7 điều cần biết khi an ủi người khác

NGUYỄN HƯỜNG
22/07/2022 - 19:00
7 điều cần biết khi an ủi người khác
Nhớ rằng, sự hiện diện của bạn quan trọng hơn bất kỳ lời nói nào. Đừng quên hỏi thăm lại họ sau đó, để họ biết rằng có người sẵn sàng ở bên chia sẻ, giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn.

Đôi khi, chúng ta cảm thấy khó xử khi muốn tiếp cận để an ủi, vỗ về ai đó nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Bạn sợ rằng mình có thể nói điều gì đó khiến tình hình trở nên tệ hơn.

Thực tế thì, sự xuất hiện của bạn quan trọng hơn những gì bạn nói. Khi bạn xuất hiện và sẵn sàng ở bên họ, điều đó đã giúp họ sưởi ấm lòng mình. Tất nhiên, bạn có thể sử dụng một vài câu nói để an ủi, vỗ về người đó, giúp họ cảm thấy tốt hơn:

“Tôi thấy bạn có vẻ không ổn. Bạn có muốn chia sẻ điều gì không?”

Phần khó nhất đối với nhiều người là bắt đầu cuộc trò chuyện. Đây là một cách đơn giản giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi xem người đó có muốn nói về vấn đề của họ hay không. Câu trả lời của họ có thể là có hoặc không, điều này không sao hết. Họ có thể cần thời gian để tự giải quyết vấn đề của mình, chưa thấy ổn để có thể cởi mở với điều đã gây ra nỗi đau đó.

Đây cũng là cách để bạn mở đầu cuộc trò chuyện với một người lạ hoặc một người mà bạn không chắc có phải đang buồn không. Đừng khăng khăng yêu cầu ai đó phải mở lòng hoặc nói chuyện khi họ không muốn. Chỉ cần cho họ biết rằng bạn đang ở đây vì họ.

"Tôi ở đây và sẵn sàng khi bạn cần”

Nỗi buồn có thể là cảm giác rất cô đơn. Chúng ta dễ cảm thấy như chỉ một mình mình có thể hiểu cảm giác đau đớn đó, những người khác đều không liên quan tới điều chúng ta đang trải qua dù có thể họ từng trải qua nỗi đau tương tự. Câu nói "Tôi ở đây và sẵn sàng khi bạn cần” gửi đi thông điệp rõ ràng rằng bạn hiểu họ đang phải trải qua giai đoạn khó khăn và sẵn sàng giúp những gì có thể.

"Bạn cảm thấy thế nào?"

Đây là một câu hỏi cần thiết vì nỗi buồn và những cảm giác tiêu cực khác có thể không phải là những cảm xúc duy nhất người đó hiện có. Câu hỏi này sẽ là cơ hội để họ bộc lộ những cảm xúc khác của mình.

Đừng cho rằng bạn biết chính xác cảm giác của ai đó. Hãy hỏi họ và dù câu trả lời của họ là gì, đừng đánh giá họ vì điều đó.

Lắng nghe tích cực 

Phần quan trọng nhất để tạo nên sự thoải mái cho người khác chính là chủ động lắng nghe. Dù điều bạn nói là gì, cách bạn diễn đạt ra sao, chúng cũng không quan trọng bằng khả năng lắng nghe của bạn.

Lắng nghe tích cực là một kỹ năng mà bạn đang gửi đi thông điệp rằng người đó quan trọng với bạn. Điều này rất hữu ích khi một người đang cảm thấy không ổn.

Cách tốt nhất để bạn chủ động lắng nghe là loại bỏ những phiền nhiễu khác có thể khiến người đó nghĩ rằng bạn không chú ý như điện thoại, tivi…

Bạn có thể chứng tỏ khả năng lắng nghe tích cực hơn nữa bằng cách xác nhận những gì người kia đã nói. Điều này cũng hữu ích, tránh để xảy ra bất kỳ sự hiểu nhầm nào trong việc giao tiếp.

Hiểu rằng bạn không nhất thiết phải có câu trả lời

Khi cố gắng an ủi ai đó, bạn có thể cảm thấy rằng mình cần có giải pháp cho nỗi buồn của họ. Bạn không muốn họ phải chịu đựng thêm nỗi đau lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều nỗi đau của cuộc sống quá lớn để có thể giải quyết gọn gàng trong một cuộc trò chuyện. Đôi khi, một người có thể cần phải đi trị liệu hoặc cần thêm thời gian để tự mình vượt qua điều đang làm khó họ.

Người bạn muốn an ủi có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi tu từ như một cách nói lên nỗi thất vọng và nỗi đau của họ. Song điều đó không đồng nghĩa với việc bạn nhất định phải có câu trả lời.

Đừng cố gắng giảm thiểu tình huống tiêu cực hoặc bắt nó phải tích cực

Một điều phổ biến nhiều người vẫn làm khi an ủi người khác là tìm ra những điều tích cực trong sự tiêu cực đó. Vấn đề là, điều này có thể khiến họ cảm thấy bị xúc phạm khi hiểu rằng bạn thấy họ đang khiến vấn đề căng quá mức cần thiết.

Ví dụ: Một người bạn của bạn có mẹ vừa qua đời vì bệnh ung thư. Bạn có thể muốn nói những lời an ủi như “Ít nhất giờ bác ấy không còn phải chịu đau đớn” hoặc “Mẹ bạn đã đến một nơi tốt hơn". Tuy nhiên những lời này thực sự không giúp ích gì cho người bạn đó.

Thay vào đó, hãy nói rằng: “Xin chia buồn cùng bạn và gia đình. Tôi biết không từ ngữ nào có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn lúc này. Chỉ cần bạn biết rằng tôi ở đây và luôn sẵn sàng khi bạn cần”.

Để cho người đó sống với cảm xúc thật của mình thay vì cố gắng đưa ra một giải pháp hời hợt cho nỗi đau.

Đừng ngạc nhiên trước những phản ứng cảm xúc bất ngờ

Khi cố gắng an ủi ai đó, bạn cần hiểu rằng cảm xúc của họ có thể không giống như bạn tưởng tượng. Bạn có thể đã nói ra những điều bạn nghĩ là tốt nhất cho họ, cố để an ủi họ nhưng họ đáp lại bằng sự tức giận hoặc hụt hẫng. Họ có thể thấy những câu nói đó thiếu tế nhị hoặc bạn đã vô tình kích hoạt điều gì đó gây đau đớn cho trái tim họ.

Đừng suy nghĩ nhiều và coi chúng liên quan đến vấn đề cá nhân bạn. Hãy bình tĩnh và để mọi thứ trôi qua. Sự kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua tình huống và cho người đó không gian họ cần để xử lý cảm xúc của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm