7 thói quen kiến tạo trường học hạnh phúc

25/05/2019 - 09:42
Ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), học sinh lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. “Với tôi đó thực sự là môi trường hạnh phúc bởi học sinh không ‘né’ khi nhìn thấy lãnh đạo, mà các em có thể hồ hởi gặp gỡ, chuyện trò”- bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT nhà trường hào hứng chia sẻ.
dtd.jpg
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - Ảnh: ĐTĐ

 

Học sinh không “né” hiệu trưởng

Ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) bên cạnh khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, còn có khẩu hiệu “hạnh phúc khi được làm việc”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hào hứng chia sẻ, ở trường Đoàn Thị Điểm, học sinh lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Học sinh  thân thiện với hiệu trưởng, trò chuyện với hiệu trưởng một cách rất thoải mái. “Với tôi đó thực sự là môi trường hạnh phúc bởi học sinh không ‘né’ khi nhìn thấy lãnh đạo, mà các em có thể hồ hởi gặp gỡ, chuyện trò. Tôi nghĩ, chắc chắn giáo viên, phụ huynh cũng hạnh phúc khi thấy con em mình được học trong môi trường này.”

Theo bà Hiền, từ khi mới thành lập, khi cơ sở vật chất còn nghèo nàn, ngày mưa các giáo viên của trường đã cõng từng học sinh từ lớp học ra cổng trường để phụ huynh đón con. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu của học sinh mà còn là của giáo viên. Bởi giáo viên có vui thì mới chuyển tải được kiến thức tới cho học sinh. Tôi vẫn nhắc các giáo viên của mình, đến cổng trường thì nên gác lại mọi lo lắng, buồn phiền, không để tâm trạng ảnh hưởng tới tiết dạy.”

Cách đây 6 năm, bà Hiền quyết định thực hiện chương trình lãnh đạo bản thân với suy nghĩ lãnh đạo phải thay đổi, thì giáo viên mới có thể thay đổi được. Là trường tư nhưng khi thực hiện chương trình này trường không thu kinh phí từ phụ huynh bởi đây là xuất phát từ mong muốn thay đổi của lãnh đạo nhà trường. “Sau 5 năm thực hiện, giáo viên đã chủ động, sáng tạo, tính tự giác tăng và quan trọng là họ không cảm thấy bị bắt buộc khi phải thay đổi. Bản thân tôi cũng biết tận dụng khả năng của nhân viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt, để họ được chủ động sáng tạo. Giáo viên thay đổi cũng tác động lớn đến học sinh”.

Công thức thay đổi: Bền bỉ, bền bỉ và bền bỉ

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhà sáng lập Chương trình toán Pomath cho rằng, tâm lý tích cực là nền tảng quan trọng để tạo ra dòng chuyển mềm mại trong các nhà trường; mỗi nhà giáo sẽ áp dụng thói quen hay kỹ năng được học để phát huy nội lực.

Từng đến thăm hơn 1.000 trường học ở Việt Nam, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận thấy có khoảng cách lớn giữa đội ngũ ở các trường. Vẫn tồn tại một thực tế, người tích cực luôn luôn tích cực. Trong khi ở môi trường giáo dục, chỉ cần  1 giáo viên làm sai, thì trường không thể phát triển được. “Bền bỉ, bền bỉ và bền bỉ- là công thức giúp thay đổi. Quan trọng nhất là các giáo viên phải tự thay đổi”.

“Đặc biệt, thay vì kiểm soát, hãy tạo động lực cho các nhà giáo; thay đổi về văn hóa của lòng tin trong trường học; thay đổi hành vi của mỗi nhà giáo; thay đổi nội lực để từ đó tạo nên sự chuyển đổi bền vững…”- PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói về những điều cần thay đổi với các nhà trường, cán bộ quản lý và cả giáo viên.

gv.jpg
PGS.TS Chu Cẩm Thơ: thay vì kiểm soát, hãy tạo động lực cho các nhà giáo - Ảnh minh họa

 

ThS. Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Siêu cũng khẳng định, việc thay đổi môi trường học đường thành công hay không phụ thuộc nhiều vào lãnh đạo, lãnh đạo phải là người thay đổi đầu tiên. “Ban đầu khi tổ chức các lớp học, trường phải cho tiền để giáo viên tới học, họ đến với tâm thế ‘bị học’. Nhưng sau đó, thấy các buổi tập huấn thiết thực, giáo viên đã chủ động, có mong muốn được học, không cần nhà trường phải phát tiền mới tới”.

Nhà giáo thay đổi vì trường học hạnh phúc

Những ý kiến trên được đưa ra tại Hội thảo “Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc - bắt đầu từ “7 thói quen” do Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Hà Nội tổ chức ngày 24/5 tại Hà Nội, với mục đích lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án “Giải pháp phát huy nội lực, tạo động lực nâng cao năng lực, trình độ nhà giáo để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông sau 2020”.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đào tạo để giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi trong hành động và xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu hướng tới của Dự thảo Đề án.

Đề án sẽ hỗ trợ để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên tự nguyện tham gia đề án sẽ phát huy được nội lực, có động lực, kỹ năng để thay đổi bản thân. Từ đó xây dựng những tập thể nhà giáo, các cơ sở giáo dục đó đủ năng lực làm thay đổi kết quả giáo dục hành vi, nhân cách của học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực hiện nay trong đội ngũ nhà giáo.

Dự án dự kiến được triển khai từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2023. Chi phí dự kiến là 3,4 triệu đồng cho mỗi giáo viên với nguồn kinh phí thực hiện huy động từ nguồn xã hội hóa và sẽ được công khai.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm: "Mục tiêu của đề án là giúp thầy cô giáo tìm được động lực, phương pháp để tự thay đổi bản thân và tạo ra sản phẩm là phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục có hiệu quả, xây dựng được lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.”

TS Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Vai trò cá nhân của các hiệu trưởng có tác động trực tiếp tới các hoạt động chung của nhà trường. Ở các trường công lập, sự thay đổi của giáo viên, cán bộ quản lý rất chậm, nếu năm sau vẫn hoạt động như năm trước tức là đang tụt hậu so với yêu cầu chung. Bản thân giáo viên dễ mang tính bảo thủ, chậm thay đổi vì thói quen, do tính chất nghề nghiệp. Do đó, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng để giáo viên được tiếp cận với ý tưởng, kỹ năng mới hơn, giúp họ khắc phục hạn chế, thói quen “bảo thủ” trong công việc. 

 

Chương trình “7 thói quen” (do TS. Stephen Covey nghiên cứu), bao gồm: Sống chủ động; bắt đầu với mục tiêu; ưu tiên việc quan trọng; tư duy cùng thắng; hiểu rồi được hiểu; hợp lực và rèn giũa bản thân.

Thông qua việc thực hiện 7 thói quen, sẽ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi nhà giáo và dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong khuôn viên trường học. mỗi nhà giáo sẽ áp dụng các thói quen, kỹ năng được học để phát huy nội lực, vượt qua áp lực của cuộc sống, thực hiện hiệu quả sứ mệnh nghề nghiệp của mình tạo nên nhiều trường học hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm