pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 mẹo giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình
1. Bắt tay vào việc
Nếu mục tiêu của bạn là gắn bó với yoga nhưng phòng khách - nơi bạn luyện tập lại chỉ có những bức tường trắng nhàm chán và TV luôn ở chế độ bật thì việc tìm kiếm động lực có thể trở nên khó hơn. Hãy để tấm thảm yoga của bạn ở nơi dễ nhìn thấy, đặt ra quy tắc chỉ bật TV theo một lịch trình nhất định và treo một bức tranh hay khẩu hiệu liên quan đến yoga để tự nhắc mình về việc luyện tập.
Chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh mình. Các siêu thị luôn tìm cách bài trí sao cho tác động thu hút nhất đến những người mua, các nhà thiết kế nội thất thì nghiên cứu cách không gian và các dấu hiệu thị giác ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận. Ở đây, bối cảnh chính là chìa khóa. Hãy để những thứ bạn không muốn ở ngoài tầm mắt và để trong tầm mắt những thứ liên quan đến điều bạn muốn. Bạn sẽ thấy mình gắn kết hơn với thói quen muốn xây dựng một cách tự nhiên.
2. Bắt đầu từ bước nhỏ, dễ dàng và thuận tiện
Chỉ đọc một trang sách mỗi ngày sẽ dễ thực hiện hơn nhiều so với việc đọc một chương. Hãy bắt đầu những thói quen mới bạn muốn xây dựng từ đó, chọn cái nhỏ, dễ dàng và thuận tiện.
Bạn muốn xây dựng thói quen đi bộ mỗi ngày? Hãy bắt đầu từ việc đi bộ đi đổ rác, những hoạt động gần nhà mà bạn vẫn làm mỗi ngày. Bạn muốn bắt đầu tập gym? Hãy chọn phòng tập gần nhà hoặc công ty bạn nhất.
Mỗi khi gặp chỗ vướng như phòng tập xa, trời lại mưa hay quãng đường đi bộ có đoạn mình không thích, chúng ta dễ chùn bước. Đặc biệt vào thời điểm kết thúc ngày làm việc dài, bạn có thể không còn động lực để thực hiện. Bởi vậy, hãy khiến cho việc thực hiện trở nên dễ dàng và gần gũi hơn như đặt sẵn đồ tập thể dục ở cửa, để chảo và nguyên liệu bạn muốn dùng cho bữa sáng lành mạnh trên bàn bếp.
3. Tưởng tượng cho đến khi bạn đạt được
Nếu bạn muốn chạy thật nhanh và giành chiến thắng trong một cuộc thi maratông, khi tập luyện hãy giả định rằng bạn là một vận động viên chạy bộ. Khi bạn biến điều bạn muốn thành một phần bản sắc của mình, bạn sẽ thích nghi một cách tự nhiên hơn với các chi tiết cụ thể, thói quen sẽ tự theo sau. Khi bạn tập trung vào điều gì đó mà bạn cảm thấy quan trọng, bạn sẽ có động lực để trở nên tốt hơn.
4. Tự thưởng cho sự cố gắng
Đừng quên tự thưởng cho bản thân khi bạn thường xuyên thực hiện được một thay đổi nhỏ. Đó có thể là những phần thưởng đã được đặt ra rõ ràng, hoặc một tờ giấy ghi phần thưởng được bốc ra ngẫu nhiên bởi bộ não của chúng ta thích điều đó.
Bộ não của chúng ta được kết nối để tiếp nhận những thứ mang lại phần thưởng cho mình. Vì vậy, ngay cả khi phần thưởng là một cái gì đó nhỏ thôi, nó có thể tạo ra sự khác biệt thực sự trong bức tranh lớn.
5. Xác định rõ thời gian và địa điểm
Mẹo hữu ích dành cho bạn chính là hãy tạo nên thói quen bằng cách xác định thời điểm cho thói quen bạn muốn thiết lập. Nhớ, thời gian và địa điểm chính là chìa khóa. Bạn cần quyết định xem mình muốn làm gì, vào thời gian nào và ở đâu. Đó có thể là “sau ly cà phê buổi sáng” hoặc “trước bữa tối” nhưng nhớ kèm địa điểm và hành động cụ thể diễn ra ở đó.
Ví dụ: “Sau khi uống cà phê buổi sáng, tôi sẽ tập lưng và vai 15 phút trong phòng khách”. Điều này sẽ giúp bạn làm rõ những gì mình cần mỗi ngày, theo dõi và tập trung tốt hơn vào thói quen mới.
6. Tìm kiếm ước mơ
Bạn yêu thích ẩm thực, bạn có thể nấu ăn rất ngon và bạn nhận ra mình muốn trở thành một đầu bếp? Xin chúc mừng! Có mục tiêu và ước mơ là điểm khởi đầu cho những dự án kinh doanh mới. Chúng ta cần biết mình đang hướng tới điều gì, muốn đi đến đâu và cần phải làm gì.
Tuy nhiên, khi biến ước mơ thành những mục tiêu lớn, chúng ta có thể cảm thấy mình cần phải thực hiện nó thật nhanh, thật hoành tráng, hoặc là không có gì. Điều này tạo ra sự lo lắng không cần thiết và dễ khiến bạn mất đi động lực. Hãy loại bỏ sự căng thẳng đó, tránh đặt kỳ vọng quá nhiều để rồi thất vọng khi đạt được hoặc thậm chí đạt được vẫn thấy trống rỗng thay vì cảm giác thích thú.