8 mẹo để cắt giảm chi phí, tiết kiệm hiệu quả trong những thời điểm khó khăn

BẢO ANH.
14/09/2022 - 12:00
8 mẹo để cắt giảm chi phí, tiết kiệm hiệu quả trong những thời điểm khó khăn
Dưới đây là 8 mẹo giúp bạn quản lý tiền bạc và nhanh chóng ổn định tài chính, tiết kiệm hiệu quả trong những thời điểm khó khăn.

Cắt giảm chi phí là điều rất quan trọng trong mọi thời điểm và trong những thời điểm khó khăn, điều này lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Dù không ai muốn song sự thật là đại dịch toàn cầu, thất nghiệp, bệnh tật hay một biến cố bất kỳ có thể xảy đến với chúng ta trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Những khoảng thời gian khó khăn này không chỉ là bài kiểm tra với sức khỏe tài chính của bạn mà còn với tinh thần và thể chất của bạn.

Để giúp bạn vượt qua bất kỳ trở ngại nào, dưới đây là 8 mẹo giúp bạn quản lý tiền bạc và nhanh chóng ổn định tài chính, tiết kiệm hiệu quả:

Mẹo số 1: Thương lượng các khoản thanh toán thế chấp và tiền thuê nhà của bạn

Nếu bạn không đủ khả năng thanh toán toàn bộ khoản thế chấp, hãy cân nhắc liên hệ với ngân hàng của bạn để xem xét các lựa chọn thay thế.

Nếu bạn không đủ khả năng để thanh toán toàn bộ tiền thuê nhà, hãy liên hệ với chủ nhà, chia sẻ với họ về tình hình tài chính hiện tại của bạn và thương lượng kế hoạch thanh toán. Đó có thể là thương lượng giảm tiền thuê nhà trong vài tháng hoặc hoãn kỳ thanh toán.

Mẹo số 2: Thương lượng các tiện ích của bạn và các khoản thanh toán hàng tháng khác

Nếu bạn khó có khả năng chi trả một số hoặc tất cả các tiện ích của mình hoặc bất kỳ khoản thanh toán nào khác, hãy nghĩ đến việc liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ để yêu cầu giảm hoặc hoãn thanh toán. Bạn cũng có thể chuyển sang sử dụng các gói dịch vụ thấp hơn, phù thuộc hơn với tình trạng hiện tại.

Với các khoản vay nợ người thân, bạn bè, bạn có thể liên hệ trực tiếp với người cho vay để xem liệu bản thân có thể hoãn lại kỳ thanh toán nào hoặc thương lượng giảm số tiền phải trả trong kỳ tới.

Mẹo số 3: Tạo kế hoạch chi tiêu khẩn cấp (thay đổi ngân sách)

Nếu thu nhập của bạn bị cắt giảm trong thời gian này, ngân sách cũ của bạn có thể không còn phù hợp. Hãy tạo một ngân sách mới có tính cập nhật để phù hợp hơn với thu nhập và chi phí của bạn bây giờ.

Kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình tài chính của mình. Khi bạn biết rõ mình kiếm được bao nhiêu, tiêu vào những gì, bạn sẽ thấy giảm căng thẳng về tiền bạc. Khi tạo ngân sách mới cho khoảng thời gian này, hãy tìm các lĩnh vực mà bạn có thể giảm chi phí như giải trí, bảo hiểm xe hơi, gói điện thoại di động hay truyền hình cáp, internet…

Mẹo số 4: Giảm chi phí thực phẩm và hàng tạp hóa

Chi phí mua sắm và thực phẩm ăn uống thường đóng vai trò là khoản chi tiêu lớn đối với nhiều người. Hãy cân nhắc giảm chi phí này bằng cách cắt giảm việc gọi đồ ăn, hạn chế ăn hàng, mua sắm sản phẩm thuộc các thương hiệu khác thay vì nổi tiếng, lên kế hoạch cho bữa ăn.

Với mỗi thay đổi nhỏ, bạn sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể sau một thời gian. Chỉ đơn giản với việc lên kế hoạch trước cho bữa ăn, bạn không chỉ giảm được thời gian chuẩn bị, đi chợ cũng như nấu nướng mà còn chủ động hơn với nguồn thực phẩm và cắt giảm kha khá chi phí.

Mẹo số 5: Lưu ý đến chi phí mua sắm và giải trí trực tuyến

Khi cảm thấy buồn chán, lo lắng hoặc phải trải qua thời kỳ khó khăn, chúng ta thường dễ bị cuốn vào những hoạt động như dành hàng giờ để xem các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, giải trí bằng các hoạt động bình thường không làm. Và những điều này đều có thể làm xẹp đi ví của bạn.

Hãy tận dụng các dịch vụ, nền tảng miễn phí, liệt kê ra cho mình những cách giải trí không tốn kém thay vì bị cuốn vào việc chi tiêu trực tuyến nhiều hơn mức bản thân có thể chi trả.

Mẹo số 6: Đề phòng những trò gian lận, lừa đảo

Những kẻ lừa đảo có xu hướng săn đón những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người đang gặp khủng hoảng. Hãy cảnh giác với bất kỳ thông tin liên lạc nào thông qua điện thoại, email và tự nhận là cơ quan chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ… yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân và tài chính. Càng trong những giai đoạn khó khăn, bạn càng cần học cách tự bảo vệ mình khỏi những trò gian lận, lừa đảo.

Mẹo số 7: Tìm kiếm các nguồn thu nhập bổ sung

Nếu bạn đang gặp khó khăn về tài chính, hãy xem xét liệu mình có thể có những nguồn thu nhập bổ sung nào. Bạn có thể tìm hiểu các chương trình trợ cấp của chính phủ hoặc chọn một công việc bán thời gian, tận dụng thế mạnh của mình để tự làm các sản phẩm thủ công đem bán..

Mẹo số 8: Yêu cầu giúp đỡ

Bạn có thể cảm thấy khó khăn khi phải chia sẻ về những khó khăn mình đang gặp phải trong tài chính. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, như trút được gánh nặng trong lòng và còn có thể nhận được sự giúp đỡ hữu ích.

Đó có thể là tiền bạc, thực phẩm hay công việc được giới thiệu, lời khuyên hữu ích… Tất cả đều giúp ích cho bạn trong việc cải thiện tình hình của mình. Đừng ngại nói ra những gì mình đang gặp phải.

Nhớ rằng, dù bạn đang trải qua bất cứ điều gì trong hiện tại, cảm xúc và những điều bạn quan tâm đều có giá trị của nó. Không ai thực sự sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng, vì vậy hãy coi thời gian này là một phần trong bước tiến của bạn.

Các mục tiêu tài chính của bạn có thể phải tạm gác lại trong thời gian này và điều đó không sao cả. Hãy tập trung chăm sóc những nhu cầu thiết yếu của bạn, sức khỏe của bạn và những người thân yêu trước. Bằng cách thực hiện những thay đổi trên, bạn sẽ cắt giảm được chi phí một cách hiệu quả và ổn định nhanh chóng dù trong khó khăn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm