pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 điều này khiến bạn trở thành người nhàm chán
1. Bạn tập trung quá nhiều vào bản thân
Một số người tập trung quá nhiều vào bản thân. Tất cả những gì họ nghĩ đến là khi nào họ có thể nói về điều họ đang quan tâm. Họ thích tập trung vào những thành tựu, trở ngại, cả những mặt tích cực và tiêu cực của mình. Dù là vấn đề gì, họ cũng chỉ quan tâm đến mình thay vì người khác. Những người này thường quan tâm đến mong muốn và nhu cầu của bản thân hơn là lợi ích của tập thể hoặc những người xung quanh.
Thay vào đó, bạn nên:
Hãy quan tâm nhiều hơn đến những người xung quanh bạn. Hỏi về sở thích và những điều khiến mọi người cảm thấy vui; hỏi về điều bạn có thể giúp đỡ họ; chỉ đơn giản là lắng nghe những vấn đề và quan điểm của mọi người và đưa ra lời khuyên khi được yêu cầu.
Việc nói về bản thân bạn là điều hết sức bình thường, miễn là bạn đảm bảo rằng mình dành đủ không gian xã hội thích hợp cho những người xung quanh. Hãy là người biết lắng nghe, tập trung khi ai đó đang mở lòng và nói về những điều ý nghĩa trong cuộc sống của họ.
2. Bạn quá tiêu cực
Sự tiêu cực là một điều rất khó giải quyết và dễ lây lan. Chúng ta dễ trở nên tiêu cực, bị cuốn vào vòng xoáy của sự tức giận và bi quan. Cũng bởi sự lây lan cũng như ảnh hưởng tiêu cực mà những người hạnh phúc có xu hướng tránh những người tiêu cực.
Thay vào đó, bạn nên:
Một tâm trí lành mạnh sẽ giúp bạn không bị chìm ngập trong sự tiêu cực dù ở trong hoàn cảnh nào. Bạn có thể chỉ đang gặp vấn đề trong việc giải quyết một số vấn đề, kỹ năng đối mặt hoặc vấn đề lớn hơn như trầm cảm và lo lắng. Bằng cách thay đổi suy nghĩ của mình, đứng từ một vị trí khác để nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn; nhận sự tư vấn của người có chuyên môn nếu cần, bạn sẽ thấy bản thân có sự thay đổi rõ rệt.
3. Bạn không giỏi đối thoại với người khác
Chúng ta có thể gặp các vấn đề xã hội hoặc không nhận ra mình không biết đưa đẩy câu chuyện. Chúng ta không biết làm thế nào để có thể duy trì một cuộc trò chuyện thông qua các tương tác tích cực hoặc không nắm bắt được các dấu hiệu cho biết đối phương không quan tâm đến chủ đề hoặc không sẵn sàng tiếp tục.
Thay vào đó, bạn nên:
Hãy coi mỗi cuộc trò chuyện như một trận cầu lông, một người đánh bóng qua lưới, người kia đánh lại và cứ thế tiếp tục.
Ví dụ: Khi ai đó hỏi bạn “Buổi hòa nhạc tối qua thế nào?”, thay vì trả lời “Hay lắm”, hãy nói “Tuyệt lắm! Cậu từng xem dàn nhạc đó biểu diễn chưa?” Cách đưa thêm câu hỏi vào câu trả lời sẽ tạo cơ hội để đôi bên kéo dài cuộc trò chuyện. s
4. Bạn không có sở thích hay thú vui của riêng mình
Bạn có sở thích hay thú vui nào không? Đây là một cách tuyệt vời để bạn có thể gặp gỡ những người bạn mới, mở ra những cuộc trò chuyện thú vị. Bạn có thể đơn thuần là tập trung ai đó say sưa chia sẻ về niềm đam mê của họ hoặc cùng người khác trao đổi về một vấn đề cùng quan tâm.
Thay vào đó, bạn nên:
Câu trả lời đơn giản chính là hãy thử một số sở thích mới. Điều gì thu hút sự quan tâm của bạn? Bạn thích trồng một khu vườn nhỏ nơi ban công, thử sức với một môn thể thao mới hay luyện tính kiên nhẫn qua việc học thêu thùa? Hãy thử chọn thứ gì đó dù có thể bạn không quá quan tâm. Bạn có thể thấy rằng việc tìm hiểu sâu về lĩnh vực đó sẽ khơi dậy sự tò mò và hứng thú bên trong bạn.
5. Bạn quá nghiêm túc và không bao giờ cười
Những người luôn quá nghiêm túc có thể không nhận được sự chào đón nồng nhiệt. Người khác dễ có cảm giác họ thiếu hòa đồng, đang tức giận hay tiêu cực… và thấy nhàm chán.
Nhớ rằng, dù muốn hay không, bạn cũng cần công nhận sự thật rằng ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Đó thường là nền tảng cho những gì người khác có về chúng ta sau này.
Thay vào đó, bạn nên:
Hãy đơn giản là mỉm cười nhiều hơn. Thường xuyên cười sẽ giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn cũng như tạo sự thiện cảm cho người đối diện.
6. Bạn ngồi lê đôi mách về người khác
Những câu chuyện ngồi lê đôi mách chưa bao giờ là điều tốt. Khi bạn tham gia vào việc cá nhân của người khác, bạn đang lãng phí thời gian và năng lượng của mình. Không ai có thể biết được hết những gì đang xảy ra với một người khác. Bạn có thể thấy mình dễ bị cuốn vào những cuộc “buôn” này nhưng hãy luôn nhắc mình rằng không ai đánh giá cao, thích thú với người chuyên đi đưa chuyện.
Thay vào đó, bạn nên:
Cách khắc phục đơn giản nhất là ngừng nói chuyện phiếm. Sẽ tuyệt hơn khi bạn tập trung thời gian, sự chú ý và năng lượng của mình vào điều gì đó đáng giá hơn trong cuộc sống.
7. Bạn không có bất kỳ sự tò mò nào
Thế giới này rất rộng lớn và phức tạp. Mọi người ở khắp mọi nơi đang tìm cách vượt qua cuộc sống theo những cách khác nhau của riêng mình. Chúng ta chia sẻ những điểm tương đồng về những gì chúng ta muốn trong cuộc sống nhưng sự khác biệt về quan điểm và văn hóa có thể định hình cách chúng ta tương tác với thế giới.
Nhiều người trong số chúng ta bấy lâu nay bị cuốn vào cuộc sống bận rộn của chính mình đến mức không còn thời gian hoặc năng lượng dành cho những điều thú vị xung quanh mình.
Thay vào đó, bạn nên:
Việc xây dựng sự tò mò xuất phát từ việc bạn muốn trải nghiệm hoặc tìm hiểu điều gì đó mới. Làm thế nào để kích thích điều này bên trong bạn? Đó có thể là tham gia một lớp học vẽ tranh, đi du lịch, thử một vài sở thích mới hoặc gặp gỡ những người mới…
Sự tò mò có thể giống như một quả bóng mà bạn cần lăn. Ban đầu có thể gặp chút khó khăn song khi bạn đã bắt đầu, bạn sẽ dễ dàng hơn để tiếp tục.