pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 trường hợp tuyệt đối không nên ăn ốc
Ốc là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và là món ăn "khoái khẩu" của người Việt. Về mặt dinh dưỡng, ốc ít béo, giàu chất đạm và các chất dinh dưỡng như vitamin B12, magie, canxi, selen, vitamin E và phốt pho. Ốc cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như taurine, glutathione và axit béo omgea-3.
Những "đại kỵ" khi ăn ốc cần chú ý
Ăn ốc rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn ốc nhiều có tốt không hay ốc kỵ với gì thì không phải ai cũng biết câu trả lời. Ăn ốc cần tránh những điều sau:
1. Ai không nên ăn ốc?
Mặc dù ăn ốc tốt cho sức khỏe nhưng nếu bạn thuộc các nhóm dưới đây:
- Người có bệnh tỳ vị, đại tiện phân lỏng: Theo Đông Y, ốc có tính hàn nên không thích hợp với người tỳ vị yếu, người đang bị đau bụng tiêu chảy. Ăn vào dễ khiến bệnh tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người bị dị ứng hải sản: Ốc cũng được coi là một loại hải sản vỏ cứng nên người có tiền sử dị ứng hải sản, đặc biệt là các động vật có vỏ như cua, tôm,... cần hạn chế ăn ốc. Nếu ăn ốc phát hiện các triệu chứng như đau bụng, mẩn ngứa, mề đay, sưng phù môi - mặt - miệng thậm chí khó thở, chóng mặt thì nên dừng lại và thăm khám bác sĩ sớm.
- Người cần kiểm soát chế độ ăn giàu protein: Người có các bệnh như gout, bệnh viêm khớp cần có chế độ ăn kiểm soát khẩu phần protein nạp vào cơ thể. Quá nhiều protein dễ khiến các cơn gout hay cơn đau khớp bùng phát. Theo thời gian khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn nếu ăn thường xuyên do các tinh thể urat tích tụ ở khớp và gây đau buốt.
- Người đang ốm, mới ốm dậy, bị cảm lạnh: Do ốc có tính hàn nên nhóm này cần thận trọng khi ăn, không nên ăn nhiều có thể khiến bệnh lâu khỏi.
- Sau sinh ăn ốc có sao không? Cả phụ nữ sinh thường và sinh mổ nên hạn chế ăn ốc để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề tiêu hóa, nhất là khi gặp phải ốc không sơ chế kỹ hoặc ốc sống có nhiễm sán rất nguy hiểm. Hơn nữa, ốc có tính hàn nên Đông y quan niệm sau sinh ăn dễ bị lạnh bụng, không tốt.
- Bệnh thận, bệnh huyết áp cao: Đây là hai nhóm người cần quản lý và kiểm soát chặt chẽ lượng natri tiêu thụ mỗi ngày. Ăn ốc có nhiều natri, nếu thêm quá nhiều ốc trong chế độ ăn khiến bệnh nặng hơn.
2. Ăn ốc nhiều có sao không?
Ốc giàu dinh dưỡng nên ăn ốc có tốt không thì câu trả lời là có. Nhưng ăn ốc nhiều lại khác. Ăn ốc nhiều có thể dẫn tới tăng cholesterol, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đồng thời, quá nhiều phốt pho trong ốc cũng có thể ức chế quá trình cơ thể tổng hợp canxi, lâu dài gây ra mật độ khoáng xương kém, yếu tố nguy cơ hình thành bệnh loãng xương.
Vậy nên ăn ốc bao nhiêu là đủ? Ăn ốc trung bình một đến 2 lần một tuần là vừa đủ để nhận được các lợi ích của ốc đối với sức khỏe.
3. Ốc kỵ với gì?
- Thực phẩm giàu vitamin C: Được coi là một loại hải sản nên ốc kỵ với các thực phẩm giàu vitamin C. Có thể kể đến như ớt chuông, kiwi, dâu tây, súp lơ trắng, bông cải xanh, cà chua, khoai tây, trái cây họ cam quýt, ổi, nho đen, đu đủ, dứa, sầu riêng, đậu hà lan, cải xoăn, dưa chuột,... Khi ăn ốc với các thực phẩm giàu vitamin C dễ gây các triệu chứng về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu hoặc phản ứng với asen (thạch tín) trong ốc gây ngộ độc.
- Trà: Tương tự nhiều khuyến cáo hải sản cũng kỵ với trà bởi vì trong trà có chứa dồi dào axit tannic. Khi chất này kết hợp với canxi có trong hải sản như ốc, cua, ghẹ dễ tăng gánh nặng cho tiêu hóa và tích tụ canxi không hòa tan gây sỏi thận.
- Bia, rượu: "Rượu ốc" rất phổ biến, tuy nhiên vừa ăn ốc vừa uống đồ uống có cồn dễ làm tăng axit uric trong máu - làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
4. Lưu ý khi ăn ốc
- Không ăn đuôi ốc: Nhiều người thường thích phần đuôi ốc vì cho rằng đây là nội tạng ốc, thơm ngậy tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, phần đuôi ốc là nơi chứa chất thải và nội tạng nên dễ nhiễm sán, ngộ độc. Mỗi con ốc có thể chứa 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống.
- Không ăn ốc sống: Ăn ốc sống hay ốc chưa luộc kỹ (ốc tái) làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng do một số loài chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi trên 80 độ C. Hơn nữa, do môi trường sống của ốc là bùn bẩn nên các tạp chất dễ bị tồn lại trong ốc, nếu không rửa sạch sẽ và luộc kỹ cũng dễ gây ra các bệnh tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc, buồn nôn và nôn mửa. Tốt nhất hãy chế biến ốc ở nhiệt độ cao trong thời gian vừa đủ để loại bỏ các mầm ký sinh trùng gây bệnh.
Hãy chú ý đến màu sắc và độ mềm của thịt ốc; nếu thấy thịt ốc đã chín và ngả màu sáng, đó là dấu hiệu cho thấy ốc đã an toàn để ăn.
- Không ăn ốc chết, ốc để lâu ngày: Không chỉ ốc, các loại hải sản hỏng, bốc mùi cũng không nên ăn, dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như bệnh tả, tiêu chảy,...
- Mẹo làm sạch và chọn ốc ngon: Để làm sạch ốc, theo dân gian bạn có thể ngâm ốc trước với giấm, nước gạo, muối hoặc nước chanh, kim loại để ốc "thải, nhả" các chất cặn như bùn đất và nhớt cũng như các ký sinh trùng nếu có ra ngoài. Sau khi ngâm cần rửa sạch bằng nhiều lần nước rồi mới chế biến món ăn. Để chọn được ốc có thịt béo, bạn nên để ý tới phần mày ốc nằm sát bên ngoài miệng ốc. Nên chọn ốc có vỏ bóng, màu tươi, không chọn ốc có vỏ bị vỡ vì ốc sẽ không ngon hoặc ốc đã bị chết.
Ốc có thể được chế biến thành nhiều món ăn theo các cách chế biến khác nhau như ốc luộc, ốc hấp, ốc xào bơ tỏi, ốc nhồi thịt, ốc xào me, ốc nướng, bún ốc, chả ốc, nem ốc,...
Ăn ốc đúng cách sẽ giúp bạn nhận được nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nếu đang điều trị bệnh theo đơn, tốt nhất bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm ốc vào chế độ ăn.