pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 điều đại kỵ trong giao tiếp để không gặp rắc rối
Giao tiếp, không đơn giản là cuộc nói chuyện, trao đổi giữa hai hay nhiều người. Đây có thể xem là thước đo đánh giá tính cách, quan điểm sống, trình độ, khả năng của bạn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ.
Những người thông minh thường nắm bắt được các kỹ năng giao tiếp và cách đối nhân xử thế khôn khéo. Đối với họ, trong giao tiếp cần tránh 6 điều "đại kỵ" sau:
1. Nói chuyện phiếm
Người xưa thường nói "nhàn cư vi bất thiện" với hàm ý con người nếu rảnh rỗi thường làm những chuyện không hay, một trong số đó chính là tự mua vui bằng những câu chuyện phiếm của người khác.
Người hiểu biết sẽ luôn trân quý thời gian của mình, không làm những chuyện vô bổ, lãng phí thời gian. Thay vì bàn tán chuyện về người khác, họ sẽ tập trung học hỏi, hoàn thiện bản thân để ngày càng tiến bộ.
2. Nói lời giả dối
Nhiều người tự cho rằng việc sử dụng mánh khóe trong giao tiếp và muốn trục lợi từ sự dối trá của bản thân là thông minh. Tuy nhiên đây là hành vi xấu, tự triệt tiêu phúc báo của chính mình. Bởi núi này cao còn núi khác cao hơn. Những người thông minh, khôn khéo họ sẽ tự nhận ra được những động thái và mánh khóe lừa dối của bạn.
Cuối cùng thì việc thiếu trung thực sẽ khiến chính bản thân bạn bị thiệt thòi. Vậy nên, thay vì cứ gồng mình lên để nói chuyện sao cho bóng bẩy hay tỏ ra sắc sảo, hãy chỉ đơn giản và trung thực, dùng chân tâm để đổi lấy thiện tâm.
3. Tiết lộ bí mật của người khác
Người thông minh hiểu được điều gì nên nói ra, điều gì nên mãi mãi giữ lại. Đối với chuyện bí mật của người khác, cơ mật trong công việc, nhất thiết đừng tùy tiện kể cho ai. Đó không chỉ là vấn đề đánh giá phẩm chất con người mà còn để tránh những hậu quả nghiêm trọng khó lường trước.
Khi sự thật chưa được xác nhận, đừng nói bóng gió để gây hiểu lầm, khiến người khác cảm thấy bạn không nghiêm túc hay quá hà khắc.
4. Nói chuyện quá thẳng thắn
Nhiều người cho rằng nói thẳng là nói thật nên cứ vô tư nói hết những gì xuất hiện trong suy nghĩ mà không màng đến hậu quả. Những lời nói thiếu cân nhắc như vậy có thể đem lại nhiều rắc rối không đáng có.
Một người khôn ngoan trước khi nói bất cứ điều gì đều biết đạo lý “uốn lưỡi 7 lần”. Cần suy nghĩ kỹ càng đến cảm nhận của người đối diện, nếu lời nói mang tính nhạy cảm, cần diễn đạt sao cho uyển chuyển, ít mang tính xúc phạm nhất. Không bao giờ nên lấy “thẳng thắn” làm cái cớ để thốt ra những lời tổn thương người khác.
5. Nói lời ngông cuồng
Những lời nói được thốt ra lúc nóng nảy, mất lý trí sẽ làm tổn thương người khác rất nhiều. Nói không nghĩ, bị cảm xúc lấn át lý trí dẫn đến những lời nói tức tối, giận dữ không chỉ khiến người khác khó chịu mà bản thân người nói ra câu đó cũng khó có thể vui vẻ.
Thế nên khi giận dữ, hãy lấy một tờ giấy trắng và một cây bút, nghĩ gì, quyết định gì... hãy viết ra. Sau một vài ngày, hãy xem lại "sản phẩm" lúc trước, nếu vẫn duy trì suy nghĩ cũ, vậy thì hãy làm theo. Còn nếu cảm thấy đó chỉ là cách nghĩ lúc giận, hãy vứt bỏ tờ giấy đó để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
6. Nói nhiều
Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng chỉ nên nói vừa đủ những điều cần thiết. Mặc Tử từng nói với học trò rằng: "Cóc và ếch kêu cả ngày không dừng, kêu nhiều tới mức khô cổ rát họng nhưng nào có ai nghe chúng. Một chú gà trống cất tiếng gáy đúng 3 lần lúc bình minh, mọi người đều tỉnh giấc. Ngươi xem, nhiều lời nào có ích gì đâu? Lời nói chỉ vừa đủ, đúng lúc mới có tác dụng".