pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 lỗi thiết kế nên tránh nếu muốn sử dụng phòng tắm lâu dài
Phòng tắm thường là không gian sinh hoạt có diện tích hạn chế nhất tại hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, việc thiết kế phòng tắm vẫn đòi hỏi bạn có sự bố trí khoa học và hợp lý. Song trên thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng có được bản thiết kế hoàn hảo nhất.
Việc mắc phải những sai lầm trong thiết kế rất dễ xảy ra. Vì thế, bạn cần nắm rõ những lỗi thiết kế cần tránh để có cách khắc phục và hoàn thiện căn phòng tắm của gia đình theo cách hoàn hảo nhất.
Trước khi làm được điều đó, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thật kỹ những lỗi thiết kế dễ mắc phải có thể phá hỏng căn phòng tắm của gia đình ngay thôi nào.
1. Thiết kế phòng tắm lộn xộn
Một trong những lỗi phổ biến nhất chính là thiết kế phòng tắm lộn xộn. Việc nhồi nhét quá nhiều thứ hoặc chưa biết cách sắp xếp khoa học mọi thứ có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác chật chội, không mấy dễ chịu bên trong phòng tắm.
Giữ cho một căn phòng tắm luôn sạch sẽ và ngăn nắp là điều cơ bản bạn cần đạt được khi thiết kế phòng tắm. Nếu không quá tự tin vào khả năng sắp xếp và tổ chức, bạn hoàn toàn có thể tham khảo thêm những gợi ý được chia sẻ từ chuyên gia.
2. Chọn sai kích thước
Một lỗi phổ biến khác mà nhiều gia đình thường mắc phải chính là chọn đồ đạc sai kích thước cho phòng tắm. Nhiều người vẫn chưa có đánh giá đúng mức về tầm quan trọng của kích thước đồ đạc trong phòng tắm. Hệ quả là việc sử dụng đồ quá lớn hoặc quá nhỏ đều ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể của căn phòng.
Nếu bạn đặt những món đồ quá lớn có thể khiến căn phòng tắm trở nên chật chội trong nháy mắt. Ngược lại, nếu đồ đạc bạn lựa chọn có kích thước quá nhỏ thì căn phòng trông không cân đối, kém hấp dẫn. Vì thế, khi thiết kế phòng tắm, bạn cần có sự cân nhắc kĩ càng đến kích thước đồ đạc đặt trong phòng.
3. Đặt bồn cầu sai vị trí
Các chuyên gia thường đưa ra lời khuyên nên tránh đặt bồn cầu đối diện cửa phòng tắm. Bạn hoàn toàn có thể tạo ấn tượng tốt hơn ngay sau khi mở cánh cửa phòng tắm. Lựa chọn đặt bồn rửa mặt hoặc bồn tắm đối diện với cửa phòng tắm đều là ý tưởng có thể tham khảo cho gia đình bạn.
4. Không chú ý đến hệ thống thông gió
Phòng tắm là khu vực ẩm ướt nhất trong gia đình. Vì thế mà việc thông gió trong căn phòng này rất quan trọng. Nhưng trên thực tế lại có không ít qua đình thiếu quan tâm đến vấn đề này.
Hệ quả của một căn phòng tắm thông gió kém chính là dễ hình thành nấm mốc và vi khuẩn. Điều này vừa làm hỏng tính thẩm mỹ của căn phòng vừa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.
5. Không đủ khoảng trống
Ngay cả khi phòng tắm của gia đình có diện tích nhỏ thì bạn vẫn cần phải tạo ra khoảng cách giữa các khu vực sinh hoạt. Điều này đảm bảo cho quá trình sử dụng thuận tiện, dễ dàng di chuyển cũng như làm vệ sinh. Ngoài ra, việc tạo ra những khoảng trống trong phòng cũng giúp mắt nhìn cảm thấy khoáng hơn, dễ chịu hơn.
6. Ánh sáng kém
Ánh sáng kém có thể khiến căn phòng tắm trông u ám và tối tăm. Điều này không chỉ gây bất tiện cho người dùng mà còn làm giảm tính thẩm mỹ bên trong phòng tắm.
Trước khi thiết kế, bạn nên lập kế hoạch về hệ thống ánh sáng trong phòng. Bạn cần đảm bảo rằng có đủ ánh sáng để người dùng thoải mái cho các hoạt động trong phòng như cạo râu, trang điểm. Bên cạnh đó, ánh sáng cũng có thể mang đến cảm giác ấm áp cho căn phòng.
Các chuyên gia khuyên bạn nên tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên cho phòng tắm. Bạn có thể đặt bồn rửa mặt bên cạnh cửa sổ để có thể tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên vào ban ngày.
7. Bố cục không rõ ràng
Ngày nay, phòng tắm được các gia đình sử dụng với nhiều công năng đa dạng. Đấy có thể là phòng tắm, phòng chăm sóc da, phòng spa tại gia và nhiều gia đình còn tích hợp thêm không gian giặt giũ. Điều này buộc các gia đình phải có sự phân chia khu vực rõ ràng cho từng mục đích khác nhau. Tiếc là nhiều gia đình vẫn chưa thể giải quyết tốt được vấn đề này khi thiết kế phòng tắm. Hệ quả là tạo ra không ít những bất tiện trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.