70% người trưởng thành nhiễm vi khuẩn gây ung thư dạ dày

22/08/2016 - 14:37
Nhiễm Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, có trên 70% người trưởng thành bị nhiễm HP, nhưng việc điều trị trở nên khó khăn do tình trạng kháng thuốc.
Theo PGS.TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Đại học Y Dược TPHCM, Việt Nam có khoảng hơn 70% người trưởng thành bị nhiễm HP. Đây được xem là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày.

Theo đó, 90% số người bị viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP; ở bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng khoảng từ 75-85% do HP; biến chứng thủng do loét dạ dày - tá tràng thì sự hiện diện của HP chiếm từ 80-95% trường hợp. Vì vậy, việc điều trị diệt HP khi bị viêm, loét dạ dày - tá tràng đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày.
hp-1.jpg
 Vi khuẩn HP gây nhiều biến chứng
“Nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn HP chủ yếu là qua đường ăn uống, sử dụng thực phẩm không an toàn hoặc trong gia đình có người bị nhiễm HP cũng dễ lây nhiễm cho các thành viên còn lại. HP còn có thể lây nhiễm qua dụng cụ y tế để nội soi không được khử trùng tốt. Nguồn nước bị ô nhiễm cũng có thể gia tăng tỉ lệ nhiễm HP”, TS Hoàng nói.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Hoàng, việc điều trị vi khuẩn HP đang gặp nhiều khó khăn do vấn đề kháng thuốc. Bởi, vi khuẩn sống trong dạ dày thích nghi với môi trường nên kháng sinh rất khó phát huy tác dụng. Kháng sinh khi uống vào gặp môi trường acid trong dạ dày thì thuốc sẽ bị hủy và giảm tác dụng.

TS Hoàng cho biết thêm, có 3 nhóm nguyên nhân chính khiến vi khuẩn HP kháng thuốc: Người bệnh không tuân thủ đúng liều lượng, thời gian và cách uống thuốc do sợ tác dụng phụ của kháng sinh, hoặc sợ phải uống số lượng thuốc quá nhiều; vi khuẩn HP đề kháng với các kháng sinh đang sử dụng do việc lạm dụng và sử dụng tùy tiện kháng sinh; acid trong dạ dày quá nhiều làm cho kháng sinh bị phá hủy hoặc mất tác dụng hay do chuyển hóa ở gan làm cho các thuốc ức chế tiết acid bị giảm tác dụng.

“Quá trình chữa trị không đúng phác đồ hoặc không chữa trị, có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào nhiễm vi khuẩn HP đều sẽ bị ung thư, nó phụ thuộc vào cơ địa của từng người, độc tính của vi khuẩn và chế độ ăn uống. Một chế độ ăn mặn, thực phẩm lên men, muối chua, thịt hun khói… dễ  làm cho thực phẩm bị biến chất gặp vi khuẩn HP thì dễ phát sinh ung thư hơn. Vì vậy, khi nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần tránh đồ chua cay; tránh ăn mặn; nên dùng nghệ vì chứa chất chống ung thư, làm lành những tổn thương trong viêm loét bao tử. Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng liều, đúng lượng, đúng giờ”, PGS.TS Hoàng khuyến cáo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm