghèo khó nhưng không đến mức không có gì ăn như bố con nhà cô bé. Nhận nuôi và bảo hộ cho bé gái suy dinh dưỡng, bị căn bệnh bại não là điều không đơn giản với một cô gái 25 tuổi, chưa lập gia đình. Tuy nhiên, 9X này vẫn quyết tâm chăm sóc, coi Yến Nhi như con mình, dù có không ít người ngăn cản.
Khánh Vy được nhiều người biết đến khi có thể "nhại" 7 thứ tiếng. (Ảnh Internet) |
Nữ sinh Nghệ An 'nhại' 7 thứ tiếng
Trần Khánh Vy (sinh năm 1998, ở Nghệ An) được cư dân mạng biết đến và “phát sốt” với clip nhại 7 thứ tiếng với cách phát âm, ngữ điệu cùng những ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển hệt như người bản xứ.
Nữ sinh Nghệ An này còn gây bất ngờ khi xuất hiện trong một chương trình talkshow về IELTS trên truyền hình khi không chỉ thể hiện khả năng ngôn ngữ mà còn đọc rap tiếng Anh khá hay. 9X này cũng từng là một trong những gương mặt được đề cử cho giải Ấn tượng VTV 2016 (VTV Awards) ở hạng mục Nhân vật ấn tượng của năm.
Hiện, Khánh Vy đang là sinh viên của lớp Chất lượng cao, Khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao, chuyên ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao.