pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 thói quen xấu gây hại cho não bộ rất nhiều trẻ đang mắc phải hàng ngày
Ảnh minh họa
Đối với trẻ em, não bộ chưa phát triển hoàn thiện. Để não bộ của trẻ hoạt động mạnh mẽ hơn, nhiều bậc cha mẹ chú trọng chế độ dinh dưỡng hoặc các hình thức tập luyện khác nhau để kích thích sự phát triển tối ưu.
Tuy nhiên trong cuộc sống, trẻ có thể có nhiều thói quen xấu vô tình làm tổn thương bộ não mà không hề hay biết. Dưới đây là 7 thói quen xấu gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, cha mẹ nên để ý và giúp con thay đổi.
1. Trẻ ăn, uống quá nhiều đồ ngọt
Trẻ em đang tuổi lớn rất cần protein để phát triển cơ bắp và chất béo lành mạnh để hỗ trợ não và hệ thần kinh. Một đứa trẻ thường xuyên uống nước ngọt thay vì sữa thường sẽ thiếu canxi cần thiết cho răng và xương chắc khỏe.
Uống nhiều đồ uống có đường cũng ảnh hưởng đến trí não và trí nhớ của trẻ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi về già. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều đường fructose có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin trong não bé, làm giảm chức năng não, trí nhớ và khả năng học tập.
2. Tư thế ngồi của trẻ không đúng
Nhiều trẻ chưa có tư thế đúng dù là đọc, viết hay ngồi, đứng trong sinh hoạt. Bé thích bắt chéo chân hoặc lắc chân, cột sống cong, đầu nghiêng sang một bên, mắt để quá sát vào trang giấy, nằm sấp làm bài tập, những tư thế xấu này sẽ khiến việc viết và đọc của bé trở nên khó khăn. Lân dần có thể khiến bé bị sưng mắt và giảm thị lực.
Để cột sống ở trạng thái cong trong thời gian dài sẽ chèn ép các dây thần kinh cột sống và mạch máu khiến máu cung cấp lên não không đủ, tê liệt dây thần kinh, đau mỏi vai gáy, đau đầu, chóng mặt, thiếu tập trung, mất tập trung... thậm chí tính cách cáu bẳn.
Vì vậy, muốn con viết được lâu mà vẫn dồi dào năng lượng khi đọc, cha mẹ phải chú ý sửa tư thế ngồi xấu cho con. Nếu có thể, hãy kết hợp bàn và ghế có chức năng điều chỉnh để giúp trẻ luôn duy trì tư thế ngồi đúng.
3. Trẻ thiếu ngủ
Có một thực trạng mà nhiều bậc phụ huynh nên nhận ra là: trẻ em hiện nay thường ngủ không đủ giấc hoặc thiếu những giấc ngủ chất lượng. Nguyên nhân vì thời gian đi học bắt đầu sớm, não bộ dễ phân tâm do tác động từ màn hình và các áp lực bên ngoài đã khiến hơn 52% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi ngủ ít hơn 9 giờ mỗi đêm theo khuyến nghị của bác sĩ nhi khoa.
Theo một nghiên cứu mới được trình bày tại Hội nghị và Triển lãm Quốc gia năm 2019 của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) ở New Orleans, việc trẻ thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, trong nhóm trẻ em cùng lứa tuổi, 48% trẻ ngủ đủ giấc sẽ có khả năng tò mò, tiếp nhận thông tin và kĩ năng mới cao hơn 44%. Những trẻ này cũng có khả năng hoàn thành bài tập về nhà cao hơn 33% và thể hiện sự quan tâm đến việc học ở trường cao hơn 28%.
4. Trẻ thích trùm chăn ngủ
Trùm chăn kín đầu khi ngủ có thể là 1 trong những nguyên nhân gây tổn thương não. Bằng chứng cho thấy 23% người bị sa sút trí tuệ là do thói quen ngủ trùm chăn kín đầu trong thời gian dài. Bởi thói quen này làm hạn chế luồng không khí qua miệng và mũi, do đó, não không nhận đủ không khí trong lành cần thiết để hoạt động bình thường.
Với trẻ, duy trì thói quen này lâu ngày sẽ khiến hô hấp không được lưu thông, dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp. Thậm chí, trùm chăn lúc ngủ dễ dẫn đến tình trạng thiếu oxy lên não, không cung cấp đủ dưỡng chất cho hoạt động của não khiến trẻ bơ phờ, lơ mơ, kém tập trung.
5. Trẻ bỏ bữa sáng
Bữa sáng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển não bộ của trẻ. Nếu như trẻ bỏ bữa ăn sáng hoặc ăn bữa sáng quá ít sẽ không cung cấp được đủ lượng đường huyết trong máu. Khiến cho việc cung cấp dinh dưỡng cho não bị giảm gây tổn hại đến sự phát triển của não.
Bên cạnh đó, có nghiên cứu cho thấy rằng việc cung cấp cho trẻ thực phẩm giàu protein trong bữa sáng giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, não bộ của trẻ sẽ hoạt động tốt hơn. Nhờ vậy, tư duy của trẻ được minh mẫn hơn trong giờ học và lâu hơn những trẻ chỉ ăn bữa sáng đơn giản hoặc ăn bữa sáng ít chất dinh dưỡng.
6. Lười chơi các trò về tư duy
Não bộ của trẻ cần phải thường xuyên vận động, suy nghĩ, tư duy. Có như vậy thì não bộ trẻ mới phát triển linh hoạt được. Trẻ lười tư duy sẽ khiến cho tốc độ phản ứng của não bộ trẻ bị suy giảm, não bộ sẽ trở lên ngày càng chậm chạp hơn.
Để giúp cho não bộ của trẻ thường xuyên vận động tư duy hơn, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động trí tuệ như trò chơi đố chữ, chơi cờ... Những hoạt động này sẽ giúp cho sự phát triển tư duy của trẻ nhanh nhẹn hơn.
7. Bị căng thẳng trong thời gian dài
Rất nhiều bậc phụ huynh lợi dụng giai đoạn não bộ trẻ còn đang phát triển mà cho trẻ đi học quá nhiều khóa học khác nhau mỗi ngày, thậm chí là cả thứ bảy chủ nhật, khiến trẻ không có thời gian rảnh để nghỉ ngơi. Do đó dẫn đến việc cơ thể trẻ trở nên mệt mỏi, bệnh tật... lúc này không những hiệu quả học tập bị giảm sút mà còn gây tổn hại đến não bộ của trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, sự kỳ vọng từ gia đình đôi khi gây áp lực cho trẻ. Nếu thường xuyên bị chửi mắng, đánh đập, não trẻ sẽ dần tiếp nhận mọi chuyện trong sợ hãi, hoảng loạn, gây tổn thương về tâm lý lẫn sức khỏe cho các bé.