pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 triệu chứng nhận biết và 5 biện pháp phòng tránh cúm mùa hữu hiệu
Triệu chứng nhận biết cúm mùa
Nhật Bản đang đối diện với dịch cúm mùa bùng phát với số ca mắc lên tới 9,5 triệu người chỉ trong hơn 4 tháng vừa qua, chủ yếu là do virus cúm A.
ThS.BS Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh cúm mùa chủ yếu do virus cúm A, B gây ra. Các chủng virus cúm đang hoạt động thay đổi theo từng năm.
Những đối tượng dễ mắc bệnh cúm gồm: Trẻ dưới 5 tuổi hay người cao tuổi trên 65 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người có hệ miễn dịch suy giảm. Đặc biệt, cúm A nói riêng và bệnh cúm nói chung ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, các trường hợp đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Bên cạnh đó, người mắc bệnh mạn tính kéo dài như hen, suy tim, bệnh gan, bệnh đái tháo đường cũng cần phòng tránh cẩn thận...
Bệnh nhân mắc cúm A phải điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ. Ảnh: BVCC
Hiện nay người dân vẫn đang có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, bác sĩ Linh khuyến cáo, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đang tạng và thậm chí tử vong.
6 triệu chứng nhận biết cúm
Sốt từ vừa đến cao 39 – 40 độ C, trẻ nhỏ bị cúm sốt kéo dài tới 3-4 ngày; Ho; Đau đầu, đau nhức các cơ; Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi; Cảm thấy rùng mình ớn lạnh; Buồn nôn và nôn (phổ biến nhất ở trẻ em).
Thời gian ủ bệnh cúm kéo dài 1 - 4 ngày, thời kỳ lây: có thể bắt đầu trước khi sốt 1 ngày, kéo dài tới 7 ngày ở người lớn.
5 biện pháp hữu hiệu để phòng tránh virus cúm
Thứ nhất, người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Thứ hai, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải/khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Thứ ba, đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Thứ tư, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Thứ năm, tiêm vắc-xin cúm mùa phòng bệnh. Vắc-xin cúm giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ khỏi nhiều loại virus cúm khác nhau. Việc tiêm phòng cúm A càng sớm càng tốt để có sự chuẩn bị trước khi cúm bùng phát trong cộng đồng.