pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 hiểu lầm về tác dụng của nước chanh đối với sức khỏe
Có rất nhiều lượt tìm kiếm liên quan tới công thức uống nước chanh giảm cân, uống nước chanh mỗi ngày có sao không hay đau dạ dày uống nước chanh được không...
Dưới đây là những thông tin về tác dụng của nước chanh đối với sức khỏe, tác dụng phụ cũng như chống chỉ định khi uống nước chanh và những vấn đề khác liên quan mà bạn có thể tham khảo.
1. Tác dụng của nước chanh đối với sức khỏe
Một quả chanh khoảng 48 gram sau khi vắt lấy nước cốt và pha nước có chứa khoảng 10,6 calo; 21% giá trị hàng ngày (Daily value - DV) vitamin C (18,6 miligam - mg); 2@ DV folate (9,6 microgam - mcg); 1% DV kali (49,4 mg); 1% DV vitamin B1 (0,01 mg); 1% vitamin B5 và khoảng 0,5% vitamin B2 (0,01 mg); 1% DV vitamin B3 (0,06 mg).
Nhờ hàm lượng vitamin C cao, giàu flavonoid và có tính axit nên uống nước chanh có thể mang đến một số tác dụng đối với sức khỏe. Chẳng hạn:
- Thúc đẩy quá trình hydrat hóa
Uống đủ nước là nguyên tắc quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa mất nước xảy ra, đặc biệt là trong mùa nóng. Mất nước có thể dẫn đến mệt mỏi; khô môi, khô da; đau đầu; tim đập nhanh; táo bón;...
Do không phải ai cũng thích uống nước lọc nên thêm một chút nước cốt chanh hoặc vài lát chanh sẽ giúp bạn uống nước nhiều hơn và thúc đẩy quá trình hydrat hóa hiệu quả. Bên cạnh đó, uống đủ nước còn giúp bạn duy trì cân nặng, các khớp được bôi trơn, thúc đẩy quá trình đào thải của cơ thể thông qua hệ bài tiết cũng như duy trì thân nhiệt ổn định.
- Nước chanh là nguồn vitamin C dồi dào
Những loại trái cây có múi như chanh rất giàu vitamin C - một chất chống oxy hóa - có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây viêm trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Vitamin C cũng được chứng mình có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như: hỗ trợ cơ thể tổng hợp collagen và L-carnitine; hỗ trợ chuyển hóa protein; tái tạo các chất chống oxy hóa khác; ngăn ngừa một số bệnh tim mạch; hỗ trợ hấp thụ sắt tốt hơn;...
Thiếu vitamin C cũng khiến một người có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao hơn; khô miệng, khô mắt và khô da; mệt mỏi; mất ngủ;...
- Có thể hỗ trợ giảm cân
Uống nước chanh có thể giúp tăng lượng nước uống vào - một trong những thói quen hỗ trợ giảm cân - điều này khiến bạn cảm thấy no hơn đáng kể, đặc biệt là uống trước khi ăn.
- Dễ dàng thay thế các thức uống có đường nhờ khả năng giảm cơn thèm ngọt
Theo Healthline, các đồ uống có đường như nước giải khát, đồ uống thể thao, nước tăng lực,... nếu uống thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe như tăng cân, béo phì, bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan, sâu răng, bệnh gout,...
Nước chanh có thể là một giải pháp tự nhiên không chỉ giúp làm dịu cơn khát mà vị chua đặc trưng còn giúp giảm cơn thèm ngọt của bạn.
- Axit citric trong nước chanh giúp ngăn ngừa sỏi thận
Citrate là một thành phần của axit citric có tác dụng giúp nước tiểu giảm tính axit hơn và thậm chí có thể "giải quyết" những viên sỏi thận cỡ nhỏ.
Theo Hiệp hội Thận Hoa Kỳ, thêm khoảng 118ml nước cốt chanh vào cốc nước lọc trong chế độ ăn uống là một trong những phương pháp điều trị bổ sung ngăn ngừa sỏi thận.
- Có thể hỗ trợ tiêu hóa
Uống nước chanh trước bữa ăn có thể thúc đẩy và cải thiện tiêu hóa thuận lợi hơn. Theo Healthline, trong một nghiên cứu nhỏ năm 2022 thì các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng axit nitric có trong chanh giúp tăng tiết axit dạ dày có tác dụng giúp cơ thể phân hủy và tiêu hóa thức ăn cũng như thúc đẩy nhu động ruột giúp thức ăn di chuyển thuận lợi hơn.
Kali trong nước chanh cũng góp phần giảm đầy hơi do chế độ ăn nhiều natri gây ra.
Ngoài ra, theo Medical News Today, chất chống oxy hóa và flavonoid trong chanh còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và các dấu hiệu có liên quan tới quá trình trao đổi chất như dung nạp glucose, độ nhạy insulin và chuyển hóa chất béo. Vitamin B trong chanh có thể hỗ trợ sản xuất năng lượng cho bạn. Bên cạnh đó, tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin C như chanh, khoai tây, ớt chuông, dâu tây,... cũng liên quan tới khả năng giảm nếp nhăn và giúp làn da sáng mịn hơn.
2. Hiểu lầm về tác dụng của nước chanh đối với sức khỏe
Có một số hiểu lầm về tác dụng của nước chanh mà bạn cần chú ý, chúng bao gồm:
- Nước chanh giúp đốt cháy chất béo hiệu quả
Nhiều quan niệm cho rằng tác dụng giảm cân của nước chanh là nhờ hàm lượng pectin dồi dào - một dạng chất xơ giúp no lâu hơn và hạn chế lượng calo nạp vào. Nhưng thực tế, nước chanh về cơ bản là nước cốt chanh được pha rất loãng và chỉ còn lại một lượng chất xơ cực nhỏ (<1 g) nên cho tới hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy uống nước chanh giúp đốt cháy chất béo nhanh hơn so với nước lọc.
Nói cách khác, dù nước chanh tự nhiên có lượng calo thấp thì nước chanh chỉ có thể hỗ trợ bạn giảm cân bằng cách tăng lượng nước tổng thể mà bạn uống hàng ngày chứ không phải nước chanh trực tiếp giúp tăng tốc và đốt cháy calo cũng như chất béo nhanh hơn. Nếu muốn giảm cân, bạn có thể thêm nước chanh vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình và bắt buộc phải kết hợp cùng các thói quen lành mạnh khác bao gồm tập thể dục nhiều hơn, kiểm soát lượng calo nạp vào ít hơn so với lượng calo đốt cháy,...
- Nước chanh giúp kiềm hóa cơ thể
Rất nhiều người cho rằng uống một thức uống giàu tính axit như nước chanh sẽ giúp kiềm hóa cơ thể và từ đó giúp thay đổi độ pH trong máu. Thực tế là những gì mà bạn ăn hoặc uống không thể ảnh hưởng tới độ axit trong máu hoặc tế bào trong cơ thể bạn mà chỉ có thể thay đổi độ pH trong nước tiểu mà thôi.
Điều quan trọng cần lưu ý là cái gọi là "chế độ ăn kiêng kiềm hóa" có thể tốt cho sức khỏe chỉ vì nó nhấn mạnh vào thực phẩm nguyên chất giàu chất dinh dưỡng chứ không phải vì nó làm thay đổi độ axit trong máu của bạn.
- Uống nước chanh chống ung thư
Bắt nguồn từ quan niệm về chế độ ăn giàu kiềm mà cũng có quan niệm cho rằng uống nước chanh chống ung thư, đặc biệt là uống trực tiếp nước cốt chanh.
Theo Medical News Today, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nước chanh tự nhiên và các loại trái cây, rau củ tươi có thể giúp giảm rủi ro mắc ung thư nhưng không có nghiên cứu nào cho thấy uống nước chanh, thậm chí là uống nước cốt chanh sẽ giúp điều trị bệnh ung thư và ngăn chặn tế bào ung thư di căn.
Hơn nữa, uống nước cốt chanh chưa pha loãng có thể làm tăng nguy cơ kích thích niêm mạc họng, dạ dày,... ở những trường hợp nhạy cảm.
- Nước chanh giúp làm sạch và giải độc tốt hơn nước lọc
Chế độ ăn uống thải độc với nước chanh từng gây sốt trên mạng xã hội trong một thời gian nhưng theo các chuyên gia thì hầu hết các tuyên bố về thực phẩm và các đồ uống có thể làm sạch hay giải độc cơ thể đều không có cơ sở khoa học cho tới thời điểm hiện tại.
Cụ thể, nước chanh được cho là có tác dụng thanh lọc cơ thể nhờ vào hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa. Nó có thể giúp kích thích tiêu hóa và hỗ trợ chức năng gan, đây là những quá trình đóng một phần trong quá trình thanh lọc tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể đã được trang bị các cơ quan như gan và thận, chúng hoạt động hiệu quả trong việc loại bỏ độc tố. Do đó, mặc dù nước chanh có thể hỗ trợ những quá trình tự nhiên này, nhưng không chính xác khi nói rằng nước chanh có khả năng detox cơ thể trong việc loại bỏ độc tố một cách đơn lẻ.
- Uống nước chanh buổi sáng khi bụng đói sẽ tốt hơn
Nhiều người cho rằng uống nước chanh vào buổi sáng khi bụng đói sẽ giúp giảm cân và tốt hơn cho sức khỏe. Mặc dù uống nước chanh vào buổi sáng có thể giúp bổ sung vitamin và khoáng chất giúp giảm mệt mỏi và khởi động quá trình trao đổi chất nhưng không phải cứ uống nước chanh vào buổi sáng là tốt, đặc biệt là với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Uống nước chanh khi bụng đói có thể khiến nhóm người này bị kích ứng dạ dày, gây ra ợ chua và trào ngược axit khiến các cơn đau thêm tệ hơn.
Do vậy mà bạn có thể uống nước chanh vào bất cứ thời điểm nào trong ngày và điều cần chú ý là các phản ứng của cơ thể khi uống nước chanh để điều chỉnh thời gian uống phù hợp. Lưu ý rằng, nếu bạn có ý định uống nước chanh mỗi ngày, hãy sử dụng ống hút và súc miệng sau đó để tránh xói mòn men răng cho axit citric trong chanh có thể khiến men răng bị mòn vẹt.
- Uống nước chanh ấm sẽ tốt hơn nước chanh lạnh
Không có quy tắc nào về việc uống nước chanh ấm hay nước chanh lạnh sẽ tốt hơn. Tùy vào sở thích và tình trạng sức khỏe mà bạn có thể chọn nhiệt độ pha nước chanh phù hợp.
3. Một số công thức pha nước chanh tốt cho sức khỏe
Ngoài cách pha nước chanh truyền thống chỉ với nước cốt chanh và nước lọc thì bạn cũng có thể tăng thêm hương vị và hưởng thêm các lợi ích từ các thành phần được thêm vào cốc nước chanh của bạn chẳng hạn như vài lá bạc hà, mật ong nguyên chất, siro cây phong, vài lát gừng tươi hoặc dưa chuột, một chút quế hay bột nghệ,...
- Nước chanh, mật ong và gừng: Pha nước ấm với nước cốt chanh, thêm một thìa mật ong và một lát gừng tươi để tăng cường việc tiêu hóa và kháng viêm.
- Nước chanh, dưa chuột và bạc hà: Thêm nước cốt chanh, vài lát dưa chuột và lá bạc hà vào bình nước lọc. Điều này giúp detox và làm mát cơ thể.
- Nước chanh và quế: Vắt nước cốt chanh vào nước ấm và thêm một que quế; quế giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
- Nước chanh, dâu tây và húng quế: Thêm vài lát dâu tây và lá húng quế vào nước chanh để tăng thêm hương vị và chất chống oxy hóa.
Theo Healthline, bạn có thể uống một hoặc hai cốc nước chanh một ngày, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn nhưng cần lưu ý tới các tác dụng phụ khi uống nước chanh quá nhiều để cân đối lại cho hợp lý. Các tác dụng phụ khi uống quá nhiều nước chanh có thể bao gồm xói mòn men răng, ợ chua, tăng sản xuất axit dạ dày ở một số người.