700 người di cư thiệt mạng 'trước cửa thiên đường'

30/05/2016 - 17:18
Cuộc khủng hoảng người nhập cư châu Âu trở nên hỗn loạn và tồi tệ khi có khoảng 700 người di cư được cho là bị chết đuối trong 3 vụ đắm tàu ngoài khơi Địa Trung Hải, phía Nam Italia chỉ trong vài ngày qua.
di-cu4.jpg
Một chiếc tàu ọp ẹp chở người di cư chìm trên Đia Trung Hải trước sức nặng quá tải.
Theo người phát ngôn Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc Federico Fossi, đến nay chưa thống kê được chính xác con số thương vong song có thể 700 người đã chết trong 3 vụ đắm tàu xảy ra trong vòng 1 tuần lễ qua.
Theo nguồn tin của Hải quân Italia, một tàu đánh cá chở hơn 550 người đã bị chìm vào sáng ngày 27/5, trong đó có ít nhất 40 trẻ em. Trước đó 1 ngày, khoảng 100 người di cư đã mất tích trong một vụ đắm thuyền ở ngoài khơi bờ biển Libya. Ít nhất 45 thi thể đã được trục vớt. Những người may mắn sống sót cho biết, có khoảng 1.100 người tham gia cuộc hành trình từ Sabratha ở Libya ngày 26/5 trên 2 chiếc tàu đánh cá và một thuyền cao su. Con tàu đầu tiên chở theo 500 người khi bị chìm đã kéo một chiếc thuyền khác cũng chở khoảng 500 người khác.
tham-canh-nguoi-di-cu-o-dia-trung-hai-4.jpg
Những người may mắn được cứu sống
Đây là những vụ việc mới nhất về những gì mà các chuyên gia cảnh báo về một làn sóng nhập cư ồ ạt lớn nhất thế giới kể từ Thế chiến lần thứ hai. Bom đạn và chiến tranh đang đẩy nhiều người vô tội ở Trung Đông và châu Phi vào bước đường cùng, khiến họ phải đánh đổi mạng sống của mình với hy vọng tìm thấy một mảnh đất không tiếng súng. Chiến sự, xung đột ở nhiều quốc gia trên thế giới là nguyên nhân đẩy hơn 33,3 triệu người phải di tản. Hầu hết những người tị nạn vượt biển đều đến từ Somalia, Eritrea và Sudan. Riêng cuộc chiến tại Syria, Libya, Iraq và bất ổn leo thang ở hầu hết các quốc gia Arab đẩy 16,7 triệu người phải ly hương. Bất chấp hành trình đầy gian nan, hàng năm, vẫn có hàng trăm nghìn người từ nhiều quốc gia khác nhau tìm cách nhập cư trái phép vào châu Âu. Trong dòng người di cư bất hợp pháp ấy, nhiều người không bao giờ có thể đến được cái đích cuối cùng, bỏ lại giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Con đường nhập cư bất hợp pháp là con đường đầy máu và nước mắt. Kể từ khi Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn người di cư trên biển Agean, ngày càng có nhiều người chuyển hướng cuộc hành trình tới Libya để vào Italia qua Địa Trung Hải. Các đảo miền Nam Italia là điểm đến của nhiều thuyền khởi hành từ bờ biển Libya, chở theo những người chạy trốn đói nghèo, xung đột ở châu Phi và Trung Đông. Đây là tuyến đường biển dài, nguy hiểm và đầy chết chóc. Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi thống thiết để châu Âu công nhận “nhân phẩm của những người nhập cư”. Khủng hoảng nhập cư đang là một trong những vấn nạn khiến các nước châu Âu phải đau đầu trong những năm gần đây. Từng phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Giáo hoàng nói: “Chúng ta không thể cho phép vùng Địa Trung Hải trở thành một nghĩa địa rộng lớn”.
tham-canh-nguoi-di-cu-o-dia-trung-hai-5.jpg
Giáo hoàng Francis xót xa khi nói đến số phận những người tị nạn.
Theo tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Không biên giới (MSF), đã có khoảng 14.000 người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải trong điều kiện biển lặng sóng. Số người chết trong các vụ đắm thuyền này chỉ được ước tính dựa trên thông tin mà những người sống sót đưa ra vì những người di cư thường không biết bơi và cũng không có áo phao cứu sinh. Họ phải trả hàng trăm hoặc hàng nghìn USD để được những kẻ buôn người đưa từ Libya sang Italia. Đảo Lampedusa và Sicily của Italia là cửa ngõ chính để bọn buôn người đưa người di cư tràn vào châu Âu.
di-cu.jpg
Sự tuyệt vọng khi chới với giữa biển khơi
Phía sau mỗi trường hợp nhập cư trái phép cũng như số phận hàng chục nghìn người di cư đến châu Âu mỗi năm, có một ngành công nghiệp bao gồm những tên tội phạm cò con và cả những tên trùm, những người đòi tới 10.000 USD trên mỗi người nhập cư. Nhiều người phải bán nội tạng để có đủ tiền đặt chân lên những con tàu vượt biển. “Buôn người là kinh doanh rất có lợi nhuận - có lẽ là một trong những kiểu kinh doanh có lợi nhuận cao nhất thế giới”, bà Izabella Cooper, phát ngôn viên cơ quan kiểm soát biên giới của Châu Âu (Frontex) chia sẻ.
Dưới đây là video về số phận người di cư lênh đênh giữa trùng khơi nguy hiểm ở Địa Trung Hải:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm