pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 bí quyết giúp bạn biết tiết kiệm một cách lý trí
Tiết kiệm cho cuộc sống tốt hơn là điều ai cũng muốn, nhưng tiền đề chính là chúng ta phải có sự kiên trì và tỉnh táo, đồng thời kết hợp những thói quen tốt để kiểm soát bản thân trong việc chi tiêu.
Kiếm tiền phải đi đôi với tiết kiệm, như vậy tiền bạc mới còn mãi, cuộc sống sung túc đủ đầy. Hãy thức tỉnh bản thân bằng 7 bí quyết dưới đây, bạn sẽ biết ngay tiết kiệm mang lại cho mình những lợi ích gì.
1. Rảnh rỗi cũng không lấy việc đi dạo trung tâm thương mại, đi mua sắm làm niềm vui, đồng thời kiểm soát tần suất mua hàng qua mạng.
Khi mua nhu yếu phẩm hàng ngày, đến siêu thị chỉ lấy đồ cần mua và thanh toán ngay, không lang thang xung quanh vì những thứ mới mẻ sẽ khiến bạn bị động lòng, từ đó chi tiền vô tội vạ. Kiểm soát bản thân khi nhìn thấy quảng cáo giảm giá, vì hầu hết đều là những cách thức thức đẩy doanh số bán hàng.
Song người bình thường khó mà chống lại sự cám dỗ, vì đây là bản chất con người. Cách duy nhất là để bản thân không lung lay chính là tránh xa cám dỗ.
2. Rèn luyện thói quen ra ngoài lúc nào cũng mang theo bình nước, để có thể giải khát bất cứ lúc nào và tiết kiệm một khoản không nhỏ.
Đồng thời, từ bỏ luôn thói quen uống trà sữa và nước ngọt, vừa giữ gìn vóc dáng, đảm bảo sức khỏe, vừa có thể tiết kiệm. Có lẽ cô gái nào cũng biết rằng đường và chất ngọt là một trong những nguyên nhân khiến làn da trở nên xấu xí, nhưng ít ai chấp nhận từ bỏ vì đã quen với việc “nạp đường” vào người.
Nếu có thể tự nấu ăn tại nhà thì hãy nấu luôn phần mang đi làm để tiết kiệm chi phí cho bữa trưa. Thói quen này rất thích hợp đối với người sống một mình, vì nấu ăn cũng là những lúc khiến con người ta cảm thấy được thư giãn. Được ăn món mình nấu chính là điều hạnh phúc nhất trên đời này.
Tất nhiên, có người nấu ngon, có người nấu không ngon, thậm chí nhiều người còn cho rằng việc nấu ăn cứ để sau này vợ/chồng làm là được. Song nấu ăn và tự chăm sóc bản thân là kỹ năng sinh tồn thiết yếu, chứ không phải nhiệm vụ của riêng ai.
3. Học cách chọn lọc thông tin, đặc biệt là trên mạng xã hội. Không so sánh bản thân với cuộc sống của người khác, không nên nghĩ rằng đối phương có cái này thì mình cũng phải có cái đó.
Bởi vì khi bạn tốn tiền chỉ bởi sự so sánh hơn thua này, món đồ dù đắt tiền đến mấy cũng không có giá trị, mà tất cả chỉ là sự khoe khoang phù phiếm. Trước khi mua, hãy nghĩ xem món đồ đó có thật sự hữu ích với mình hay không và được dùng trong trường hợp nào.
4. Nếu rảnh rỗi đến mức không biết phải làm gì, thì hãy làm việc nhà và đọc sách. Đây là những hoạt động có thể giúp tâm trạng tốt hơn mà còn ít tốn tiền.
5. Nếu kinh tế còn eo hẹp, tốt nhất không nên nuôi thú cưng vì bạn biết đấy, nuôi con vật cũng giống như nuôi “một miệng ăn”, rất tốn kém. Ở đây chúng ta đề cập đến việc chăm sóc thú cưng trong môi trường nhà cửa ở thành phố, bạn phải mua đồ ăn, chuồng và cát để chúng đi vệ sinh.
6. Cố gắng giữ cho những gì bạn sử dụng với số lượng vừa đủ.
Ví dụ, mua ít quần áo hơn, ít mỹ phẩm hơn, ít giày dép hơn. Đồ đạc càng nhiều thì đương nhiên công tác quản lý và sắp xếp càng khó khăn, không gian sống không đủ lớn, không có người giúp dọn dẹp, bản thân bạn vừa bận lại vừa lười, sẽ làm cho căn phòng lộn xộn, nhìn thôi cũng phiền lòng, thời gian dài vô cùng ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý.
7. Cố gắng mài giũa một sở thích hữu ích, có lẽ một ngày nào đó bạn không thể tìm thấy công việc thích hợp, không có tiền, sở thích này có thể giúp bạn kiếm tiền, trở thành kế sinh nhai tiếp theo.
Miễn là bạn có thể tạo ra giá trị, và đương nhiên phải hợp pháp, thì sở thích nào cũng đáng được đầu tư.