7 động tác tàn phá xương khớp rất nhanh, nhiều người vẫn làm hằng ngày

HÀ VŨ.
02/10/2022 - 18:55
7 động tác tàn phá xương khớp rất nhanh, nhiều người vẫn làm hằng ngày
Ngoài những chấn thương khi chơi thể thao, những thói quen hàng ngày của chúng ta cũng có thể gây ra những tổn thương cho xương khớp.

Nếu cơ thể con người là một tòa nhà, thì xương của chúng ta là bê tông cốt thép dùng để nâng đỡ tòa nhà. Nếu xương không đủ cứng cáp thì tòa nhà sẽ không vững chắc. Ngoài những chấn thương khi chơi thể thao, những thói quen hàng ngày của chúng ta cũng có thể gây ra những tổn thương cho xương khớp.

Dưới đây là 7 động tác nhiều người làm mỗi ngày đang âm thầm phá hủy xương khớp:

1. Khụy gối ngồi xổm

Tư thế làm việc nhà có thể ảnh hưởng tới xương khớp của bạn. (Ảnh minh họa)

Nhiều người thường có thói quen ngồi xổm để rửa chén bát, giặt quần áo… Những tưởng đó là thói quen bình thường nhưng thực chất điều này lại vô cùng nguy hiểm.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, trọng lượng của đầu gối sẽ tăng gấp 8 lần so với khi nằm thẳng hoặc đứng. Chính vì nguyên nhân này nên nữ giới thường có khả năng mắc bệnh khớp gối nhiều hơn nam giới do phải ngồi xổm làm việc nhà nhiều hơn.

Đặc biệt, những người cao tuổi và béo phì (BMI ≥ 25) càng cần hạn chế tình trạng ngồi xổm, hoặc giảm thời gian ngồi xổm dưới 20 phút.

2. Ngồi bắt chéo chân

Khi bạn ngồi bắt chéo chân, xương chậu sẽ bị nghiêng và cột sống thắt lưng cũng không được căng đều. Do đó dễ dẫn đến tình trạng biến dạng cột sống và thậm chí thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, ngồi bắt chéo chân cũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng gù lưng và chèn ép các dây thần kinh cột sống.

Ngoài ra, tư thế ngồi này cũng sẽ khiến cấu trúc bên trong khớp gối tăng áp lực, dẫn đến tình trạng rối loạn dinh dưỡng và hao mòn sụn. Đối với những người cao tuổi, ngồi bắt chéo chân sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương và viêm khớp.

3. Đi giày cao gót

Đi giày cao gót thường xuyên có thể gây hại cho xương khớp. (Ảnh minh họa)

Khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót lâm vào tình trạng căng giãn quá mức nên rất dễ đau và mỏi. Triệu chứng sẽ là đau lưng, đau bắp chân hay đau phần trên của gót chân. Khi các nhóm cơ làm việc quá tải sẽ yếu, không giữ vững được các cấu trúc như cột sống, khớp gối, cổ chân dễ gây chấn thương do té ngã và tổn hại đến hệ khớp.

Mũi giày càng nhỏ hẹp sẽ ép các ngón chân lại với nhau gây vẹo ngón cái ra ngoài, lâu ngày gây biến dạng ngón cái và các ngón khác. Ngoài ra, việc ép các ngón chân ở mũi giày gây chèn ép, tổn thương các nhánh thần kinh gây đau hay phì đại các nhánh thần kinh vùng bàn chân.

4. Cúi đầu nghịch điện thoại

Nhiều người vô tư sử dụng điện thoại hằng giờ mà không biết tư thế khi dùng có thể gây hại. (Ảnh minh họa)

Điện thoại di động giờ đây là vật bất ly thân với mọi người. Đi tới đâu cũng có thể thấy nhiều người đang cúi đầu nhìn xuống điện thoại di động. Tuy nhiên, tư thế này chắc chắn là một thảm họa cho cột sống cổ. Bởi khi bạn cúi xuống để xem điện thoại, cột sống cổ thường phải chịu sức nặng của đầu, đồng thời vai gáy cũng sẽ bị căng quá mức dẫn đến các triệu chứng như đau cơ vai gáy, đau lưng và tiếp đến là thoái hóa đốt sống cổ.

Tốt hơn, bạn nên để điện thoại ngang tầm nhìn hoặc chỉ thấp hơn một chút, sao cho đầu được giữ thẳng và không cúi lưng. Đối với những người cần làm việc với tư thế cúi đầu, sau khoảng 1 giờ làm việc bạn nên đứng dậy và di chuyển cơ thể.

5. Nửa nằm nửa ngồi trên ghế sofa

Khi cơ thể trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên ghế sofa, cột sống sẽ thiếu sự hỗ trợ đầy đủ và trọng lực lên đĩa đệm tăng lên. Vì thế, điều này có thể gây căng cơ và khiến cột sống thắt lưng bị cong vẹo, phá hủy theo thời gian.

Cách tốt nhất nếu bạn muốn nằm ở tư thế này chính là kê một chiếc gối phía sau thắt lưng. Cách này sẽ giúp cơ thể bạn không gây áp lực quá lớn lên cột sống thắt lưng.

6. Nằm gục mặt trên bàn khi ngủ

Ảnh minh họa

Việc nằm gục mặt trên bàn khi ngủ không chỉ không có lợi cho việc duy trì độ cong sinh lý của cột sống cổ, mà còn dễ gây ra các vấn đề về cột sống cổ. Đặc biệt, những người bị đau lưng, đau cổ càng hạn chế ngủ ở tư thế này, bởi tình trạng bệnh sẽ càng thêm nghiêm trọng.

Tốt nhất, bạn nên nằm xuống để chợp mắt. Nếu không có điều kiện, bạn có thể ngồi trên ghế có đệm sau thắt lưng và cổ, nằm hơi ngả người ra sau và nghỉ ngơi trong một lúc.

7. Bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức

Thói quen xấu gây hại đến hệ cơ xương khớp đầu tiên phải kể đến là thói quen bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ. Các thói quen này khiến khớp hoạt động nhanh đột ngột, có thể phá hủy cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh. Các khớp ở vị trí bẻ cũng ngày càng to lên dễ gây ra các tổn thương như bong gân, giãn dây chằng, trật khớp.

Thói quen xấu này khiến sụn khớp nhanh chóng bị bào mòn, đẩy nhanh quá trình lão hóa và gây ra nhiều bệnh lý về cơ xương khớp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm