60/70 hiện tượng tôn giáo mới do phụ nữ làm chủ

23/08/2019 - 15:05
Đó là con số được công bố tại Hội thảo "Nghiên cứu tác động của một số hiện tượng tôn giáo mới đối với phụ nữ một số tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay - thực trạng và giải pháp của các cấp Hội LHPN Việt Nam" do Ban Dân tộc Tôn giáo (TƯ Hội LHPN Việt Nam) phối hợp với Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức.

Hội thảo diễn ra ngày 22/8, nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Bộ do Ban Dân tộc Tôn giáo (TƯ Hội LHPN Việt Nam) thực hiện.

Bà Phạm Bảo Khánh, Phó Trưởng ban Tôn giáo - Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết trên địa bàn TP Hà Nội có gần 5.000 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Hiện tại thành phố cũng ghi nhận có 8 tôn giáo mới. Mặt tích cực các tôn giáo mới là đã tập hợp và phần nào đáp ứng được nhu cầu tôn giáo của những phụ nữ và dân cư yếu thế, những người ốm đau bệnh tật, mắc bệnh hiểm nghèo, người gặp trục trặc trong cuộc sống gia đình, gặp khó khăn kinh tế...

 

4.JPG
Bà Phạm Bảo Khánh, Phó Trưởng ban Tôn giáo Sở Nội vụ Hà Nội, chia sẻ tại Hội thảo

 

Tuy nhiên, các tôn giáo mới cũng thể hiện nhiều yếu tố tiêu cực khi có những dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, xúc phạm gây chia rẽ với các tôn giáo khác, lôi kéo cưỡng ép các tín đồ, có dấu hiệu trục lợi, thương mại hóa... gây ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, chính trị, xã hội. 

Bà Khánh cho biết quan điểm của chính quyền thành phố là khuyến khích và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tuy nhiên kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo tuyên truyền mê tín dị đoan hay trục lợi...  

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam -cho biết, đề tài về vấn đề tôn giáo mới mà TƯ Hội LHPN Việt Nam đặt ra là rất quan trọng và cần thiết. GS Đỗ Quang Hưng cũng chia sẻ vấn đề tôn giáo mới đã được các viện nghiên cứu, những cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo đặt ra từ đầu những năm 2000. Có một thực tế cần ghi nhận, theo dõi và nghiên cứu, đó là trước kia, tại Việt Nam, những hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng mới đều do nam giới khởi xướng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xu hướng phụ nữ làm chủ các hiện tượng này (do phụ nữ khởi xướng) đang tăng lên đáng kể. 

Bên cạnh đó, hầu hết các hiện tượng này đều xuất phát điểm từ những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo gia đình. GS Đỗ Quang Hưng cũng đề nghị Đề tài nghiên cứu cần tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản trả lời một số câu hỏi: Vì sao các tín đồ của những tôn giáo mới đa số là phụ nữ và hầu hết là nữ thị dân, công chức viên chức nghỉ hưu; những đặc điểm chung của giáo lý các tôn giáo mới; cách thức để họ thu hút tập hợp các tín đồ cũng như những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các tôn giáo mới đến đời sống phụ nữ hiện nay...

 

1.JPG
Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo (TƯ Hội LHPN Việt Nam), phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo (TƯ Hội LHPN Việt Nam), ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Bà Trương Thị Thu Thủy cho rằng qua thực tế khảo sát tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng cho thấy nơi nào cán bộ quản lý trong lĩnh vực tôn giáo vững vàng về luật pháp, linh hoạt trong xử lý tình huống, nơi đó tình hình sẽ ổn định. Bà Trương Thị Thu Thủy cũng nhấn mạnh đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tuy nhiên với những trường hợp lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi, gây mất ổn định chính trị xã hội cần phải xử lý nghiêm. 

Theo kế hoạch, Đề tài tiếp tục ghi nhận nghiên cứu đánh giá về tôn giáo mới tại một số địa phương khác thuộc Đồng bằng sông Hồng.

Theo các nhà nghiên cứu, từ năm 2001 đến nay, trên thế giới xuất hiện khoảng 20.000 hiện tượng tôn giáo mới với trên 130 triệu tín đồ (trung bình xuất hiện 2-3 tôn giáo mới mỗi ngày).

Tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu Việt Nam thì nước ta hiện có khoảng 70 hiện tượng tôn giáo mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm