6 lời khuyên tài chính sai lầm nhiều người vẫn “tin sái cổ”

BẢO ANH
30/06/2022 - 19:00
6 lời khuyên tài chính sai lầm nhiều người vẫn “tin sái cổ”
Tất cả các hướng dẫn sai lệch về tiền đều không giúp ích cho bạn. Hãy tránh những lời khuyên sai lầm dưới đây bằng mọi giá.

Một số lời khuyên về tiền bạc bạn hay được nghe không thực sự đáng tin cậy như vậy. Đó có thể là những gợi ý sai lầm về tiết kiệm, chi tiêu, vay mượn hoặc xây dựng điểm tín dụng. Dù là về chủ đề nào, tất cả các hướng dẫn sai lệch về tiền đó đều không giúp ích cho bạn. Hãy tránh những lời khuyên sai lầm sau đây bằng mọi giá.

Bạn còn rất nhiều thời gian để tính toán cho việc nghỉ hưu

Không phải bỗng nhiên lãi kép được gọi là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Khi bạn tiết kiệm thay vì chi tiêu, lãi kép sẽ giúp bạn biến những khoản đóng góp nhỏ trở thành một quả trứng lớn khi nghỉ hưu, tất nhiên bạn cần thời gian để lãi kép phát huy tác dụng.

James Crawford, đồng sáng lập của Deal Drop cho biết: “Khi tôi còn trẻ, một trong những người bạn của tôi đã khuyên tôi nên ngừng lo lắng về việc nghỉ hưu. Anh ấy nói rằng tôi còn rất nhiều thời gian để suy nghĩ về nó sau này.”

Đây có lẽ là câu nói mà bạn rất dễ bắt gặp khi mọi người cho rằng việc dùng tiền đầu tư vào cái gì đó mang lại lợi ích tức thì thông minh hơn là lo cho hưu trí. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bạn phải tiết kiệm nhiều hơn nhiều lần khi những ngày tháng nghỉ hưu đang đến gần.

“Phải mất một thời gian dài để số tiền của bạn tăng lên và nếu bắt đầu sớm, bạn sẽ chỉ cần tiết kiệm ít tiền hơn để đạt được cùng mục tiêu”, Crawford nói.

Tránh vay nợ bằng mọi giá

Dustin Ray, giám đốc tăng trưởng của Incfile chia sẻ: “Tôi tin việc không mắc nợ là tốt nhưng chúng ta cần hiểu rằng không phải tất cả các khoản nợ đều là nợ xấu. Nếu lãi suất của một khoản nợ nhỏ hơn lợi nhuận mà bạn có thể tạo ra với khoản nợ đó thì bạn thực sự sẽ được hưởng lợi từ việc vay nợ”.

Điều làm nên sự khác biệt giữa nợ tốt và nợ xấu là bạn làm gì với số tiền bạn vay.

Ray nói: “Tránh mắc nợ khi mua những thứ mất giá theo thời gian. “Thay vào đó, hãy đầu tư khoản nợ đó để tạo ra lợi nhuận tốt như doanh nghiệp của bạn, cổ phiếu, bất động sản,... những thứ sẽ tăng giá theo thời gian”.

Gia tăng thu nhập là cách duy nhất để bạn có nhiều tiền hơn

Một số người không kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, một số khác lại luôn thiếu tiền vì những khoản đầu tư thiếu trách nhiệm, cách chi tiêu vô kỷ luật và lối sống buông thả. Thu nhập của họ không hề thấp nhưng luôn trong cảnh mòn mỏi chờ lương tháng sau, thậm chí lương không đủ sống.

Một trong những sai lầm phổ biến nhất là suy nghĩ bản thân sẽ khắc phục được các vấn đề tài chính khi có nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu bạn hiện không biết quản lý tốt số tiền mình đang có, bạn cũng sẽ làm điều tương tự khi có nhiều tiền hơn.

Tỷ lệ tiết kiệm mới là điều quyết định thành công tài chính của bạn, không phải thu nhập. Bạn càng đạt được tỷ lệ tiết kiệm cao, bạn càng có nhiều khả năng đạt được sự giàu có hơn.

Đặt trọn niềm tin vào cố vấn tài chính

Tham khảo ý kiến của chuyên gia đáng tin cậy trước khi đưa ra các quyết định tài chính lớn là điều được khuyến khích. Tuy nhiên, bạn phải luôn nhớ rằng sự tự mãn là kẻ thù của sức khỏe tài chính tốt. Đừng bao giờ mặc định rằng tất cả những gì cố vấn tài chính nói luôn là chính xác.

Chỉ dựa vào các cố vấn tài chính là một trong những điều tệ nhất bạn có thể làm khi lập kế hoạch tài chính của mình. Không ít người đã rơi vào thua lỗ chỉ vì tin tưởng một cách mù quáng vào các cố vấn tài chính. Bạn cần có những kiến thức cơ bản về tài chính và bạn mới là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Quỹ khẩn cấp càng nhiều càng tốt, ít nhất trị giá 6 tháng sinh hoạt phí

Trước đại dịch, đa phần các chuyên gia tài chính đều khuyên bạn nên tiết kiệm khoảng 3 tháng chi phí sinh hoạt cho quỹ khẩn cấp của mình (tất nhiên còn tùy vào điều kiện của từng người mà con số có thể thay đổi). Tuy nhiên, sự kéo dài của đại dịch khiến con số đó dường như không đủ. Đó cũng là lý do từ năm 2020, nhiều cố vấn đã nói với khách hàng của họ rằng hãy tiết kiệm gấp đôi số tiền đó, tức là dành ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ khẩn cấp của mình, càng nhiều càng tốt.

Chuyên gia tài chính Melanie Musson cho rằng: “Con số đó là quá nhiều. Thay vào đó, bạn hãy đặt 3 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ khẩn cấp và gửi thêm tiền tiết kiệm vào các tài khoản mà bạn có thể tất toán trong vòng 2 hay 3 tháng để kiếm lãi tốt hơn. Quỹ khẩn cấp là rất quan trọng trong thời kỳ khó khăn nhưng 3 tháng là khoảng thời gian đủ để bạn có thể tiếp cận các quỹ khác”.

Bạn nên để số dư để cải thiện điểm tín dụng

Bạn có thể cải thiện điểm tín dụng của mình bằng cách sử dụng thẻ tín dụng một cách có trách nhiệm. Quy tắc đầu tiên của việc sử dụng thẻ tín dụng có trách nhiệm là thanh toán đầy đủ số dư hàng tháng để tránh bị cộng gộp các khoản phí tài chính. Tuy nhiên, một số người đã sai lầm khi tin rằng duy trì số dư nợ thẻ tín dụng để tăng điểm tín dụng. Đó thực sự là lời khuyên tài chính tệ nhất mà bạn có thể nhận được. Lãi thẻ tín dụng chính là điều cản trở bạn đến với sự giàu có.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm