75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Phát huy vai trò, vị thế của nữ Đại biểu Quốc hội

Dương Hà
06/01/2021 - 12:14
75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Phát huy vai trò, vị thế của nữ Đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các nữ ĐBQH bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 15/6/2020. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với phát huy quyền bầu cử, Phụ nữ Việt Nam ngay trong lần Tổng tuyển cử đầu tiên còn được quy định về quyền ứng cử để trở thành nữ nghị sĩ, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Qua 75 năm, ngày càng có nhiều nữ ĐBQH được trúng cử với việc tăng cả số lượng lẫn chất lượng, phát huy được vai trò, vị thế của mình, đặc biệt là trong thời đại mới.

Nữ nghị sĩ tăng dần qua các nhiệm kỳ

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nữ ĐBQH khóa XIV do Hội LHPNVN tổ chức vào tháng 6/2020, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga nhấn mạnh, trong các nhiệm kỳ Quốc hội, các nữ ĐBQH luôn thể hiện trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Các nữ ĐBQH ở bất kỳ cương vị, cơ quan công tác, địa phương nào đều cố gắng học tập nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu giữ vững phẩm chất người đại biểu nhân dân, gần gũi, gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội. 

"Đóng góp của các nữ ĐBQH đã góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đem lại hiệu quả tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước" – bà Hà Thị Nga nhìn nhận.

75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Phát huy vai trò, vị thế của nữ Đại biểu Quốc hội - Ảnh 1.

Hội LHPNVN tổ chức buổi gặp mặt các nữ ĐBQH khóa XIV vào tháng 6/2020. Ảnh: Quochoi.vn

Hoạt động của nhóm nữ ĐBQH đến nay được Quốc hội các nhiệm kỳ ghi nhận với nhiều mặt tích cực, được đánh giá cao trên nghị trường quốc tế. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, có được vị thế này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phần lớn là nhờ Hội LHPNVN luôn đồng hành, có những chính sách động viên, phát hiện nguồn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ. 

"Hội đã phối hợp với các nữ ĐBQH trong xây dựng luật pháp, giám sát, quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Chúng tôi mong rằng Hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Nhóm Nữ nghị sỹ Quốc hội, kịp thời chia sẻ thông tin về tâm tư nguyện vọng, nhu cầu  của phụ nữ làm cơ sở cho việc đề xuất chính sách, giám sát một cách có hiệu quả những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em theo lộ trình xây dựng luật của Quốc hội" – bà Phóng cho biết.

Phát huy vai trò của nữ ĐBQH trong thời đại mới

Nói về vị thế của phụ nữ trên chính trường, ThS. Hồ Thị Lý - Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, dù tỉ lệ nữ ĐBQH có tăng, song so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị thì tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn hết sức khiêm tốn. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nắm giữ các vị trí ra quyết định giữa nam và nữ vẫn còn một khoảng cách khá xa, quyền quyết định ở các cấp vẫn chủ yếu là nam giới. Để khắc phục tình hình, ThS Hồ Thị Lý cho rằng cần tăng tỷ lệ phụ nữ ứng cử chính thức trong danh sách ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lên để bảo đảm quyền của phụ nữ có đại diện ngang bằng trong hệ thống chính trị.

Ngoài ra, cần bổ nhiệm thêm phụ nữ vào các vị trí quy hoạch ứng viên tiềm năng, đồng thời thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ ở từng cấp, ngành, địa phương. "Cần huy động nguồn lực và sự tham gia của tất cả các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị để thực hiện tốt các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành" – ThS Hồ Thị Lý cho biết.

75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Phát huy vai trò, vị thế của nữ Đại biểu Quốc hội - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13, tổ chức trực tuyến vào ngày 17/8/2020. Ảnh: Quochoi.vn

Về điều này, ông Đỗ Duy Thường - Chuyên gia Hội đồng tư vấn bầu cử của MTTQVN cho biết, với dự kiến đảm bảo ít nhất 35% tỷ lệ nữ tham gia ứng cử HĐND cấp tỉnh, cần được nâng tỷ lệ giới thiệu ứng viên nữ. "Ta cần giới thiệu 40 – 50%, từ đó có sàng lọc để chọn. Nếu sát quá thì ra đến Hiệp thương, sàng lọc rồi thì tỉ lệ này khó đảm bảo được nữa. Vì thế cần nâng cao tỉ lệ giới thiệu lê, bám sát tỉ lệ dự kiến" – ông nhìn nhận. 

Bà Vương Thị Hanh – Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPNVN đồng tình khi cho rằng, cần tăng tỷ lệ ứng cử viên bầu cử từ 35% lên 40%. "Quốc hội khóa vừa rồi 38% nữ ứng cử nhưng trúng cử chỉ đạt 26%. 20 năm qua, nữ nghị sĩ Việt Nam bị giảm dần về số lượng, không tăng thêm, đây là điều mà chúng ta cần lưu tâm" – bà cho hay.

10 ĐBQH nữ được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta đã diễn ra trên phạm vi cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã bầu được 333 ĐBQH, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Kể từ Quốc hội khóa I năm 1946 với chỉ 10 đại biểu nữ (chiếm 3%), đội ngũ cán bộ nữ đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện Quốc hội Việt Nam có 2 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là nữ, cùng nhiều ĐBQH nữ đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt, Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội đầu tiên là bà Nguyễn Thị Kim Ngân – được xem là dấu ấn khẳng định vị thế của phụ nữ trên chính trường. Ở khóa XIV (2016 – 2021), tỷ lệ nữ ĐBQH đạt 26,72% với 133 nữ ĐBQH trên tổng số 496 đại biểu - xếp thứ 2 ASEAN và xếp thứ 43/143 nước trên thế giới về số lượng nữ nghị sĩ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13 tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 17/8/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn thúc đẩy các ưu tiên về chương trình nghị sự và các sáng kiến của Việt Nam liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái, tổ chức thành công trực tuyến phiên họp đặc biệt cấp cao ASEAN về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn". "Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp" – nữ Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm