6 kỹ năng giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ

23/09/2018 - 15:03
Kỹ năng hội nhập đang là một trong những yêu cầu quan trọng với nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam trước bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ. Những kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm thực ra cũng giống với các kỹ năng cần thiết khi trẻ xây dựng các mối quan hệ tình bạn nhằm đưa đến hiệu quả và thành công trong cuộc sống. Sau đây là một vài kỹ năng thiết lập quan hệ tình bạn quan trọng mà trẻ cần phải có.
Kỹ năng giao tiếp
 
Giao tiếp chính là chìa khóa của một mối quan hệ thành công. Cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng biết lắng nghe, thể hiện cảm xúc của mình qua các cử chỉ, điệu bộ và biết cách thỏa hiệp, nhường nhịn, không nên đặt cái tôi của mình trên hết. Trẻ có cách chia sẻ cảm xúc gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của mình.
 
Người lớn chỉ nên hướng dẫn trẻ cách trình bày, diễn đạt điều mình nói theo nhiều cách khác nhau, cùng trẻ thực hành một số tình huống giả định. Khi trẻ tiếp xúc với nhau, hãy để trẻ tự bộc lộ bản thân. Dần dần, trẻ sẽ biết lược bỏ những hành vi không phù hợp để được bạn bè thừa nhận.
3269ba8130788889_178631379.jpg
Ảnh minh họa

 

Càng “va chạm” trong các mối quan hệ ngang vai, ngang lứa trẻ sẽ càng tự tin hơn để chọn nhóm bạn này hoặc nhóm bạn khác. Cha mẹ không nên can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ của con, trừ khi có những dấu hiệu nguy hại đến sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của con (như bạn bè rủ rê con làm việc xấu ảnh hưởng đến sức khỏe, phẩm chất, năng lực của con).
 
Kỹ năng xử lý tình huống sáng tạo, linh hoạt
 
Không ai muốn giữ mãi một mối quan hệ với một người có nếp sinh hoạt tẻ nhạt, đơn điệu. Vì thế, trẻ cần phải được dạy cách suy nghĩ, hình thành những ý tưởng sáng tạo để giữ cho mối quan hệ của nhóm bạn mình luôn tươi mới, đầy hấp dẫn. Mối quan hệ của trẻ sẽ mờ nhạt dần nếu chỉ diễn ra một số hoạt động lặp đi lặp lại một cách đều đều, nhàm chán.
 
Chẳng hạn như chỉ chơi một số trò chơi, chỉ hẹn hò tụ tập một số chỗ, vào cùng một khoảng thời gian, trao đổi những câu chuyện không đâu vào đâu. Vì thế, cha mẹ hãy gợi ý để trẻ trao đổi các cách làm mối quan hệ của trẻ luôn mới mẻ, bất ngờ và thú vị. Điều này sẽ tăng thêm “gia vị” cho cuộc sống của trẻ.
 
Kỹ năng ghi nhớ tốt
 
Khi đã có một mối quan hệ tốt với bạn bè, cha mẹ hãy dạy con đừng bao giờ quên ngày kỉ niệm của mỗi thành viên và của cả nhóm. Để có một mối quan hệ tốt đẹp, lâu bền, trẻ phải biết ghi nhớ những ngày quan trọng như sinh nhật, ngày thành lập nhóm, ngày nhóm tham gia các hoạt động có ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc cho các thành viên trong nhóm. Đặc biệt là nhớ những thông tin quan trọng của những người bạn thân.
 
Chẳng hạn, nhớ tên chú chó mà bạn rất yêu quý ở gia đình, nhớ những kỷ niệm đặc biệt của từng thành viên... Nếu thật sự yêu thương, trân quý nhau, trẻ cũng cần phải học cách chú ý đến sở thích và cả những điều mà từng người bạn của trẻ không thích để có cách ứng xử tế nhị nhất.
 
Kỹ năng thích ứng tốt
 
Khi trẻ gia nhập nhóm bạn để vui chơi và tham gia các hoạt động, trẻ sẽ mở rộng các mối quan hệ, trẻ phải học cách để hòa đồng với mọi người, nhưng hãy nhớ vẫn là chính mình. Khi gặp bố mẹ, anh chị em của từng người bạn, trẻ cũng cần học cách ứng xử lễ phép đúng chuẩn mực.
6.jpg
Ảnh minh họa

 

Hãy cố gắng thể hiện mình là một người dễ thích ứng và hòa hợp, thân thiết với bạn. Đừng tỏ ra quá tự ti, khép mình, khiến cả bản thân và bạn bè gặp phải tình huống khó xử. Nếu chưa hiểu nhiều về gia đình và những người bạn mới của bạn bè mình, tốt nhất trẻ nên giữ ý tứ, không nên đưa ra nhiều lời nhận xét, bình phẩm.
 
Kỹ năng lên kế hoạch hợp lý
 
Dù có nhiều hay ít bạn bè thì trẻ phải biết cân đối thời gian cho những hoạt động của bản thân, đừng quá lệ thuộc vào bạn. Phải biết phân bố hợp lý thời gian cho bạn bè, cho bản thân và mọi người trong gia đình. Không nên quá chạy theo bạn bè mà lơ là người thân, công việc... và ngược lại. Nếu năm thì mười họa bạn mới gặp bạn bè thì bạn sẽ cho rằng mối quan hệ này chẳng quan trọng. Vì thế, để có mối quan hệ tình bạn tốt đẹp, trẻ phải có kỹ năng lên kế hoạch hợp lý.
 
Kỹ năng thúc đẩy
 
Nếu trẻ có quá ít bạn bè, cha mẹ hãy cùng trẻ tiếp tục cố gắng tìm kiếm những người bạn có cùng sở thích. Nếu trẻ đã có một số bạn thân, cũng cần dạy trẻ cách thúc đẩy để những người bạn đó càng yêu quý và mối quan hệ càng thắm thiết.
 
Trẻ cần lưu ý mỗi người có đặc điểm tính cách khác nhau, nên trẻ cần học cách tôn trọng, đừng cố gắng thay đổi bạn hoặc bắt bạn phải theo ý mình. Để tình bạn được bền lâu, trẻ nên biết động viên, khích lệ bạn bè cùng mình đạt được những mục tiêu mà cả nhóm cùng đề ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm