pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 tình huống phỏng vấn "cực chua" nhà tuyển dụng thường diễn để thử lòng ứng viên
Thông qua những câu hỏi đơn giản hoặc những thông tin sơ bộ căn bản trong CV, nhà tuyển dụng khó lòng có thể hiểu được hết bản chất cốt lõi của mỗi ứng viên. Vì lẽ đó mà trong rất nhiều buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng không ngại đặt ra những thử thách một cách tinh tế và khéo léo để thử khả năng phản ứng của ứng viên qua đó có cái nhìn đa diện, nhiều chiều hơn về người mà mình sẽ hợp tác trong tương lai. Bên dưới đây là một số tình huống người làm công tác quản trị nhân sự thường áp dụng:
1. Mời ứng viên uống nước
Gần đây, phương pháp đánh giá ứng viên mang tên “ly cà phê thử nghiệm” được các nhà tuyển dụng dùng khá phổ biến. Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đưa ứng viên đến khu vực pha chế và mời họ một tách cà phê. Sau khi trò chuyện, nhà tuyển dụng sẽ quan sát cách ứng viên xử lý với chiếc cốc. Có người sẽ hỏi nơi cất cốc, có người sẽ chỉ đặt cốc lên bàn và có người sẽ quay lại quầy pha chế để tự rửa.
Trent Innes, nhà sáng lập công ty phần mềm kế toán Xero Australia, người sáng tạo ra phương pháp này cho biết cách ứng viên xử lý chiếc cốc có thể nói lên rất nhiều về tính cách và cách ứng xử của họ. Nó cho thấy khả năng thích nghi với hoàn cảnh, một phần văn hóa công sở của ứng viên. Quyết định tốt nhất trong trường hợp trên là ứng viên quay trở lại quầy pha chế sau khi phỏng vấn và tự rửa cốc.
2. Cố tình để ứng viên chờ đợi
Phương pháp “ly cà phê thử nghiệm” là phép thử hoàn toàn vô hại nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều nếu ứng viên phải chờ đợi nhà tuyển dụng.
Ví dụ ứng viên được hẹn phỏng vấn lúc 9h sáng nhưng rồi lịch lùi xuống 10 phút, 15 phút rồi lại 20 phút nữa. Thủ thuật này có thể cho thấy ứng viên xử lý cảm xúc ra sao trong các tình huống căng thẳng, khó chịu và mức độ họ muốn nhận công việc này.
3. Bất ngờ to tiếng tạo tình huống căng thẳng
Lên giọng, la hét hay thậm chí sử dụng những từ xúc phạm là phương pháp mô hình hóa tình huống căng thẳng và là cơ hội để kiểm tra ứng viên đối phó với tình huống bất ngờ. Trong tình huống như vậy, ứng viên nên tỏ ra bình tĩnh và tiếp tục trả lời câu hỏi hoặc đối đáp một cách tự nhiên, thoải mái.
4. Đưa ra yêu cầu lạ
Nhà tuyển dụng không hề lập dị mà thực chất đang kiểm tra cách ứng viên đối phó, xử lý những tình huống oái oăm, nghịch lý. Quyết định hành động thế nào sẽ thể hiện khả năng xử lý thông tin và tư duy của ứng viên.
Sẽ thế nào nếu nhà tuyển dụng yêu cầu chúng ta đứng lên và nhảy ra khỏi cửa sổ? Trong trường hợp này, ứng viên có thể đứng lên bệ cửa sổ và nhảy xuống sàn phòng vì nhà tuyển dụng không yêu cầu vị trí tiếp đất cụ thể. Hoặc ứng viên có thể tạo ấn tượng bằng việc đặt câu hỏi “đôi bên cùng có lợi” như “Quý công ty sẽ hưởng lợi như thế nào từ cú nhảy của tôi?”. Cách xử lý tình huống thông minh khiến ứng viên ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
5. Cư xử kỳ lạ
Một phương pháp khác kiểm tra năng lực ứng viên là khi đang trò chuyện, nhà tuyển dụng đột nhiên phớt lờ, chỉ nhìn chăm chú vào màn hình máy tính hoặc nhận một cuộc điện thoại và rời khỏi phòng. Với phương pháp này, nhà tuyển dụng muốn kiểm tra khả năng thu hút sự chú ý, thuyết phục hoặc giải quyết tình huống của ứng viên. Trong tình huống này, ứng viên có thể đề nghị lên lịch phỏng vấn vào một ngày khác.
6. Được giới thiệu đến mọi người trong công ty
Trong hoặc sau cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể đề nghị đưa ứng viên đi làm quen, chào hỏi mọi người trong công ty. Đây không chỉ là hành động lịch sự thông thường mà thông qua lời mời này, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu ý kiến của mọi người về ứng viên.
7. Làm rơi bút xuống sàn
Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể cố tình làm rơi bút xuống sàn để kiểm tra khả năng phản ứng nhanh và thái độ của ứng viên đối với mọi người xung quanh. Nếu ứng viên theo bản năng cúi xuống và nhặt cây bút lên, nhiều khả năng họ sẽ được nhận và ngược lại nếu để nhà tuyển dụng tự nhặt bút, ứng viên có thể bị mất điểm.