63 tỉnh, thành cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

16/08/2019 - 16:00
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện ở nước ta, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh ở những bệnh viện là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày).
Sáng 16/8, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại các điểm cầu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế, các bệnh viện và ngành y tế 63 tỉnh, thành đã ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa.
 
1_1600x1067.JPG
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

 

Chất thải nhựa đang là một trong nhưng nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường toàn cầu bởi những đặc tính bền và khó phân hủy của nó. Ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Ước tính có hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa.
 
Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải; và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 – 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.
 
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế, từ các hoạt động chuyên môn y tế như từ bao vì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày).
 
2.JPG
Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ về vấn đề rác thải nhựa
 

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, lượng chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó 10% là chất thải y tế nguy hại. Lượng rác thải tiếp tục tăng lên tại nhiều địa phương, do có sự gia tăng số lượng cơ sở y tế và các giường bệnh.

Đặc biệt, trong số đó có một số loại nhựa sử dụng trong ngành y tế thuộc diện khó phân hủy, nếu không được kiểm soát sẽ gây hại cho môi trường, tác động tới sức khỏe con người, làm thiệt hại 3-5% GDP của toàn quốc.

 

9.JPG
Lễ kí cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế
 

Trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị về giảm thiểu rác thải nhựa, được triển khai, phổ biến thông qua hội nghị lần này, đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự đồng thuận tham gia của người bệnh, người nhà người bệnh, các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành.

 
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên toàn quốc nhằm kêu gọi cả cộng đồng cũng có những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.
 
Một số ưu điểm của sản phẩm nhựa dùng một lần trong y tế đã góp phần phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mặc dù vậy, nhiều vật liệu bao gói, vật dụng bằng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần có thể thay thế được bằng các vật liệu an toàn và thân thiện môi trường hơn.
 
img_2834_1600x1067.JPG
Những sản phẩm dễ phân hủy sẽ dần thay thế nilon trong y tế và trong cuộc sống thường ngày

 

Dự kiến cuối năm 2019, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá toàn diện 63 tỉnh, thành về hoạt động đổi mới thái độ, phong cách, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, kết hợp với đánh giá bệnh viện xanh – sạch – đẹp cùng các tiêu chí giảm thải, giảm dùng các sản phẩm nhựa 1 lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm